19/12/2023 13:14 GMT+7

Khối ngoại không chỉ bán ròng chứng khoán Việt, gây sóng gió luôn khắp thị trường Đông Nam Á

Không chỉ Việt Nam, các thị trường khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan cũng đang ghi nhận những đà rút ròng với khối lượng lớn của nhóm nhà đầu tư nước ngoài, theo dữ liệu từ FIDT.

Khối nhà đầu tư cá nhân được kỳ vọng sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khối nhà đầu tư cá nhân được kỳ vọng sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kết phiên giao dịch sáng 19-12, VN-Index về mốc 1.087 điểm, sau khi áp lực bán có dấu hiệu mạnh hơn trên diện rộng.

Điểm chú ý, thanh khoản thị trường ở mức thấp với hơn 5.000 tỉ đồng. Nhiều nhà đầu tư vẫn chọn đứng ngoài quan sát trước áp lực giảm điểm xuất hiện phiên đầu tuần cùng đà bán ròng liên tiếp khối ngoại.

Diễn biến mua bán khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân

Theo dữ liệu của Công ty Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT, tuần vừa qua tiếp tục chứng kiến nhịp mua bán mạnh mẽ của các khối nhà đầu tư với sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm.

Trong diễn biến đó, nhóm tự doanh và tổ chức trong nước lại biến động giằng co, với nhịp tăng giảm xen kẽ. Kết tuần, giá trị lũy kế mua bán ròng hai nhóm này gần như không đổi so với tuần trước.

Động thái này cho thấy hai nhóm này có sự cân nhắc và thận trọng nhất định với bối cảnh thị trường hiện tại và đang chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn của thị trường trước các quyết định giải ngân trong thời gian tới.

Khác với diễn biến giao dịch của hai nhóm trên, điểm nhấn tuần qua là sự phân hóa rất rõ nét tới từ hai nhóm nhà đầu tư chính: cá nhân trong nước và khối ngoại.

Cụ thể theo FIDT, với lượng tin tức và bức tranh triển vọng ngày càng thể hiện tốt của nền kinh tế Việt Nam cũng như quốc tế, nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng với khối lượng lớn trong tuần qua.

Trái ngược hoàn toàn với nhóm cá nhân, nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng miệt mài và đều đặn các phiên trong tuần.

Tuy nhiên, dữ liệu FIDT cũng chỉ ra, trong khu vực, không chỉ thị trường Việt Nam, các thị trường khác như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan cũng đang ghi nhận những đà rút ròng với khối lượng lớn của nhóm nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.

Mua bán ròng khối ngoại ở một số thị trường trong khu vưc - Dữ liệu: FIDT

Mua bán ròng khối ngoại ở một số thị trường trong khu vưc - Dữ liệu: FIDT

"Có thể thấy đây là động thái có tính tương đồng tại các quốc gia Đông Nam Á trong giai đoạn cuối năm 2023 này", chuyên gia FIDT nhận định.

Ngược lại, dữ liệu cho thấy dòng tiền lại xoay chiều đổ vào Đài Loan cũng như Ấn Độ - những thị trường nhận được dòng vốn ngoại tăng trưởng mạnh mẽ trong xuyên suốt năm 2023.

Ông Bùi Nguyên Khoa - trưởng nhóm phân tích thị trường chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) - cho biết không riêng gì Việt Nam, hầu hết các nước đang phát triển ghi nhận rút ròng như vậy.

Theo đó, dòng tiền luôn vận động để tìm khu vực có hiệu suất cao hơn, an toàn hơn, Ngoài ra, còn do một số quỹ cũng tái cơ cấu danh mục, theo ông Khoa. Vị này cũng cho rằng triển vọng kinh tế vĩ mô dần phục hồi và tốt lên.

Nhà đầu tư cá nhân là bệ đỡ thị trường

Còn đội ngũ phân tích Chứng khoán SHS chỉ ra áp lực bán ròng mạnh liên tiếp của khối ngoại có xuất phát từ các nhà đầu tư Thái Lan. Cụ thể, Thái Lan sẽ áp thuế thu nhập cá nhân với khoản đầu tư nước ngoài, áp dụng vào đầu năm 2024.

SHS cho biết kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang bước vào những tuần cuối cùng của năm 2023 với nhiều biến động và giảm tăng trưởng so với năm 2022, đặc biệt tại khu vực EU.

Mặc dù lạm phát tại nhiều quốc gia đã lắng dịu nhưng sẽ còn dai dẳng, nhiều nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2024 do chịu tác động từ môi trưởng lãi suất cao trong năm nay.

"Những yếu tố này sẽ có những tác động nhất định nhưng chưa thể lượng hóa tới kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới", SHS nhận định.

Bù lại, điểm tích cực là Fed đã phát tín hiệu dừng tăng lãi suất và kỳ vọng điều chỉnh hạ dần mặt bằng lãi suất cơ sở từ năm 2024, lãi suất của Việt Nam đang được duy trì ổn định ở mức thấp.

Với bối cảnh như vậy, việc thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp, chuyên gia SHS dự báo.

Còn chuyên gia phân tích FIDT cho rằng diễn biến thị trường giao dịch các khối nhà đầu tư đang có sự phân hóa lớn. Theo đó, khối nhà đầu tư cá nhân được kỳ vọng sẽ tiếp tục là bệ đỡ cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.

Chứng khoán 2022: Giảm 52% so với đỉnh lịch sử, nhưng khối ngoại vẫn mạnh dạn mua ròngChứng khoán 2022: Giảm 52% so với đỉnh lịch sử, nhưng khối ngoại vẫn mạnh dạn mua ròng

Thị trường chứng khoán khép lại năm dương lịch 2022 trong sắc đỏ giảm điểm. Tính từ mốc đỉnh cao vào hồi đầu năm, đến nay chỉ số VN-Index đã 'bốc hơi' xấp xỉ 522 điểm (-52%). Dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận điểm sáng khi khối ngoại liên tục mua ròng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên