Vụ cô gái ăn tối hơn 11 triệu đồng ở khách sạn 5 sao rồi "bùng" tiền là một ví dụ về thực trạng người tâm thần hiện nay khi người tâm thần có vẻ ngoài "rất bình thường".
Tâm thần sao biết gọi món đắt tiền?
Cô gái nói trên ăn mặc sang trọng bước vào nhà hàng, gọi các món cao cấp với tổng số tiền cần thanh toán hơn 11 triệu đồng.
Khi nhà hàng đến giờ chuẩn bị đóng cửa, nhân viên in hóa đơn tính tiền, cô này tỏ ra ngây ngô, cô cũng không mang bất kỳ giấy tờ cá nhân nào.
Nhiều người nghi vấn: "Tâm thần sao có thể gọi món và là những món đắt tiền?". Có người quy lỗi do nhân viên phục vụ vì họ đã không nhận biết khách đang có vấn đề về tâm thần.
Người thân của cô gái thì cho biết cô có tiền sử bị trầm cảm và phải điều trị từ năm 2019 sau quá trình đi học ở nước ngoài.
Cô thường đi ăn kiểu này và không trả tiền, gia đình phải trả rất nhiều tiền liên tục như vậy. Người thân của cô cũng hứa sẽ không cho cô ra ngoài bởi tiếp tục ăn uống không trả tiền rất ảnh hưởng tới người khác.
Gia đình có người tâm thần có nỗi khổ. Nhưng người xung quanh cũng không khỏi bị ảnh hưởng vì những việc người tâm thần gây ra.
Không phải lúc nào cũng dễ nhận biết một người mắc bệnh tâm thần qua vẻ ngoài, trong một thời gian ngắn. Một lần ngồi tại một quán cà phê, tôi và vài người bạn thấy một cô gái ngồi cách đó mấy bàn cầm xấp tài liệu chăm chú đọc. Ai cũng khen thầm trong bụng cô sinh viên chăm chỉ. Một lúc sau, cô gái đọc lớn hơn và không rõ nội dung là gì.
Nhân viên quán đến giải thích với khách cô gái có vấn đề về tâm thần. Khi còn là sinh viên rất hay đến quán và bị bệnh vẫn còn nhớ mà thường tìm đến. Cô cũng không làm gì nguy hiểm. Người thân có đến thanh toán tiền thức uống và dặn khi nào thấy có biểu hiện quá bất thường thì gọi điện đến đón về.
Nhưng đương nhiên ai cũng thoải mái và yên tâm khi gặp người tâm thần ở nơi công cộng... Một lần đang dừng xe chờ đèn xanh ở ngã tư, chị tôi bỗng dưng bị đánh mạnh vào vai đau điếng, định thần lại phía sau mới thấy người đánh chị là một phụ nữ tay đang cầm cây sắt quay lưng lững thững bỏ đi.
Nhìn dáng vẻ có thể hiểu chị kia có vấn đề tâm thần, chị tôi hú hồn nghĩ mình còn may, nếu cú đánh kia trúng vào chỗ hiểm thì…
Tránh những vụ việc đau lòng
Không giống như những bệnh thông thường, người mắc bệnh tâm thần nhiều khi không bộc lộ ra bên ngoài nhưng khi phát bệnh lại dễ có hành động không lường trước được.
Tháng 5-2024, Công an TP Cần Thơ đã bắt một hung thủ trước đó đã chém chết một người và làm bị thương nhiều người.
Anh này có bệnh án tâm thần thuộc diện quản lý tại địa phương nơi cư trú, đã được gia đình đưa đi điều trị ba đợt tại bệnh viện tâm thần. Vụ việc xảy ra khi anh kết thúc đợt điều trị và trở về nhà.
Thậm chí người tâm thần còn ra tay với ngay cả người thân như những người có biểu hiện tâm thần dùng dao chém nhiều người trong nhà.
Đặc biệt, vụ án mạng do người tâm thần gây rúng động tại tỉnh Bình Định năm 2023, người tâm thần dùng rựa đuổi, chém cha và anh trai tử vong, mẹ bị thương nặng. Người này lúc đó đang điều trị bệnh tâm thần ngoại trú tại nhà...
Được biết hiện nay phần lớn người bệnh tâm thần tại nước ta được điều trị, quản lý ở cộng đồng, chính tại các gia đình. Người bệnh nếu không được khám và chữa trị tích cực, quan tâm chăm sóc, bệnh có thể sẽ nặng hơn, thành mối nguy cho chính gia đình họ và những người xung quanh.
Quản lý người tâm thần là việc cần thiết nhưng "quản trị" nguy cơ càng quan trọng. Việc nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần cho người dân cần được quan tâm hơn nữa để thay đổi nhận thức của nhiều người.
Bởi bệnh về tâm thần rất đa dạng: tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác... Không phải ai có bệnh cũng lộ rõ biểu hiện và hành vi khác thường. Người có bệnh vẫn nghĩ mình bình thường, ngại đi khám bệnh.
Gia đình và người thân phát hiện sớm, điều trị bệnh về tâm thần kịp thời cũng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ và giảm bớt rủi ro cho chính họ và xã hội.
Từ bệnh nhân thành tội phạm
Phiên tòa ngày 18-6-2024 tại TAND Quảng Nam đã tuyên phạt 15 năm tù với một người đàn ông bị tâm thần phân liệt ở Hội An. Ông này dùng cây sắt đâm hàng xóm thiệt mạng với 26 vết thương. Ông gây án sau khi có lời qua tiếng lại với nạn nhân.
Một câu chuyện đau lòng. Một người có bệnh đã được xem như người bình thường nhưng không ai có thể lường trước hành vi của người có bệnh vì chính họ cũng không thể kiểm soát được bản thân. Một bệnh nhân đã thành tội phạm.
Còn những người bệnh nhẹ hơn vẫn là mối nguy khi họ có thể vô cớ đánh người, đập phá tài sản, đốt nhà, trèo mái nhà, leo cột điện. Có những người trầm cảm, có vẻ bình thường, vẫn đi học, đi làm… nhưng khi quyết định quyên sinh đã ép người thân chết theo mình.
Cứ tám người lại có một người có rối loạn tâm thần, đây là số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau COVID-19, những mất mát và khó khăn trong cuộc sống khiến bệnh trầm cảm và lo âu tăng cao.
Tại Việt Nam, tỉ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm hơn 14% dân số, bác sĩ chuyên khoa tâm thần chưa nhiều và chủ yếu ở các thành phố lớn. Khoảng trống điều trị bệnh lý tâm thần hiện nay vẫn còn rất lớn.
Nhiều huyện hầu như không có dịch vụ cung cấp sức khỏe tâm thần. Người bệnh không chỉ cần thuốc, họ còn cần tâm lý trị liệu, việc này còn đang thiếu. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cũng chưa có nguồn tài chính bền vững...
Nhận thức của người dân về sức khỏe tâm thần chưa đúng, cho rằng tâm thần là điên nên còn kỳ thị, giấu bệnh. Cần xem họ là bệnh nhân để được chăm sóc điều trị tốt nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận