Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Dưới đây là phần hỏi đáp:
* Tuổi Trẻ: Thưa tổng thư ký, vừa qua việc Bộ Tài chính thực hiện khoán xe công được dư luận rất hoan nghênh, xin hỏi là tới đây Quốc hội có gương mẫu thực hiện chủ trương rất được lòng dân này không?
- Đây là chủ trương chúng tôi rất hoan nghênh. Văn phòng Quốc hội đã thực hiện khá sớm, chục năm trước một phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là ông Trần Quốc Thuận đã thực hiện rồi, hiện nay phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cũng đang thực hiện (ông Hùng nhận 10 triệu đồng/tháng, tự lái xe đi làm - PV).
Cách khoán xe vừa rồi của Bộ Tài chính, theo chúng tôi, cũng chưa hiệu quả lắm. Cái chính là làm sao phải bớt được đầu xe, bớt được lái xe, chứ bây giờ mới chỉ khoán từ nhà đến cơ quan thôi. Tính là 15.000 đồng/km để đi taxi, như vậy cũng gần như giá xe công đổ xăng vào đi thôi.
Cái chính là chúng ta phải chuyển mạnh mẽ, khoán xe công theo hình thức xã hội hóa, giao cho các đơn vị dịch vụ công thực hiện thì mới hiệu quả, tức có xe chung rồi đi đâu thì đăng ký. Chứ còn khoán từ nhà đến cơ quan thì không hiệu quả, khi cái xe công ấy vẫn giữ, tài xế vẫn lái, mỗi thứ trưởng vẫn giữ một xe thì làm sao hiệu quả được.
Hiện chúng tôi đang nghiên cứu làm sao cho có hiệu quả hơn nữa, đang suy nghĩ đề án này.
* Tuổi Trẻ: Thưa tổng thư ký, đã 2 năm liên tiếp nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP); Chính phủ cũng báo cáo đến cuối năm nay nợ công sẽ ở mức 64,98% GDP, áp sát giới hạn cho phép (65% GDP), nhưng có nhiều dự báo cho rằng nợ công sẽ vượt trần nếu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu. Xin hỏi trong trường hợp nợ công, nợ Chính phủ vượt trần thì ai phải chịu trách nhiệm?
- Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi rất kỹ về vấn đề này. Hiện nay nợ công vẫn đang trong giới hạn trần cho phép là 65% GDP. Mỗi quốc gia có một quy định khác nhau, có nước cho phép nợ công bằng 100% GDP, nhưng chúng ta quy định là 65%.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là kiên quyết không để nợ công vượt giới hạn cho phép. Chính phủ cũng báo cáo không để vượt trần này. Còn nếu để nợ công vượt trần như trường hợp phóng viên đề cập thì cả Quốc hội và Chính phủ phải chịu trách nhiệm.
* VTV: Xin ông cho biết tổng thể những điểm đổi mới trong kỳ họp này? Quốc hội phải có những thay đổi gì ngay từ kỳ họp này để nâng cao chất lượng lập pháp?
- Quốc hội đang tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là hoạt động lập pháp. Vừa qua có sự cố là phải sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2015, và để khắc phục thì Quốc hội sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rõ quy trình, thủ tục ban hành các đạo luật. Vừa qua chúng ta đã tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận sâu về nội dung các dự án luật. Tăng cường các hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia và người dân.
Tới đây, chúng tôi cũng sẽ lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về việc có hay không thông qua dự án luật nào đó, nếu các đại biểu Quốc hội chưa nhất trí thì sẽ để lại tiếp tục chuẩn bị.
Quốc hội cũng sẽ tăng tính tranh luận trong các phiên thảo luận. Các bộ trưởng sẽ tham gia tranh luận, trao đổi trực tiếp ngay tại hội trường về những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Các đại biểu Quốc hội cũng tranh luận nhiều hơn, ngoài việc bấm nút, đại biểu nào muốn tranh luận thì có thể giơ biển lên để đăng ký tranh luận.
* VTV: Ông có thể nói rõ hơn về nội dung báo cáo về sự cố môi trường biển sẽ được trình Quốc hội?
- Đây là một trong những nội dung Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các bộ, ngành làm. Quốc hội cũng đã có đoàn giám sát vào rất sớm, sau đó có kiến nghị cụ thể. Đặc biệt là việc kiểm soát hoạt động của Formosa, như muốn xả thải thì phải kiểm tra chất lượng, nếu đạt thì mới được hoạt động.
Còn việc bồi thường thì các cơ quan của Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện.
* Vneconomy: Quốc hội có làm việc cho đến khi hết nội dung mới nghỉ hay chỉ làm việc đến 17g chiều là nghỉ?
- Nếu trong quá trình trao đổi vào các buổi chiều mà còn nhiều vấn đề đặt ra, cần thiết thì Quốc hội có thể kéo dài thêm thời gian làm việc. Còn trong các buổi sáng không thể kéo dài thêm thời gian thì đại biểu có thể đặt hết câu hỏi, đặt các vấn đề, sau đó nếu chưa trả lời hết thì Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản.
* Vnexpress: Được biết vừa rồi Hội nghị trung ương có bàn việc xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, xin cho biết là vấn đề này sẽ trình Quốc hội thế nào?
- Vấn đề này được thực hiện theo các quy định của pháp luật. Hiện nay chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Khi nào Chính phủ trình sang thì Quốc hội sẽ thảo luận về vấn đề này.
20-10, khai mạc kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật và 1 nghị quyết; cho ý kiến vào 12 dự án luật khác. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết “theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp) vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận