09/10/2018 09:35 GMT+7

Không cần ra nước ngoài chữa tim mạch

TRƯỜNG TRUNG thực hiện
TRƯỜNG TRUNG thực hiện

TTO - Bệnh lý về tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Không cần ra nước ngoài chữa tim mạch - Ảnh 1.

Một êkip thực hiện phẫu thuật tim tại khu kỹ thuật mới của Viện Tim TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

"Tôi muốn thông tin đến người dân rằng việc chữa trị bệnh lý trong lĩnh vực về tim mạch trong nước đã rất tiến bộ. Những kỹ thuật can thiệp tim mạch hàng đầu chúng ta đều đã làm được, bệnh nhân trong nước không cần phải ra nước ngoài chữa bệnh" - đó là tuyên bố của GS.TS Nguyễn Lân Việt, chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, bên lề Đại hội tim mạch toàn quốc lần thứ 16 diễn ra tại Đà Nẵng.

GS Lân Việt cho biết Tổ chức Y tế thế giới ước tính hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do liên quan đến các bệnh lý về tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày càng nhiều. 

Đây là nguy cơ gây ra cái chết không kém các căn bệnh ung thư. Điều đáng lo ngại là tại nước ta bệnh lý về tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

* Điều gì làm ông tự tin khi cho rằng người mắc bệnh tim mạch có thể an tâm chữa trị trong nước?

- Đó là vì hiện nay hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đều đã được các bác sĩ trong nước thực hiện được. Các biện pháp điều trị nền tảng là nội khoa, ngoại khoa, can thiệp tim mạch ở trong nước đã rất tiến bộ và tiệm cận so với thế giới. 

Nhất là các tiến bộ trong can thiệp tim mạch (phương pháp điều trị ít xâm lấn hơn phẫu thuật) cho phép chúng ta can thiệp sớm để cứu tính mạng người bệnh. Trước đây kỹ thuật này chỉ có vài nơi làm được nhưng bây giờ cả nước có tới 90 cơ sở y tế làm được.

Các phương pháp điều trị mới một số bệnh điển hình về tim mạch như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim phức tạp, bệnh lý về van tim... các bệnh viện đã đáp ứng được hết. 

Trình độ của nhiều bác sĩ thuộc lĩnh vực tim mạch trong nước được nâng cao tầm, nhiều chuyên gia được Tổ chức Y tế thế giới mời đi giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm với các nước xung quanh.

* Kỹ thuật chữa trị "đi lên" nhưng độ tuổi mắc bệnh tim mạch ở nước ta lại "đi xuống". Tại sao lại có xu hướng như vậy, thưa ông?

- Xu hướng bệnh về tim mạch tăng lên ở các quốc gia đang phát triển như VN là xu hướng chung. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hiện nay ở nước ta có khoảng 25% dân số mắc bệnh về tim mạch, tăng huyết áp. 

Bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ đó liên tục tăng trong những năm qua, hiện nay tỉ lệ tăng huyết áp của những người tuổi 25 trở lên ở nước ta đã tăng tới con số báo động 47%.

Ngoài các nguyên nhân không can thiệp được như tuổi cao, di truyền, chủng tộc thì hầu hết "mầm bệnh" tim mạch đến từ cách ăn uống và sinh hoạt của chúng ta.

Người ta hay nói đây là "bệnh của các nước giàu" là vì khi đời sống vật chất khá lên, chế độ ăn uống theo xu hướng ăn nhiều chất béo, đường, ngọt, thức ăn nhanh dẫn đến ngày càng có nhiều người bị thừa cân, béo phì. 

Việc này khiến cơ thể rối loạn mỡ máu mang đến nguy cơ huyết áp cao và bệnh mạch vành. Xã hội cũng biến đổi khiến lối sống, sinh hoạt hằng ngày của mọi người không như trước nữa. 

Nhiều người có thói quen ít vận động hoặc không có thời gian nghỉ để tái tạo sức lao động, thường xuyên gặp vấn đề stress, những yếu tố này làm tăng nguy cơ tai biến. 

Và đặc biệt, tỉ lệ người hút thuốc, sử dụng bia rượu ở nước ta rất cao. Chúng tôi thống kê có đến 90% những người có bệnh tim mạch đều liên quan mật thiết đến sử dụng bia rượu và thuốc lá.

* Nguyên nhân gây bệnh đến từ thói quen sinh hoạt của mọi người có nghĩa là có thể phòng tránh được?

- Chúng tôi đã nói liên tục về những việc mà mỗi người có thể phòng tránh loại bệnh này và tôi nghĩ chưa bao giờ nên dừng nhắc nhở mọi người. Bệnh tim mạch được ví là "kẻ giết người thầm lặng" vì diễn tiến âm thầm. 

Trong y học, không phải lúc nào bệnh cũng có triệu chứng lâm sàng nên việc thăm khám định kỳ là rất quan trọng. Cách tốt nhất lúc nào cũng là chủ động phòng bệnh. 

Trước tiên, phải hạn chế "đưa bệnh vào người" bằng việc chọn cách ăn uống cho phù hợp. Ngoài ra phải chọn cho mình lối sinh hoạt lành mạnh, thường xuyên vận động để tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể nói chung và cơ tim nói riêng.

Không nên hút thuốc lá

"Điều mà tôi luôn nhắc mọi người xung quanh là tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá vì nó gây tổn thương nghiêm trọng cùng lúc nhiều cơ quan trong cơ thể.

Tôi nhớ khi qua Pháp năm 1986, họ hút thuốc kinh khủng đến mức nhiều nữ y tá tôi gặp cũng có thói quen không tốt này. Nhưng sau đó họ đã thực sự làm cuộc cách mạng để giảm tỉ lệ hút thuốc lá vì nhận thấy quá nhiều nguy cơ cho cộng đồng.

Chúng ta vẫn nên học bài học mà thế giới làm là đánh thuế cao và tăng cường cảnh báo trên bao thuốc lá để làm "cuộc cách mạng" như nước Pháp đã làm" - GS Nguyễn Lân Việt nói.

Thuốc tim mạch: Không được dùng bừa bãi Thuốc tim mạch: Không được dùng bừa bãi Không chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch Không chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch ​Bệnh tim mạch tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh ​Bệnh tim mạch tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh
TRƯỜNG TRUNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên