30/06/2015 20:48 GMT+7

​Khoảng trống chữa trị rối loạn lo âu, trầm cảm

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Một tỉ lệ rất đáng lo: đến 20-25% người lớn được khảo sát ở Đà Nẵng, Khánh Hòa dương tính với các vấn đề sức khỏe tâm thần, 16-18% trong số đó liên quan đến rối loạn trầm cảm, lo âu.

Theo giới chuyên môn, nếu không điều trị sẽ nặng dần và biểu hiện tồi tệ nhất là lập kế hoạch tự tử hoặc tự tử thật. Tuy nhiên do quá thiếu bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần, người dân ngại đi “bệnh viện tâm thần” nên đang tồn tại một khoảng trống lớn trong chăm sóc chữa trị căn bệnh này ở VN.

Đừng coi thường lo âu, mất ngủ...

Tại hội thảo vừa được tổ chức hôm 29-6 ở Hà Nội về sử dụng liệu pháp tâm lý trong điều trị trầm cảm tại cộng đồng, ông La Đức Cương, giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, đưa ra một con số: trước đây 60% bệnh nhân đến khám tại bệnh viện ông bị tâm thần phân liệt - dạng “điên” thật sự, 40% bị các rối loạn khác trong đó có trầm cảm, lượng bệnh nhân đến khám mỗi tuần chỉ 30-50 người, thì nay mỗi tuần 600 bệnh nhân đến khám, chỉ 30-40% là bệnh nhân tâm thần phân liệt, còn lại là các rối loạn khác như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.

Dường như cuộc sống nhiều áp lực, nhiều stress, quá vội vã... đang khiến những dạng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần có cơ hội gia tăng.

Một người lo âu, mất ngủ, không thiết tha bất cứ điều gì, thậm chí không muốn ăn, ngủ... kéo dài từ hai tuần trở lên được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm.

Tuy nhiên theo ông Trần Trung Hà - trưởng phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1, thông thường phải đau ở đâu đó (đau thực thể) như đau đầu, đau chân... thì người ta mới đi khám, chứ ai lại đi khám vì... buồn!

Vì vậy hầu hết bệnh nhân đến khám vì rối loạn trầm cảm thì bệnh ở mức nặng. Một tổng kết trong số người đến điều trị cho thấy cứ 10 bệnh nhân trầm cảm thì bốn người từng lên kế hoạch tự tử, một người từng tự tử nhưng may mắn còn sống. Còn số người trầm cảm tự tử chết không thể thống kê được.

“Đừng coi thường các biểu hiện ban đầu như lo âu, chán nản, buồn bã, không tha thiết những thứ mình từng rất thích. Nếu không chữa trị, trầm cảm không tự khỏi mà chỉ diễn biến thành trầm cảm nặng hơn” - bác sĩ Hà khuyên.

Theo bác sĩ Trần Hải Vân (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), dường như cuộc sống hiện nay nhiều áp lực quá khiến stress, lo âu cũng nhiều lên.

Đơn cử đường rất đông, hai xe suýt va chạm nhưng hai người điều khiển xe đều nở nụ cười xin lỗi thì hóa giải bực dọc, nhưng một người cự cãi sẽ làm hai người cùng bực và có khi xảy ra đánh nhau dù trước đó cả hai đều hiền hậu thật thà.

Trầm cảm, lo âu không phải chứng bệnh xa lạ mà có thể xảy đến với bất cứ ai, bởi có đến 15% người dân sẽ có một lần trong đời bị rối loạn trầm cảm. “Cùng nhau hóa giải những sang chấn trong cuộc sống, tìm cách vượt khó khăn, có sự lựa chọn phù hợp trong giây phút quyết định, tăng sự tự tin... là những kỹ năng các nhà tâm lý hướng cho người đang có rối loạn trầm cảm, lo âu” - bác sĩ Vân cho biết.

Nữ giới nguy cơ stress, lo âu cao gấp hai nam giới

Ông Cương cho biết có đến 2/3 bệnh nhân bị rối loạn trầm cảm, lo âu là nữ giới. Những giai đoạn dễ bị những rối loạn này là khi người ta chuyển từ giai đoạn thanh niên sang trưởng thành và giai đoạn chuyển dần sang tuổi già, chuẩn bị về hưu, phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ có bầu hay mới sinh con nhỏ...

Ông Cương cho hay đôi khi đó là do rối loạn về hormone (giai đoạn tiền mãn kinh, sắp về già), nhưng đôi khi căn nguyên của lo âu, bực dọc khó giải thoát là khi người ta bị quàng thêm các trách nhiệm lên vai.

“Vốn đang là cô gái chỉ lo váy áo, làm đẹp thì nay mang bầu, chăm con nhỏ quấy khóc khiến cô ấy bị stress, nếu stress kéo dài thì có thể gọi là trầm cảm sau sinh. Có những người có tư tưởng giết con hoặc làm con đau vì chứng bệnh này. Với những trường hợp như vậy, người thân phải theo sát bệnh nhân, cùng hỗ trợ với bệnh viện để chữa trị” - ông Cương phân tích.

Thiếu bác sĩ chuyên khoa tâm thần và cả sự kỳ thị của cộng đồng khiến người bệnh, người nhà người bệnh thường rất ngại khi phải đến bệnh viện khi có vấn đề sức khỏe tâm thần.

Theo bác sĩ Vân, ngay cả chị và các đồng nghiệp “bác sĩ tâm thần” cũng thường gặp ánh mắt e ngại của các bác sĩ khác, chính các bác sĩ chuyên ngành khác còn kỳ thị bác sĩ tâm thần khiến hiện nay rất thiếu bác sĩ tâm thần.

Ở Đà Nẵng với 37 bác sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho khoảng 800.000 người dân được coi là địa phương có nhiều bác sĩ tâm thần, còn các tỉnh thành miền Trung có tỉnh chỉ có 5-7 bác sĩ, tuyến huyện thì hầu như không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Theo ông Cương, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện sau khi đi cúng bái đã 10 năm (vì e ngại kỳ thị) khiến bệnh trầm trọng hơn nhiều.    

Bác sĩ mới chú trọng điều trị bằng thuốc

Liệu pháp tâm lý điều trị lo âu, trầm cảm mới được triển khai ở VN. Theo hướng dẫn của các chuyên gia Mỹ, liệu pháp này được điều trị mỗi tuần/lần, trong vòng ba tháng. Tại VN, liệu pháp này được thí điểm đầu tiên ở Khánh Hòa và Đà Nẵng.

Theo bác sĩ Vân, khi áp dụng liệu pháp tâm lý, bác sĩ sẽ đưa ra các gợi ý để bệnh nhân tự trang bị kiến thức và kỹ năng vượt qua khó khăn. Do được chăm sóc tại cộng đồng nên bệnh nhân ít cảm thấy bị kỳ thị hơn so với đến bệnh viện, nơi do bệnh nhân đông, thời gian không có nhiều cho từng bệnh nhân và bác sĩ mới chủ yếu điều trị bằng thuốc. Sau Khánh Hòa, Đà Nẵng, nhóm dự án đang hi vọng mở rộng liệu pháp này ra các tỉnh thành khác.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên