Mới đây, 19 em học sinh Trường THCS Lộc Hòa, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) phải nhập viện sau khi chơi "bóng nổ", cũng được gọi là "bóng thối". Theo thông tin ngành y tế Vĩnh Long trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ngày 4-4, 18 học sinh trong số này đã được xuất viện.
Đáng nói đây là vụ học sinh ngộ độc bóng nổ thứ hai chỉ sau 2 tuần. Trước đó, vào ngày 20-3, 21 học sinh Trường tiểu học Ngãi Xuyên A (Trà Vinh) nhập viện kiểm tra sức khỏe vì có dấu hiệu ngộ độc khí khi chơi "bóng nổ".
Nhóm học sinh cho biết đã mua 11 quả "bóng nổ" từ một cửa hàng gần trường mang vào lớp thì gặp sự cố.
Ngoài Trà Vinh và Vĩnh Long, ngành giáo dục tỉnh Đồng Tháp cũng phát cảnh báo học sinh về các loại "bóng nổ". Ngày 4-4, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp có văn bản yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo phổ biến thông tin tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm, đồ dùng như bóng nổ không rõ nguồn gốc, có nguy cơ gây hại.
Theo tìm hiểu, ngoài "bóng nổ", nhiều loại đồ chơi nguy hiểm đã và đang bủa vây trường học.
Cuối năm 2023, một trường học ở Quảng Ninh cảnh báo về loại đồ chơi có tên dao cà rốt được bán quanh nhiều cổng trường, trẻ cũng dễ dàng đặt mua sản phẩm này trên mạng xã hội.
Đây là loại đồ chơi bằng nhựa, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Lưỡi dao có hình cà rốt, được thiết kế có thể mở ra - gập vô. Học sinh cầm loại đồ chơi này rượt đuổi nhau, dù bằng nhựa nhưng nhiều trường học cảnh báo học sinh có thể gây nguy hiểm nếu lưỡi dao chạm phải những vùng nguy hiểm như mắt, mũi, miệng…
Cũng trong năm 2023, nhiều trường THCS tại Hà Nội, Quảng Trị, Phú Yên… cảnh báo loại thuốc lá điện tử được bán quanh cổng trường dưới dạng đồ chơi. Có loại có hình dạng như hộp sữa khiến nhiều phụ huynh khó biết đây là một loại thuốc lá điện tử.
Cuối năm 2022, 6 học sinh Trường tiểu học Lê Mao, Vinh (Nghệ An) phải nhập viện sau khi chơi súng nổ. Súng được làm bằng túi ni lông, bên trong chứa khí. Trong khi chơi, túi này bị xì khiến các học sinh ngửi khí cảm thấy buồn nôn, khó thở.
Các bác sĩ cho biết những học sinh hít phải khí này có triệu chứng giống như ngộ độc khí cười (N2O). Loại khí này cũng được dùng trong "bóng cười", thường gây ra cảm giác hưng phấn, ảo giác.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, phó hiệu trưởng một trường THCS tại thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết nhà trường gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát các loại đồ chơi, thực phẩm được bán ngoài cổng trường, do không có chức năng thanh kiểm tra.
Tuy nhiên, nhà trường thường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh và phụ huynh tránh mua những loại đồ chơi, đồ ăn không rõ nguồn gốc được bày bán trong những xe hàng rong hoặc những cửa hàng gần nhà trường.
"Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng có thể tăng cường kiểm tra những loại đồ chơi, đồ ăn được các xe hàng rong, các cửa hàng bày bán quanh các trường học để đảm bảo an toàn cho học sinh", vị này nói.
Có gì trong "bóng nổ", nguy hiểm ra sao?
Qua kiểm nghiệm, các quả "bóng nổ" vừa gây ngộ độc khí cho các học sinh ghi nhận 2 chất sodium bicarbonate (NaHCO3) và acid citric (C6H8O7). Các chất hiện không thuộc trong danh mục chất độc cấm sử dụng.
Về nguyên lý, khi bóp mạnh vào "bóng nổ", gói ni lông chứa C6H8O7 sẽ vỡ ra, tác động với NaHCO3, giải phóng một lượng lớn CO2.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Úc (Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang), có hai lý do làm các bé bị ngộ độc khi chơi "bóng nổ".
Thứ nhất ngộ độc khí CO2, gây đau đầu, nôn ói, khó thở. Khi nồng độ CO2 tăng cao hơn nữa dẫn đến ho, hắt hơi, chảy nước mũi và khó thở có thể nguy hiểm đến tính mạng...
Thứ hai là viêm da, viêm mắt do C6H8O7 và NaHCO3. Các chất hóa học trên còn dư lại sẽ trực tiếp bắn vào người có thể gây kích ứng da và niêm mạc mắt. Các triệu chứng trên da bao gồm ngứa, rát, đỏ da. Trên mắt có thể dẫn đến tổn thương mắt như chảy nước mắt, viêm giác mạc, viêm kết mạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận