27/11/2019 13:50 GMT+7

Khơi dậy tinh thần khoa học thanh niên

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Sáng nay 27-11, Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu 2019 sẽ bước vào phiên khai mạc chính thức tại thủ đô Hà Nội.

Khơi dậy tinh thần khoa học thanh niên - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia hoạt động chiều 26-11, trước phiên khai mạc chính thức - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Chúng tôi mong muốn những đại biểu đầu đàn hãy tin tưởng, rộng lượng, kiên nhẫn giải thích cho "đàn em" còn non nớt vì đó là trách nhiệm của những nhà khoa học chân chính.

Phó giáo sư TRẦN XUÂN BÁCH

Từ năm châu, 233 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trẻ đã trở về với nhiều kỳ vọng xen lẫn tham vọng. Dưới đây là một số "lát cắt" họ chia sẻ riêng với Tuổi Trẻ.

Tâm sự từ những "gương mặt thân quen"

Đa phần là những cá nhân có quỹ thời gian eo hẹp, nhưng một số đại biểu cho biết đã nỗ lực hết mình để tiếp tục "giành suất" tham dự chương trình năm nay (diễn đàn lần đầu được tổ chức năm 2018 tại TP Đà Nẵng).

"Diễn đàn là một kênh kết nối rất hiệu quả trí thức trẻ Việt Nam ở khắp mọi nơi và là một môi trường đem lại những góc nhìn đa dạng về giáo dục, văn hóa lẫn xã hội. Trong khi đó, hiện nay bất kỳ một công trình nghiên cứu khoa học nào cũng cần khai thác dưới góc nhìn đa chiều, phương pháp tiếp cận liên ngành. 

Những yếu tố trên sẽ giúp chúng tôi nghiên cứu một cách hoàn thiện hơn, song song đó tạo một cộng đồng khoa học mạnh mẽ, chặt chẽ" - ThS luật Nguyễn Thế Hà (ĐH West of England, Anh) giải thích về việc trở thành "gương mặt thân quen" của chương trình năm nay.

Bên cạnh những ý kiến tương đồng với Thế Hà, TS Đào Quyết Thắng (giảng viên, bí thư liên chi đoàn kinh tế & kế toán ĐH Quy Nhơn) bổ sung: "Tôi muốn những kiến thức lĩnh hội được từ trí thức trẻ năm châu sẽ góp phần giúp tôi thêm sáng tạo trong nghiên cứu lẫn giảng dạy. Tôi cũng tin việc quay trở lại diễn đàn sẽ giúp tôi "giữ lửa" và "truyền lửa" tri thức cho các bạn sinh viên, những người cũng rất giỏi nhưng chưa may mắn được tham gia trực tiếp diễn đàn".

Còn với nghiên cứu sinh Hồ Minh Nhật (hiện công tác tại Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM) thì việc tiếp tục ứng tuyển diễn đàn năm nay vì nội dung của năm 2019 rất gần với những chủ đề bạn đang nghiên cứu. 

"Chủ đề năm nay đa dạng hơn, "tiệm cận" xu hướng thế giới lẫn nhu cầu của đất nước. Và tôi phải thừa nhận tôi đã gặt hái rất nhiều "quả ngọt", kết nối với nhiều tấm gương nghiên cứu, doanh nghiệp... từ đó giúp bản thân có nhiều cơ hội hợp tác" - Minh Nhật bộc bạch.

Gửi gắm nhiều kỳ vọng

Nói về lý do ứng tuyển chương trình năm nay, nghiên cứu sinh lĩnh vực truyền thông vô tuyến Ngô Khắc Hoàng (ĐH Paris-Saclay, Pháp) cho biết bạn rất quan tâm đến ứng dụng của công nghệ số cho phát triển bền vững nói chung và ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng. 

"Tôi mong muốn được thảo luận sâu về các câu chuyện trên trong trường hợp cụ thể của Việt Nam tại diễn đàn. Và tôi cũng có gửi một phần tham luận xoay quanh chủ đề truyền thông vô tuyến trong điều kiện thông tin kênh hạn chế về diễn đàn" - Khắc Hoàng nói.

Còn TS Quyết Thắng kỳ vọng diễn đàn năm nay sẽ làm được ba điều: kết nối các đại biểu trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới và giúp họ hiểu được sứ mệnh quan trọng là lan tỏa tinh thần tuổi trẻ, bản lĩnh, đam mê và cống hiến cho sự phát triển của đất nước; tạo ra môi trường giao lưu, đàm thoại và gợi mở cho trí thức trẻ được nói lên suy nghĩ của mình; đưa ra các kiến nghị cụ thể hơn với Chính phủ để từ đó tạo ra các hành lang pháp lý thuận lợi giúp trí thức trẻ phát huy hết khả năng của bản thân để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Không chỉ đại biểu mà ngay cả ban tổ chức cũng gửi gắm rất nhiều mong mỏi ở chuỗi hoạt động trên. Diễn đàn được thiết kế và kỳ vọng đem lại sự khác biệt so với các hội thảo khoa học thông thường. Nói cách khác, diễn đàn hướng về "tinh thần khoa học thanh niên".

"Các đại biểu có sự đa dạng về khía cạnh giai đoạn phát triển học thuật, chuyên ngành và vị trí công tác. Chúng tôi mong họ không chỉ đơn thuần tham dự để chia sẻ những hiểu biết khoa học, mối quan tâm chuyên môn của mình mà còn nhiệt tình thảo luận, cầu thị học hỏi để hướng đến những giá trị xã hội rộng lớn hơn, những điều đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia" - phó giáo sư Trần Xuân Bách (ủy viên BCH Trung ương Đoàn, tổng thư ký diễn đàn) chia sẻ.

Tiến sĩ 9X sở hữu 20 bài báo quốc tế Tiến sĩ 9X sở hữu 20 bài báo quốc tế

TTO - Nguyễn Duy Tâm được tuyển vào một dự án thuộc Quỹ nghiên cứu quốc gia Singapore, anh làm nghiên cứu rồi được cử luôn làm trưởng nhóm.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên