30/05/2015 08:23 GMT+7

Không để người dân phải nộp phí oan

L.KIÊN - V.SỰ - V.V.THÀNH
L.KIÊN - V.SỰ - V.V.THÀNH

TT - Nhiều đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính rà soát loại phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, nếu không phù hợp thực tiễn thì nên bỏ.

Ảnh: Việt Dũng
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Việt Dũng
Nhiều người dân than với tôi họ mua cái xe máy chỉ để chạy đi chợ, đón con. Và con đường họ đi ngay trong xóm, trong khu phố của mình. Đường đó do chính họ và cư dân xung quanh tự cắt đất, tự bỏ tiền ra làm. Thế nhưng họ phải đóng phí đường bộ cho cái xe máy. Quá vô lý!
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm

 Ngày 29-5, thảo luận tại tổ về dự án Luật phí và lệ phí, nhiều đại biểu Quốc hội quan ngại tình trạng “phí đè đầu dân” nếu luật này không quy định cụ thể, minh bạch. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.HCM - nêu câu hỏi của cử tri rằng “xe dân mua, đường dân làm, sao lại thu phí?” đối với phương tiện xe máy. 

Câu hỏi này được đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt ra trong một trường hợp cụ thể tại TP.HCM để minh chứng cho sự vô lý của phí đường bộ.

Bà Tâm nói: “Nhiều người dân than với tôi họ mua chiếc xe máy chỉ để chạy đi chợ, đón con. Và con đường họ đi ngay trong xóm, trong khu phố của mình. Đường đó do chính họ và cư dân xung quanh tự cắt đất, tự bỏ tiền ra làm. Thế nhưng họ phải đóng phí đường bộ cho xe máy. Quá vô lý!”.

Nhiều đại biểu đoàn TP.HCM đề nghị Bộ Tài chính rà soát loại phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, nếu không phù hợp thực tiễn thì nên bỏ.

Sau cái khung là danh mục khoản thu dài 

Đại biểu Tâm cho rằng luật phải bao quát, phí và lệ phí cần được quy định mềm, giao quyền cho địa phương cân nhắc thu hoặc không thu, thu ở mức nào. Vì chỉ có địa phương mới nắm rõ được thực tế, nếu không sẽ còn nhiều người dân phải đóng phí oan.

Đại biểu Trương Thị Ánh - phó chủ tịch HĐND TP.HCM - cho biết tại các cuộc họp của HĐND TP, các đại biểu cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về phí đường bộ với xe máy. “Chạy xe máy người ta phải đổ xăng. Khi mua xăng, người dân đã trực tiếp đóng một khoản phí cho Nhà nước. Giờ cứ thu thêm nữa, đó là tận thu của dân” - bà Ánh bày tỏ.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, dự thảo Luật phí và lệ phí có quy định về phí sử dụng tạm thời lề đường, lòng đường, hè phố là điều cần phải cân nhắc vì lâu nay đây là chỗ thường bị lạm dụng. Nếu luật quy định như vậy, vô hình trung tạo ra cơ sở pháp lý cho việc sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố.

Cũng lo ngại tình trạng “nhiều khoản phí đè đầu người dân”, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) - ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách - “băn khoăn nhất là trong tờ trình của Chính phủ chưa nêu được đầy đủ danh mục phí và lệ phí. Danh mục trình mới chỉ là danh mục khung, chứ còn đằng sau mỗi cái tên phí, lệ phí ấy lại là một danh mục dài các khoản thu, mức thu”.

Ông Chiểu cho biết ở các nước quốc hội người ta ban hành cụ thể từng khoản, mức cụ thể và người dân chỉ nhìn vào đó để nộp. Nếu lần này không quy định cụ thể, đặc biệt là thẩm quyền của Quốc hội, để kiểm soát vấn đề này thì rất có thể lại rơi vào tình trạng như trước đây là người dân oằn mình cõng phí và Quốc hội từng phải bãi bỏ tới 374 khoản thu không hợp lý.

Có những loại phí phải do Nhà nước định

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng đối với dự án Luật phí và lệ phí thì điều quan trọng là phải rà soát kỹ, đánh giá xem những khoản phí, lệ phí nào còn phù hợp, khoản nào không còn phù hợp. Ví dụ những khoản phí mà thu không đủ chi thì nên bãi bỏ.

Đồng tình việc chuyển một số loại phí thành giá dịch vụ để phù hợp hơn và khuyến khích xã hội hóa, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, tuy nhiên ông Uông Chu Lưu đặt ra vấn đề đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục thì tính như thế nào, có những loại phải do Nhà nước định giá để bảo đảm cân đối lợi ích của Nhà nước và thực trạng kinh tế cũng như thu nhập của người dân.

Còn đối với những loại dịch vụ do cơ quan, tổ chức thực hiện thì có thể chủ động định giá theo quy luật thị trường, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Về đưa một số khoản phí vào cơ chế giá, tôi đồng tình, nhưng cũng rất lưu ý và cho rằng khi thực hiện sẽ phức tạp. Bởi vì lâu nay chúng ta thực hiện chế độ ưu đãi, ví dụ trong giáo dục lâu nay chúng ta thực hiện cơ chế miễn, giảm học phí đối với những cấp học, đối tượng học khác nhau, bây giờ đưa sang cơ chế giá thì phải tính toán lại toàn bộ. Vấn đề đặt ra là với các đối tượng ưu tiên, lâu nay được Nhà nước hỗ trợ một phần thì tới đây sẽ thế nào?” - đại biểu Trần Quang Chiểu bày tỏ.

Giao quyền thu phí cho địa phương

Đại biểu Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề nghị: “Phải giao cho HĐND có thẩm quyền quyết định thu phí, lệ phí, HĐND sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân. HĐND đủ các cấp, đại diện cho người dân nhưng không có toàn quyền quyết định mà quyền thì cấp trên, phải xin, không được quyết thì sao phân cấp được. Nếu trung ương làm hết, quy định hết mức thu phí và lệ phí rồi thì cần gì đến HĐND nữa, làm thế lại để HĐND tốn 63 cuộc họp!”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng phí và lệ phí là lĩnh vực phân cấp dễ nhất mà không làm được nữa thì các lĩnh vực khác sẽ không bao giờ làm được.

“Phí và lệ phí là ngân sách, phải sửa ngay cả trong Luật ngân sách tới đây. Vấn đề nào, lĩnh vực nào thu phí nộp về trung ương thì do trung ương quy định, còn nộp cho địa phương, cho địa phương giữ lại thì phải cho địa phương có quyền quyết định mức thu và chi”.

Cũng băn khoăn về vấn đề này, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Hoàng Đăng Quang kiến nghị “dự thảo luật cần phân cấp rõ ràng giữa trung ương và địa phương, đặc biệt là vai trò của HĐND cấp tỉnh được phép quyết định một số khoản thu phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, tình hình của địa phương”.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình với quy định cho phép các đơn vị thu phí, lệ phí được để lại một phần để chi cho hoạt động thu.

“Phí và lệ phí là một nguồn thu của ngân sách, phải nộp vào ngân sách, sau đó chi theo đúng chế độ. Tôi không đồng tình quy định đơn vị thu được để lại một phần để sử dụng. Quy định như vậy rất dễ bị lợi dụng. Đã là phí và lệ phí thì việc thu, chi đều phải công khai, minh bạch, rõ ràng trách nhiệm” - đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) nói.

L.KIÊN - V.SỰ - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên