25/08/2010 06:29 GMT+7

Khởi công tuyến metro số 2

NGỌC ẨN
NGỌC ẨN

TT - Ngày 24-8, UBND TP.HCM đã làm lễ khởi công xây dựng tuyến tàu điện ngầm (metro) số 2 giai đoạn 1 Bến Thành (Q.1) - Tham Lương (Q.12).

Trong đó, thi công trước hạng mục san lấp mặt bằng, xây tường rào, nhà bảo vệ của depot (trạm bảo hành kỹ thuật) Tham Lương.

Đến dự lễ khởi công có Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các bộ ngành trung ương, TP.HCM.

DYVTSpf8.jpgPhóng to
Một trong những mô hình tàu điện được giới thiệu để chọn lựa trang bị cho tuyến đường này
rPDRSBmU.jpgPhóng to
Mặt bằng hướng tuyến tàu điện ngầm số 2 - Đồ họa: Như Khanh

Mặt bằng hướng tuyến Metro số 2 theo quy hoạchKhởi công tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh công trình trên có nhiều ý nghĩa về kinh tế, xã hội không những đối với TP.HCM mà còn đối với cả nước.

Đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Rolf Schulze cho rằng TP xây dựng tuyến metro số 2 có ý nghĩa lớn về giải quyết ô nhiễm môi trường vì tuyến metro này sẽ sử dụng điện.

Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN Koshimi cho biết việc TP đầu tư xây dựng tuyến metro có sức chở lớn rất đúng lúc nhằm tăng nhu cầu sử dụng giao thông công cộng ở TP lên 50% và giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông...

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch UBND TP - đã gửi lời cảm ơn của UBND TP đến những người dân thực hiện di dời, giải tỏa cho sự thành công của dự án này.

Theo ông Nguyễn Đô Lương - giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, công trình xây dựng depot Tham Lương trên diện tích 22,3ha có tổng vốn đầu tư 19 tỉ đồng. Theo quy hoạch, TP sẽ xây dựng bảy depot cho sáu tuyến metro và ba depot cho bảy tuyến xe điện chạy trên mặt đất (monorail). Tuyến tàu điện ngầm số 2 có điểm đầu là bến xe An Sương (còn gọi là bến xe Tây Ninh), đi theo đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Hồng Thái, Bến Thành, Hàm Nghi, qua sông Sài Gòn đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, kết thúc tại điểm ga đường sắt cao tốc Bắc - Nam (dự kiến xây dựng tại đây). Như vậy, tuyến metro số 2 sẽ kết nối khu tây bắc TP, khu đô thị mới Q.12, Q.Tân Phú, Q.Tân Bình, các khu có mật độ dân cư cao như Bảy Hiền, ngã ba Ông Tạ và các khu dọc tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc giao thông trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, Q.10) với khu trung tâm TP.

Hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM gồm 6 tuyến metro

* Tuyến metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên (dài 19,7km) vốn vay ODA từ nhà tài trợ JBIC (Nhật Bản), khởi công xây dựng depot ở Long Bình (Q.9) vào tháng 1-2008 và đã làm xong vào đầu năm 2010. Dự án đang được UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 1, 091 tỉ USD tăng lên 2,49 tỉ USD.

* Tuyến metro số 2: Bến Thành - bến xe An Sương (dài 19km) có ba nhà tài trợ gồm Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

* Tuyến metro số 3: quốc lộ 13 - Tân Kiên dài 23km.

* Tuyến metro số 4: cầu Bến Cát - Nguyễn Văn Linh dài 24km.

* Tuyến metro số 5: bến xe Cần Giuộc mới (Q.8) - cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) dài 17km. Giai đoạn 1: ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) - cầu Sài Gòn sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Tây Ban Nha.

* Tuyến metro số 6: Bà Quẹo (Q.Tân Bình) - vòng xoay Phú Lâm (Q.6).

Ba tuyến xe điện mặt đất (tramway hoặc monorail)

* Tuyến số 1: Sài Gòn (bến Bạch Đằng) - Chợ Lớn - bến xe miền Tây dài 12,5km. Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thanh Danh và Tietainium Management (Malaysia) đang đề nghị tự xây dựng theo hình thức BOT.

* Tuyến số 2: Q.2 - Nguyễn Văn Linh (Q.7) - quốc lộ 50 (Q.8).

* Tuyến số 3: ngã sáu Gò Vấp - công viên phần mềm Quang Trung - Tân Thới Hiệp (Q.12).

Hiện nay có nhiều nhà đầu tư của Thái Lan, Trung Quốc, Cộng hòa Czech đang đề nghị đầu tư tuyến metro số 3 và tuyến metro số 4. Liên danh Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng và Công ty cổ phần Đạt Phương đề nghị đầu tư tuyến monorail số 2 theo hình thức BOT.

6 năm nữa tàu điện ngầm lăn bánh

Theo ông Lê Khắc Huỳnh - chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án tuyến metro Bến Thành - An Sương dài khoảng 19km được xây dựng trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng trước tuyến Bến Thành - Tham Lương (Q.12) dài 11,3km, trong đó 9,3km đi ngầm, phần còn lại đi trên cao và đường kết nối vào depot (có quy mô 25ha). Giai đoạn 2 xây dựng kết nối tuyến Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - bến xe An Sương có chiều dài 10km.

1 phút đi 1 nhà ga

Tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, phần lớn được xây dựng ngầm nên sẽ xây dựng 10 nhà ga ngầm và một nhà ga trên cao. Đoàn tàu điện ngầm được thiết kế là đoàn tàu chạy bằng điện có tốc độ thiết kế 90 km/giờ và cho phép tốc độ khai thác tối đa 80 km/giờ. Theo đó, chỉ mất 25 phút để đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến, bình quân tàu chạy một phút từ ga này đến ga kế tiếp đón khách và ước tính một giờ có thể vận chuyển 40.000 khách. Các nhà ga metro đều kết nối với hệ thống xe buýt và ga của các tuyến metro khác tạo thuận lợi cho hành khách đi lại.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc - phó Ban quản lý đường sắt đô thị TP, dự kiến giá vé đi từ nhà ga này đến nhà ga kế tiếp hoặc đi suốt tuyến là 3.000 đồng/người.

Tại các nhà ga ngầm đều xây dựng hệ thống thang cuốn thuận tiện cho hành khách di chuyển lên xuống từ lối ra vào ga. Người khuyết tật sẽ sử dụng hệ thống thang máy để lên xuống. Các ga đều có hệ thống thang bộ dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Chở 40.000 khách/giờ

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, việc mở tuyến metro này sẽ tạo việc làm cho khoảng 13.500 lao động trực tiếp và gián tiếp.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, với sức chở 40.000 người/giờ, tuyến metro sẽ thu hút hành khách sử dụng giao thông công cộng ngày càng nhiều hơn.

Để thực hiện tuyến metro này phải giải phóng mặt bằng của 644 hộ với chi phí bồi thường khoảng 2.424 tỉ đồng.

Dự án tuyến metro Bến Thành - An Sương giai đoạn 1 từ Bến Thành đến Tham Lương có tổng vốn đầu tư 1,24 tỉ USD được tập hợp từ nhiều nguồn vốn. Theo kế hoạch, sau khởi công xây dựng depot Tham Lương, tháng 12-2010 sẽ tuyển chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật dự án. Năm 2012 thi công xây dựng tuyến đường metro và trong năm 2016 đưa vào vận hành.

Thi công metro bằng công nghệ đào ngầm

Ông Nguyễn Văn Quốc khẳng định trong quá trình thi công đào ngầm tuyến metro số 2 sẽ không gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Vì sau khi giải tỏa khu vực nhà ga trên tuyến đường metro (bình quân 1km có một nhà ga), đơn vị thi công sử dụng công nghệ mới khoan đào ngầm nên không có rào chắn đường như hiện nay.

Liệu đào ngầm có gây ảnh hưởng đến nhà dân và các công trình trên mặt đất? Ông Quốc nói công trình đào sâu bình quân 18m và có nơi sâu đến 34m sẽ không gây ảnh hưởng đến nhà dân cũng như các công trình nhà cao tầng vì TP tính toán trước trong quản lý và cấp phép xây dựng. Vì vậy, ngay như đường Cách Mạng Tháng Tám dù chật hẹp nhưng nhờ thi công đào ngầm nên không gây ảnh hưởng đến nhà cửa ở hai bên đường.

NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên