Bài viết Vợ chồng cùng có quỹ riêng, gia đình càng êm ấm và Vợ chồng thỏa thuận để có quỹ riêng, tại sao không? đăng trên Tuổi Trẻ Online nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc.
Có bạn đọc đồng cảm, kể kinh nghiệm của mình. Cũng có bạn đọc cho rằng khó để lập quỹ riêng.
Muốn minh bạch tưởng dễ lắm sao?!
Về việc lập quỹ riêng, bạn đọc Tùng cho rằng nếu cùng nhau xử lý thu chi gia đình, chia sẻ khó khăn, minh bạch tài chính thì gia đình sẽ êm ấm.
"Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng làm được, vì có thể hai vợ chồng không cùng quan điểm. Thực chất quỹ giống như để ống heo thôi. Thay vì bỏ tiền lẻ vương vãi khắp nhà, ta tập bỏ vào ống heo. Nếu bỏ ống đủ lâu, bạn đập ra xem coi nhà có vui không.
Đã là quỹ riêng rồi, theo tôi ít nhiều cũng gây ra hoài nghi, cho dù bạn có giải thích gì đi nữa. Còn nếu bạn nói tin lẫn nhau vậy lập quỹ riêng làm chi nữa?", anh Tùng chia sẻ.
Một số độc giả lo ngại đối phương không chịu nếu đề xuất lập quỹ riêng. Bạn đọc Hiển bày tỏ: "E rằng mấy bà vợ không chịu thôi. Vì lẽ mấy bà xưa nay luôn cho là tiền bạc phải do mấy bà nắm giữ toàn bộ".
Từ chỗ sợ không có tiếng nói chung đối với… quỹ riêng, bạn đọc Black chọn cách lẳng lặng lập quỹ. "Vì chẳng thể nào thỏa thuận với vợ. Vì cô ấy có cả ngàn cái cớ vô lý đến mức không thể tưởng tượng được để từ chối.
Thậm chí tôi có bao nhiêu tiền, cô ấy đều yêu cầu đưa cô ấy hết, nhưng lại bắt tôi trả tiền điện, nước, học phí cho con, nợ ngân hàng... rồi lại càm ràm sao tôi đưa cho cô ấy ít tiền".
Bàn bạc, tôn trọng đối phương khi lập quỹ riêng
Anh Hữu Phú chia sẻ: "Theo tôi, quan trọng nhất là cả hai vợ chồng cần có sự bàn bạc thống nhất, trên cơ sở vì mục tiêu chung của gia đình cũng như tôn trọng cá nhân của mỗi người". Theo đó, anh cho biết tổng thu nhập hai vợ chồng trên 30 triệu/tháng, cũng gọi là đủ chi tiêu.
Anh kể: "Lương tôi tháng 15 triệu, đưa vợ 11 triệu, còn 4 triệu để chi sinh hoạt cá nhân xăng xe, cà phê, đám đình, bia bọt... Ngoài ra còn có thu nhập thêm dù không đều lắm, khoản này thống nhất vợ không can thiệp.
Tuy nhiên mình cũng luôn có trách nhiệm, khi cần mua sắm cái gì thì vợ chồng bàn bạc, tùy điều kiện mình sẽ đóng góp một khoản. Khi có thu nhập thêm khá vẫn đưa về cho vợ để dành".
Khi đi du lịch, anh Phú thống nhất sẽ chi bao nhiêu, còn lại vợ lo. Ngày lễ Tết, anh vẫn có quà cho vợ con. Khi vợ cần thêm tiền làm việc gì đó, hai người sẽ trao đổi để cùng đóng góp.
Anh nhắn nhủ: "Ai cũng có nhu cầu cá nhân riêng và được tôn trọng khi sử dụng tiền do công sức mình làm ra. Đến nay vợ chồng minh vẫn sống tốt, vẫn có tích lũy để phòng khi có việc bất ngờ. Vợ chồng mình cảm thấy thoải mái về điều đó!".
Phản hồi bình luận của anh Hữu Phú, bạn đọc Smile cho biết đây là cách hay để lập quỹ riêng, "đồng vợ đồng chồng tát bể Đông cũng cạn".
Còn chị Thủy Viên cho rằng: "Thực ra, gần như mọi cặp vợ chồng đều có quỹ riêng, nhưng ngấm ngầm, không công khai thôi.
Nếu cả hai cùng nhận ra vấn đề, và cùng lập quỹ riêng thì tôi nghĩ cũng không xấu lắm đâu. Còn hơn tập trung vô một người rồi khi có chuyện thì gần như mất trắng".
Vợ chồng về hưu hào hứng chia sẻ kinh nghiệm
Không chỉ bạn trẻ, bạn đọc có tuổi cũng hào hứng chủ đề quỹ chung, quỹ riêng.
Bạn đọc Hoàng Vĩnh Nguyên bày tỏ nhẹ nhàng nhưng có lẽ nhiều cặp vợ chồng cũng mong muốn thế này:
Khi còn đi làm, lương tôi đưa tất cả cho vợ vì bà ấy nghỉ không lương. Nay về hưu, bạn bè góp ý nên dành riêng một ít quỹ cho mình. Thế là 12 triệu đồng tiền lương, tôi đưa bà ấy 11 triệu.
Tôi làm thêm được bao nhiêu là tự giữ tự tiêu. Ngày lễ ngày Tết, tặng bà ấy dăm ba chục triệu tiêu gì thì tiêu, tôi không quan tâm. Thế là ổn cho hai vợ chồng già.
Có thể thấy chuyện quỹ chung, quỹ riêng nếu tích cực sẽ giúp tình cảm vợ chồng bền chặt.
Với những kỷ niệm xúc động, độc giả Phạm Thiết Hùng kể hai vợ chồng đã sống với nhau 40 năm. Mấy năm đầu khó khăn. Ông Hùng công tác tận biên giới, lương dùng hết, "mỗi lần về phép phải ứng trước lương. Hết phép về đơn vị phải xin tiền vợ".
Vợ ông vất vả mưu sinh và nuôi con. Ông Hùng về đi học lại để xin việc, vợ lo học phí.
Tôi có lương, vợ có chút lãi còm, lần hồi sống. Cũng không nhớ hằng tháng tôi có đưa tiền lương cho vợ không, vợ tôi cũng không hỏi bao giờ. Thỉnh thoảng mỗi sáng tôi thấy trong túi áo, túi quần có vài trăm bạc. Biết là vợ dúi cho, tôi mang về trả vợ.
Vợ chồng ông Hùng chỉ mỗi khi có việc lớn như mua xe, mua đất... mới cần bàn bạc, hỏi nhau có bao nhiêu tiền. Có vay mượn thì cùng nhau trả nợ.
Hiện nay, lương hưu ai người đó giữ. "Tiền lãi lời bán hàng vợ giữ, tôi không biết có bao nhiêu. Sinh nhật con, cháu, tôi móc túi có bao nhiêu cho hết. Giỗ, Tết, chúng tôi ở Sài Gòn xa, vợ gửi các anh chị bao nhiêu tùy thích", ông chia sẻ.
Vợ ông có quỹ, ông không có quỹ, tiền tiết kiệm cũng không. Dù vậy, ông không thiếu tiền tiêu vặt. Ông bày tỏ: "Tôi không xin, không vay, không nhận tiền của vợ con. Chúng tôi chưa mâu thuẫn về tiền nong bao giờ".
Cần có tiền trong túi để chủ động chi tiêu
Theo bạn đọc Hữu Phú, là đàn ông đi ra ngoài không có tiền trong túi để chủ động chi tiêu thì không thể tự tin được.
Đồng quan điểm, bạn đọc Smile viết: "Nếu khéo léo, người vợ nên để cho người chồng một ít tiêu xài. Đàn ông cần có tiền trong ví.
Tiền bạc giữa hai vợ chồng phải thống nhất nhưng một người giữ hết cũng không tốt. Đầu óc luẩn quẩn tiền bạc mãi sẽ mệt mỏi, cáu gắt và dễ trở nên một con người độc đoán, chi li".
Theo bạn, vợ chồng lập quỹ chung và có quỹ riêng để phòng thân như thế nào cho hợp lý? Bạn có lời khuyên gì cho những người góp hết tiền riêng cho nửa kia lập nghiệp? Mời bạn chia sẻ câu chuyện, bài học về địa chỉ email hongtuoi@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận