Việc bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đến nay vẫn chưa hoàn nguyên được đánh giá là hiếm gặp.
Chưa thấy có trường hợp tương tự
Nhiều năm làm công tác sưu tầm và nghiên cứu, ông Võ Văn Thắng, nguyên giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho rằng trường hợp con ốc và đóa sen trong dân suốt nhiều năm từ khi hiện vật chủ được đưa về trưng bày như của pho tượng đồng này rất đặc biệt.
Việc "lưu lạc" này càng tạo thêm câu chuyện hấp dẫn, đặc biệt của bảo vật quốc gia. "Tôi chưa nghe nói có trường hợp nào bảo vật quốc gia thiếu chi tiết, hiện vật rồi chờ hoàn nguyên tương tự" - ông Thắng nói
Năm 2012, bức tượng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia với hiện trạng không có 2 hiện vật con ốc và đóa sen.
Việc xét công nhận bảo vật quốc gia với tượng Bồ tát Tara được thực hiện theo đúng quy định và trong các tiêu chí công nhận bảo vật quốc gia, không có yêu cầu phải còn nguyên vẹn (trên thực tế nhiều hiện vật khảo cổ tiêu biểu khác, dù bị thiếu các thành phần hợp thành, nhưng vẫn bảo đảm giá trị của bảo vật quốc gia).
Bảo vật quốc gia hoàn nguyên cần thủ tục gì?
Đối với việc hoàn nguyên tượng Bồ tát Tara, trước đây Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có công văn phản hồi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, hai hiện vật con ốc và đóa sen do cộng đồng nhân dân thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình lưu giữ từ năm 1978 (trước thời điểm Luật Di sản văn hóa có hiệu lực gần 23 năm), nên việc xử lý không thể áp dụng theo quy định tại điều 41 Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Vì vậy, để bảo vật quốc gia tượng Bồ tát Tara được hoàn chỉnh và phát huy tốt nhất giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, Cục Di sản văn hóa đề nghị tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được thực hiện sưu tầm 2 hiện vật nêu trên.
Cách thức tiếp nhận hiện vật từ tổ chức, cá nhân hiến tặng hoặc chuyển giao (trong trường hợp này là cộng đồng nhân dân thôn Đồng Dương) theo quy định tại điều 9 thông tư số 11/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
7 bước hoàn thiện hồ sơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Quang Bửu - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết đã giao ngành văn hóa địa phương nghiên cứu các quy định, thủ tục liên quan đến các hiện vật này.
Trong công văn gởi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, Cục Di sản văn hóa hướng dẫn quy định về sưu tầm hiện vật của bảo tảng công lập, theo thủ tục, trình tự:
1. Tổ chức khảo sát, nghiên cứu, thu thập thông tin về hiện vật của tổ chức, cá nhân có dự định hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật cho bảo tàng.
2. Lập danh sách hiện vật dự kiến sưu tầm theo mẫu số 1 ban hành kèm thông tư này.
3. Hội đồng khoa học tổ chức xem xét, lựa chọn hiện vật có đủ tiêu chí theo quy định tại điều 4 thông tư này.
4. Lập kế hoạch tiếp nhận hiện vật được hiến tặng hoặc chuyển giao trình giám đốc bảo tàng hoặc cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Tiếp nhận hiện vật, tài liệu có liên quan đến nguồn gốc hiện vật, quyền sở hữu và bản quyền đối với hiện vật (nếu có) từ chủ sở hữu hiện vật; lập biên bản giao, nhận hiện vật theo mẫu số 3 ban hành kèm theo thông tư này.
6. Thực hiện việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hoặc chuyển giao hiện vật cho bảo tàng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa, pháp luật về tài chính và pháp luật về thi đua, khen thưởng.
7. Hoàn thiện hồ sơ sưu tầm hiện vật theo quy định của bảo tàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận