Bảo hiểm nhân thọ vốn là "phao cứu sinh" về tài chính cho nhiều gia đình, khi được tư vấn đúng và đủ. Tuy nhiên hơn hai năm trở lại đây, ngành này xảy ra khủng hoảng niềm tin trầm trọng.
Thanh lọc hệ thống bán hàng
Tại buổi họp báo diễn ra vào chiều nay 9-7, ông Ngô Trung Dũng - phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - nhận định trong ngắn hạn, thậm chí năm nay, doanh thu của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn giảm sút.
Để kiểm soát thị trường, củng cố niềm tin cho người dân, vào đầu năm vừa qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.
Sau đó, Bộ Tài chính cũng ban hành thông tư 67, cấm ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đại lý bảo hiểm phải ghi âm một số nội dung trong quá trình tư vấn. Phía công ty bảo hiểm lưu trữ và bảo mật các tài liệu, dữ liệu ghi âm ít nhất 5 năm.
Từ đầu tháng 7 này, đối với sản phẩm bảo hiểm đầu tư, hoa hồng chi trả cho đại lý chính thức áp mức thay đổi. Năm đầu tiên giảm xuống còn 30%, năm thứ hai tăng lên mốc 20%, nhiều năm tiếp theo giữ mức 10%. Góp phần tránh trường hợp đại lý nhảy vào bán vài hợp đồng, rồi bỏ khách hàng "mồ côi".
Theo ông Dũng, quy định mới của luật rất chặt chẽ, ban đầu có thể gây khó cho doanh nghiệp, nhưng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm, tạo đà tăng trưởng về sau.
Đây cũng là cơ hội để thanh lọc hệ thống bán hàng. Cụ thể, lúc trước thị trường có khoảng 700.000 đại lý bảo hiểm, "có lẽ tới đây giảm xuống còn khoảng vài ba trăm ngàn". Những người không xứng đáng phải ra đi. Những người muốn trụ lại với nghề, phải đào tạo về trình độ, đạo đức nghề nghiệp.
"Học được rất nhiều bài học"
Trước diễn biến trên, bản thân doanh nghiệp cũng chuyển mình: "Vài năm trước đây, đôi khi làm màu. Nhưng bây giờ các doanh nghiệp thực sự vào cuộc làm thật, thay đổi quy trình thật, sản phẩm sửa đổi cải tiến thật", phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ. Đồng thời nhận định 2024 là năm các công ty bảo hiểm có bước cải tiến nhanh nhất từ trước đến nay.
Trên thị trường bảo hiểm nhân thọ, top 5 "ông lớn" dẫn đầu về tổng doanh thu phí phải kể đến: Bảo Việt nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA. Manulife là doanh nghiệp gặp nhiều "sóng gió" liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt sự vụ với SCB.
Ở họp báo vào chiều nay, bà Tina Nguyễn - tổng giám đốc Manulife Việt Nam - chia sẻ thời gian qua ngành có nhiều thay đổi, thử thách, và "học được rất nhiều bài học".
Theo bà, cũng như nhiều nước khác, thị trường Việt Nam non trẻ, phải đi qua thử thách. Quan trọng là biết cách đón nhận thế nào, đầu tư vào sự chuyên nghiệp, tâm huyết.
Trên thị trường, không ít đại lý bảo hiểm có thói quen chỉ nói cái hay của sản phẩm, chứ không nói những giới hạn. Do đó, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số, tăng kiểm soát nội dung tư vấn. Ban đầu nhiều nhân viên lo khách không mua nữa, nhưng việc này nhằm giúp khách tin hơn.
Đối với việc chi trả quyền lợi bảo hiểm, bà Tina nhấn mạnh doanh nghiệp không có bất kỳ KPI (chỉ tiêu) nào cho số ca chi trả tối đa. Trung bình mỗi tháng tiếp nhận hơn 48.000 yêu cầu giải quyết quyền lợi, có thể tồn tại một số sai sót, nhưng ở mức kiểm soát được. Khi phát hiện, chắc chắn sẽ sửa, không cố chấp.
Chi trả gần 30.100 tỉ đồng quyền lợi bảo hiểm trong nửa đầu năm 2024
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hiện nay Việt Nam ghi nhận hơn 11,7 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, chiếm khoảng 10% dân số.
Nửa đầu năm 2024, tổng tài sản toàn ngành đạt gần 819.600 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư vào nền kinh tế xấp xỉ 721.300 tỉ đồng (+10%). Tổng số tiền chi trả quyền lợi gần 30.100 tỉ đồng (+35%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận