Cuối năm 2023, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng đã thống nhất đưa hai hiện vật bị thất lạc của tượng bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara là đóa sen và con ốc về với nơi lưu giữ bức tượng gốc tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên đây không phải là hiện vật 1.000 năm tuổi duy nhất ở bảo tàng này bị "lìa thân".
Khi bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara đã "châu về hợp phố", nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Chăm đã nhắc nhớ về một pho tượng khác cũng có nguồn gốc từ Phật viện Đồng Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có phần đầu hiện "lưu lạc" ở nơi khác.
Đó là pho tượng Phật có ký hiệu 13.5 được trưng bày ở trung tâm phòng trưng bày Đồng Dương tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng.
Đây là tượng Phật lớn nhất của nghệ thuật điêu khắc Chăm được tìm thấy cho đến nay. Tượng bằng sa thạch được phát hiện trong cuộc khai quật khảo cổ tại di tích Đồng Dương năm 1902.
Các bức ảnh thời điểm khai quật cho thấy phần chân tượng bị vùi lấp dưới đống đổ nát tại vòng thành 3, nơi được cho là Hội trường chính của Phật viện Đồng Dương (có niên đại từ thế kỷ thứ 9) còn phần thân tượng được phát hiện ở tòa tháp trung tâm thuộc vòng thành 1.
Đồng thời tại khu vực này đã tìm thấy hai đầu tượng có kích thước tương xứng với thân tượng. Nhà khảo cổ Henri Parmentier, người dẫn đầu đợt khai quật Phật viện Đồng Dương năm 1902 đã thực hiện công việc lắp ghép các bộ phận của tượng Phật đã được thực hiện thử nghiệm tại hiện trường khảo cổ.
Kết quả đầu tượng thứ nhất không trùng khớp hoàn toàn với thân tượng. Còn đầu tượng thứ hai lắp ghép trùng khớp hơn.
Nhiều học giả cho rằng bức ảnh chiếc đầu thứ hai ghép với phần thân và chân đã in trong một số tài liệu được xem như một giả định khả dĩ để hình dung một tượng Phật hoàn chỉnh tại Phật viện Đồng Dương.
Tuy nhiên sau đó chiếc đầu thứ hai được chuyển về Hà Nội trước năm 1936 và hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (ký hiệu LSb 21185).
Còn đầu tượng đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng được phục chế theo phương pháp đổ khuôn từ nguyên bản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng cho biết đây là giải pháp trưng bày nhằm có được hình ảnh Đức Phật gồm cả phần đầu và thân, phỏng theo ý tưởng của Henri Parmentier trong sách Inventaire Descriptif des Monuments Cams de l'Annam.
Từng tạo đầu tượng bằng đất sét
Hiện nay, trong phần thuyết minh tự động thông tin bức tượng này. Bảo tàng Điêu khắc Chăm thành phố Đà Nẵng cho biết khi trưng bày tại bảo tàng năm 1930 thân tượng này được gắn cho một đầu tượng khác được tìm thấy ở Phật viện Đồng Dương.
Cho đến năm 1938 thì đầu tượng đó bị mất và bảo tàng đã tạo một đầu tượng bằng đất sét không dựa trên nguyên mẫu nào để thay thế. Đến năm 2008 phần đầu được để trống.
Sau đó đã phục chế đầu tượng theo phương pháp đổ khuôn từ nguyên bản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận