Từ bài viết Quỹ riêng trong hôn nhân, thỏa thuận với vợ là cả vấn đề!, Tuổi Trẻ Online nhận được các chia sẻ từ kinh nghiệm gia đình về quỹ chung, quỹ riêng, nhất là độc giả nữ.
Giữ quỹ chung do trách nhiệm
"Mà ai nói người giữ tiền là sướng đâu. Phải cân đối thu chi, lo toan mua sắm đủ thứ, hiếu hỷ hai nhà nội ngoại…", bạn đọc Mẹ Tom bày tỏ. Chị chia sẻ thẳng thắn:
Các comment trước đó đều là từ các anh nên đều đồng thuận quan điểm "tiền ai nấy xài" rồi thì "tự do", "tự lo"...
Vậy xin hỏi là con các chị sinh ra sao lại phải mang họ các anh nhỉ?
Đồng ý tài chính nên có sự tự do một chút cho đỡ căng thẳng. Nhưng tự do quá thành ra mất tự chủ.
Có anh lại còn mạnh miệng vợ chồng mình tiền ai nấy xài. Anh ấy nói lâu lâu đi nhậu, "đi uống bia tay vịn típ cho em út". Với tư tưởng đó thì không nên giữ tiền nhé.
Chị cũng kể câu chuyện nhà mình:
Theo quan điểm và hiện tại nhà tôi, lương ai nấy giữ lại mỗi tháng 1/3 chi xài cá nhân và cho người nhà của mình. Còn lại phải có trách nhiệm gửi vào quỹ chung của hai vợ chồng.
Việc ai là người giữ thì tùy mỗi nhà. Như nhà tôi, tôi quản. Mặc dù tôi từng nói chồng giữ, nhưng anh nói rắc rối quá không giữ...
Trường hợp chị Phương lại khác. Chị chia sẻ về quỹ chung: "Phải trải qua một thời gian khi kinh tế ổn định thì mình không còn hỏi chồng phải chuyển cho mình hằng tháng. Và cũng không quan tâm chồng có bao nhiêu.
Riêng bản thân mình vẫn tiết kiệm, không dám ăn sáng hay mua ly nước quá 30.000 đồng".
Dù vén khéo quỹ chung, ngày nọ chị Phương biết chồng chuyển tiền cho người này người kia mượn. Và chồng không thèm hỏi ý chị. "Đó quả là một sự tổn thương", chị viết.
Thỏa thuận quỹ chung ngay từ đầu
Quỹ chung, quỹ riêng đối với người mới về một nhà thì sao? Mới xây tổ ấm, anh Văn Hưng cho biết vài năm trước đã có ý tưởng lập thỏa ước hôn nhân khi kết hôn.
Việc đầu tiên luôn là các thỏa thuận về tài chính: Thu nhập bao nhiêu, quỹ chung đóng góp như thế nào, chi tiêu nào cần bàn bạc.
Ngoài ra, chúng tôi còn bàn về việc cư xử với đôi bên nội ngoại, bạn bè, con cái, tình dục...
Tôi rất vui khi vợ tôi hài lòng với cách minh bạch này và cùng tôi thực hiện thỏa ước. Thỏa ước này, chúng tôi có thể chỉnh sửa hàng năm hoặc khi thấy cần thiết.
Gia đình chị Mẹ Tom kể trên cũng phân chia: "Nếu có nhu cầu mua sắm cá nhân gì thì tự kiểm soát, tiết kiệm trong khoản 1/3 của mình mà mua.
Còn quỹ chung là lo tiền nhà, lo con cái, các khoản chi hai vợ chồng cùng bàn bạc, hoặc gửi tiết kiệm".
Khi nào cần xài thêm mà tiền cá nhân không đủ thì cứ nói ra. Hợp lý thì lấy quỹ chung chi thôi. Vợ chồng tôi hay nói vui là "chồng/vợ vay, cuối năm hay khi nào có dư sẽ trả". Không phải dùng chữ "ngửa tay xin vợ/chồng" làm gì.
Còn anh Thành cho rằng chuyện quỹ chung, quỹ riêng đơn giản. "Chỉ là do suy diễn không tin tưởng nhau mới ra lắm vấn đề". Anh phân tích:
"Thứ nhất, trước hôn nhân khi hẹn hò quen biết nhau, mỗi người đều có tài sản riêng tư.
Vậy chỉ cần tiếp tục bảo đảm trạng thái (là trạng thái, còn khoản tiền lớn nhỏ ra sao sẽ do hai người tự thỏa thuận) đó sau hôn nhân.
Thứ hai, nhìn nhận tính chất hôn nhân gia đình. Kết hôn, hai người sẽ cùng vun đắp cho mái ấm. Cần có quỹ chung hay "tiền nhà" để trang trải tất cả mọi thứ. Bao gồm cả những khoản chăm sóc cho cha mẹ, người thân của đôi bên".
Anh Thành nhấn mạnh quỹ chung, quỹ riêng "mọi thứ đều là sự thỏa thuận và tin tưởng nhau!". Nếu kết hôn còn phân chia tôi anh, không tin tưởng, xin hỏi hôn nhân đó liệu có còn ý nghĩa ban đầu?
Đưa tiền cho vợ là yên tâm
Theo bạn đọc số điện thoại 0988…, chuyện quỹ chung, quỹ riêng phức tạp hay không do gia cảnh mỗi nhà.
"Bản thân tôi và bà xã rất đồng lòng trong chuyện tiền bạc. Tính tôi không thích giữ tiền và có quỹ đen, quỹ trắng gì hết.
Làm bao nhiêu, thưởng bao nhiêu, tôi chuyển hết cho bà xã. Khỏi phải suy nghĩ đau đầu. Nhưng chúng tôi luôn để tiền sẵn trong bóp 4 - 5 triệu dùng hằng ngày", anh chia sẻ.
Nếu tiết kiệm, số tiền này anh dùng từ 20 ngày. Còn về quỹ chung, anh cho biết: "Nhờ đưa tiền cho bà xã mà trong tay vợ chồng tôi đã có được 4 lô đất để hưởng tuổi già. Và không trông đợi con cái lo sau này".
Tóm lại vấn đề này hãy minh bạch với nhau. Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, lập kế hoạch cho tương lai là có dư.
Mấu chốt hạnh phúc gia đình chính là tài chính vững. Đơn giản thế thôi có gì mà phải đau đầu bàn tới bàn lui.
Còn với bạn đọc Phạm Thiết Hùng, vợ không nắm rõ tài chính của anh. Nhưng anh quan niệm: "Khoản chi tiêu lớn như mua đất, làm nhà, mua xe... vợ chồng cùng bàn và hợp tác quỹ lại. Thiếu đủ ra sao cùng giải quyết".
Cũng có bạn đọc cho rằng không cần lập quỹ chung. Bạn đọc Huynh chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi tiền ai nấy xài. Không ai bận tâm ai có bao nhiêu. Việc gì cần chi thì ai sẵn tiện thì chi tự giác".
Độc giả Dona: "Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát. Cứ vậy mà sống, rạch ròi còn hơn giao hết cho một bên quản lý".
Theo bạn, vợ chồng lập quỹ chung và có quỹ riêng để phòng thân như thế nào cho hợp lý? Bạn có lời khuyên gì cho những người góp hết tiền riêng cho nửa kia lập nghiệp? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, bài học về địa chỉ email hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận