23/12/2020 09:30 GMT+7

Không cho đồng kiểm, các sàn nói gì?

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Trước việc Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho rằng kiểm tra hàng khi nhận là quyền của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử nói gì về chính sách không cho đồng kiểm?

Không cho đồng kiểm, các sàn nói gì? - Ảnh 1.

Khách khui hộp kiểm tra hàng được giao sau khi mua online tại một cao ốc ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THƯ

Theo đại diện Shopee, sàn thương mại điện tử không áp dụng chính sách đồng kiểm, nên để hạn chế tình trạng hàng hóa bị thất lạc hoặc đánh tráo trong mùa mua sắm cuối năm, sàn tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển nhằm hạn chế tối đa sự gián đoạn, các vấn đề phát sinh trong khâu giao nhận hàng hóa trong mùa cao điểm cuối năm.

Với đơn hàng từ 30 triệu đồng trở lên, sàn cũng không nhận vận chuyển đơn hàng để tránh rủi ro. Hãng cũng thường xuyên nâng cấp hệ thống kho vận, gia tăng mức độ tự động hóa, tích hợp hệ thống quản lý chuyên biệt để truy cứu vị trí hàng hóa ngay từ khi người mua đặt đơn hàng trên sàn Shopee, quy trình di chuyển theo chuyền để có thể đưa hàng đến người giao hàng một cách chính xác và nhanh chóng hơn.

"Chúng tôi có hành động cứng rắn ngay khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin phản ánh có căn cứ xác thực, tùy vào mức độ vi phạm của từng trường hợp cụ thể", đại diện Shopee nói.

Đại diện một sàn thương mại điện tử khác cho biết vẫn đang giữ chính sách không cho đồng kiểm sau hơn một năm triển khai.

"Các khảo sát lấy ý kiến của chúng tôi cho thấy khách khi nhận hàng đều hạn chế tiếp xúc với người giao hàng, nhiều đơn hàng còn nhờ người lấy hộ... Những trường hợp này không hề có nhu cầu đồng kiểm và chiếm đa số", vị này cho biết.

Đại diện Lazada cho biết sàn không còn áp dụng chính sách đồng kiểm mà hệ thống logistics của Lazada tập trung vào yếu tố tiện lợi.

Hiện hơn 500 điểm gửi hàng của Lazada hợp tác với các đối tác bán lẻ lớn như CircleK, Co.op Food... và hơn 1.500 điểm của đối tác hậu cần cho phép khách hàng nhận theo thời gian và địa điểm phù hợp. Hãng cho rằng đây là giải pháp nhận hàng thông minh, thuận tiện, an toàn cho khách hàng.

Tuy vậy, theo ông Lê Thiết Bảo, giám đốc một sàn thương mại chuyên ngành công cụ, phụ tùng và thiết bị kỹ thuật, việc không cho khách đồng kiểm nói gì thì nói cũng là chọn cách an toàn, đẩy khó cho người dùng.

"Tôi cho rằng đồng kiểm là một chính sách tốt, và việc cho phép người mua hàng đánh giá người bán sẽ giúp sàn thương mại điện tử sàng lọc được đối tác", ông Bảo nói.

Trong khi đó, đại diện sàn Tiki cho biết chính sách cho đồng kiểm của đơn vị này giúp đảm bảo khách hàng nhận được loại sản phẩm đúng với nhu cầu.

Điều này đảm bảo cho tỉ lệ đổi trả hàng trên sàn đạt ở mức thấp nhất trong ngành. Tỉ lệ đổi trả trên Tiki từ đầu năm 2020 đến nay ở mức dưới 0,9% trên tổng số đơn đặt hàng được giao.

Cần chủ động theo dõi đơn hàng

Để tránh bị nhận nhầm sản phẩm, khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, người mua hàng được khuyến cáo cần chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng.

Kiểm tra/đối chiếu các thông tin trên bưu kiện được gửi đến với các thông tin trên đơn hàng đã đặt. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể từ chối nhận hàng nếu thông tin trên bưu kiện không có thực hoặc không khớp với đơn hàng đã đặt ở sàn thương mại điện tử.

Các sàn cũng khuyến khích người mua hàng ưu tiên sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được tích hợp ở sàn giao dịch.

Đồng kiểm khi mua hàng online: Không khó, nhưng sao không chịu làm? Đồng kiểm khi mua hàng online: Không khó, nhưng sao không chịu làm?

TTO - Mua iPhone được giao cục gạch, gửi yến sào nhưng tới tay khách là đôi giày cũ... càng cho thấy sự cần thiết của đồng kiểm khi mua bán hàng online. Nhưng vì sao phần đông người mua vẫn không được kiểm hàng?

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên