Hình ảnh dinh Thượng Thơ xưa
Tuổi Trẻ Online vừa có cuộc trao đổi với ông Phùng Anh Tuấn - Tổng lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM, thành viên của nhóm soạn thảo bản kiến nghị.
* Bản kiến nghị ngắn gọn, nhưng xuất phát từ quan điểm bảo tồn nhìn dưới góc độ quản lý và quy hoạch, lại có nêu rõ các phương diện kiến trúc, văn hóa lịch sử, du lịch, và nhu cầu xây dựng thành phố thông minh, như vậy là rất chi tiết, có sức thuyết phục người ký tên, anh muốn gửi gắm đến những ai?
- Sự kiện có đông đảo cư dân và các chuyên gia nhiều ngành khác nhau của thành phố, cả trong nước lẫn nước ngoài bao gồm cả các nguyên lãnh đạo sở quy hoạch kiến trúc và thông tin truyền thông, đều tha thiết lên tiếng bảo vệ di sản dinh Thượng Thơ, hy vọng sẽ cho lãnh đạo thành phố thêm một góc nhìn trên cơ sở chuyên môn và khoa học xem xét lại quyết định quan trọng này.
Thành phố đã mất quá nhiều di sản mà đây lại chính là di sản lâu đời thứ nhì và còn nguyên vẹn, một khi mất đi thì không thể tìm lại được...
Lý do vì chưa có trong danh sách nên không cần bảo tồn quả thực khá kỳ lạ.
Nếu những di tích lâu đời nổi tiếng và tiêu biểu cho thành phố như dinh Thượng Thơ, nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Thành phố mà không có trong danh sách bảo tồn, không lẽ những di tích sống này cũng có thể được đập bỏ?
Rõ ràng danh sách này cần được bổ sung khẩn cấp và rộng hơn ngay cả luật di sản cũng cần được điều chỉnh, chứ không phải là sử dụng nó như một căn cứ tối thượng để đưa ra những quyết định vội vã không thể thay đổi được về di sản...
Dinh Thượng Thơ thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu
* Bản kiến nghị này có được gửi trực tiếp đến lãnh đạo UBND TP.HCM chưa hay chỉ mới gửi đi lấy chữ ký thông qua mạng Internet?
- Hiện chúng tôi đang lấy ý kiến trên mạng xã hội và qua internet như một cách kêu gọi thêm ủng hộ từ công chúng. Trên thực tế không phải ai cũng hiểu tại sao phải bảo vệ di sản và liệu dinh Thượng Thơ có giá trị thực tế gì không?
* Sau khi lấy chữ ký, bước tiếp theo của nhóm ra kiến nghị này sẽ làm gì?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động kêu gọi ủng hộ từ mạng xã hội và từ các tổ chức quan tâm bảo vệ văn hóa như lãnh sự đoàn, Bộ văn hóa, các tổ chức quốc tế. Ngoài ra chúng tôi cũng có kế hoạch tổ chức những hội thảo, diễn đàn chuyên môn về chủ đề này.
Dinh Thượng Thơ hiện là trụ sở của 2 sở thuộc TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
* Trong khi các di sản của Sài Gòn liên tục bị xâm hại với lý do phát triển đô thị, anh có nghĩ đến một kiến nghị chung về việc quy hoạch phát triển tổng thể đô thị TP.HCM cần ứng xử như thế nào với di sản? Còn cách mỗi khi xuất hiện từng vụ việc, những người nặng lòng với di sản lại làm một cái kiến nghị, thì hiệu quả có hạn chế không?
- Đương nhiên cần có giải pháp chuyên môn và có tính hệ thống hơn về lâu dài nếu thực sự muốn bảo vệ di sản cho hiện tại và tương lai chứ không chỉ chạy theo chữa cháy và giải quyết sự vụ... Cụ thể vài việc chính cần được làm:
1. Xây dựng một database (cơ sở dữ liệu) và bản đồ di sản để tất cả mọi người đều có thể truy cập và biết chính xác giá trị lịch sử và vẻ đẹp tiềm ẩn của từng di sản. Khi có hiểu biết người ta sẽ dễ dàng nhìn ra lý do cần bảo vệ.
2. Điều chỉnh bổ sung luật đi sản và thay đổi cơ chế "lập danh sách" cũng như phương pháp bảo vệ di sản. Luật di sản hiện thời có một điểm yếu rất lớn trong quy định điều kiện để di sản được đưa vào danh sách bảo vệ.
Cụ thể chỉ yêu cầu di sản phải được đơn vị chủ quản làm đơn xin đưa vào danh sách bảo tồn. Nghe qua quy định thấy bình thường tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, nhiều đơn vị quản lý di sản sử dụng nó như những bất động sản bình thường và rất ngại việc bất động sản "của mình" bị cho vào danh sách bảo tồn vì việc đó đồng nghĩa với việc họ không thể cơi nới sửa chữa theo nhu cầu sử dụng gì được, đừng nói đến việc mua bán trao đổi.
Do vậy làm sao có chuyện họ nộp đơn đưa vào danh sách bảo tồn. Cho nên mới có tình trạng nhiều di sản kiến trúc và không gian đô thị bị bỏ ngoài danh sách. Dinh Thượng Thơ có thể coi là một ví dụ tiêu biểu mới nhất. Trước đó còn rất nhiều...
3. Mặt khác, để giải quyết vấn đề từ gốc rễ, thực ra quyền của chủ sở hữu và người quản lý di sản cũng cần được công nhận. Không để thể kéo dài tình trạng một người/đơn vị phải gánh nhiệm vụ bảo tồn cho cả xã hội mà quyền tài sản chính đáng của họ lại bị bỏ qua. Đặc biệt là các di sản đồng thời là bất động sản tư nhân có giá trị cao, việc này lại càng bức xúc...
Tất cả những việc này thực ra không mới. Tất cả những đô thị lâu đời trên thế giới đều đã phải đối diện và đã tìn ra cách giải quyết. Không nói đâu xa ngay cả ở Việt Nam cũng có bài học tốt nhất như Hội An...
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận