Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Vinh - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (chủ đầu tư) - cho biết hiện nay cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 không đảm bảo tĩnh không cầu để phát triển giao thông đường thủy.
Trong khi đó cả 2 cầu đều nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch, đóng vai trò liên kết vùng; lượng xe đi lại đông đúc nên việc nâng cầu hết sức phức tạp.
Thời gian qua Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng sự hỗ trợ của Liên Hiệp hội khoa học kỹ thuật TP.HCM; các chuyên gia đã tập trung nghiên cứu giải pháp nâng cầu đảm bảo đạt tĩnh không yêu cầu, giảm thiểu ảnh hưởng tổ chức giao thông.
Theo ông Vinh, tổng mức đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 là 132 tỉ đồng và cầu Bình Phước 1 là 110 tỉ đồng.
Giải pháp đưa ra là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1. Cầu Bình Triệu 1 nâng với chiều cao 1,25m và cầu Bình Phước 1 nâng khoảng 1,08m. Song song đó bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu, tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép.
Để triển khai, dự án áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, có tính đột phá nhằm thi công đảm bảo an toàn, tiến độ và chất lượng.
Dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 có tổng mức đầu tư không lớn, tuy nhiên đem lại ý nghĩa hết sức to lớn về đảm bảo giao thông và kết nối vùng.
Sau khi hoàn thành, hai cầu này giúp đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m. Qua đó tạo điều kiện để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh.
"Chủ đầu tư và nhà thầu sẽ thực hiện dự án đúng thiết kế, ưu tiên mọi nguồn lực để đảm bảo dự án đúng tiến độ, ảnh hưởng thấp nhất đến việc đi lại của người dân TP.HCM. Dự kiến hai cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 được khởi công quý 1-2025 với thời gian thi công 8 tháng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025", ông Vinh đặt ra mục tiêu hoàn thành dự án.
Vai trò chiến lược trong phát triển vùng
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhận định cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 khai thác từ lâu, cầu đã cũ nên việc nâng cấp tĩnh không cầu là khó khăn và cần sự nỗ lực rất lớn.
Về vị trí chiến lược, sông Sài Gòn có ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương. TP.HCM thực hiện dự án nâng cấp tĩnh không cầu là một cam kết phát triển vùng, đảm bảo đồng bộ khai thác tuyến đường thủy quan trọng này.
Cũng theo ông Cường, TP.HCM hiện có 14 cầu bắc qua sông Sài Gòn, nhưng chỉ còn 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 chưa đảm bảo chiều cao khoảng thông thuyền tối thiểu 7m để tàu thuyền lưu thông.
Trước đây cầu sắt Bình Lợi có tĩnh không rất thấp, thường xuyên xử lý sự cố tai nạn do không đảm bảo tĩnh không. Cầu mới xây xong, tàu thuyền lưu thông thuận tiện hơn và khi TP.HCM thi công vành dai 3 thì sà lan chở vật liệu về dự án bằng đường thủy dễ dàng.
Khi triển khai mỗi công trình, các đơn vị cần đảm bảo khơi thông đồng bộ nhiều tuyến đường thủy của TP.HCM. Nhiệm vụ trọng tâm này phải tiếp tục chú ý trong thời gian tới khi làm rạch Xuyên Tâm; kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên... đều phải có tĩnh không phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận