10/11/2015 13:30 GMT+7

​Khoán thuế thu nhập cá nhân cho nghệ sĩ?

A.H
A.H

TTO - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết tới đây có thể sẽ sửa đổi quy định theo hướng khoán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho nghệ sĩ thay vì tạm khấu trừ sau đó thu theo hướng lũy tiến như hiện nay.

Như vậy sẽ thuận lợi hơn cho cơ quan thuế lẫn người nộp thuế trong khi ngân sách lại thu được số thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn.

Sẽ không phải quyết toán

Theo ông Tuấn, về nguyên tắc người làm công ăn lương thì khấu trừ tại nguồn, còn lao động tự do thì kê khai thuế tại nơi cư trú. Đó là quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Khi chi trả thu nhập cho nghệ sĩ bao giờ đơn vị chi trả cũng khấu trừ 10% nhưng sau khi khấu trừ cuối năm nhiều nghệ sĩ không quyết toán thuế để nộp thêm.

“Trong vài năm tới, khi điều chỉnh chính sách sẽ theo hướng quy định một mức khấu trừ tại nguồn khi chi trả cho nghệ sĩ nhưng cao hơn mức hiện nay, chẳng hạn mức 20%. Như vậy sẽ hợp lý hơn vì nghệ sĩ không phải đi quyết toán cuối năm. Cơ quan thuế cũng không phải truy thu như hiện nay”, ông Tuấn nói.

Hiện nay tỉ lệ điều tiết của thuế thu nhập cá nhân cao nhất lên đến mức 35%. Với cách tính thuế lũy tiến như trên, thu nhập càng cao thì mức thuế suất sẽ càng cao. Tuy nhiên nhiều nghệ sĩ thu nhập rất cao nhưng sau khi khấu trừ tại nguồn 10% đã không đi quyết toán nên tính ra số thuế phải nộp ít.

Nhiều chuyên gia cho rằng như vậy là không công bằng với người làm công ăn lương vì người làm công ăn lương bị chặn trừ tại nguồn do vậy thu nhập thấp hơn nhưng số thuế phải nộp cao hơn cả nghệ sĩ.

Lợi cho “sao” nhưng có thiệt cho người nghèo?

Đề xuất trên đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, với cách thu như trên có thể cơ quan thuế thu được nhiều thuế TNCN của nghệ sĩ hơn hiện nay nhưng chưa thật khả thi.

“Nghệ sĩ giàu khấu trừ 20% họ vẫn lợi vì nếu thu theo biểu thuế lũy tiến từng phần họ phải nộp tới khung 35%. Tuy nhiên với nghệ sĩ nghèo mà khấu trừ 20% lại thiệt cho họ vì có khi thu nhập của họ chưa đến mức phải nộp thuế hoặc chỉ phải nộp ở mức rất thấp.

Theo tôi biện pháp tốt nhất là tập trung thu những nghệ sĩ tên tuổi, có tần suất xuất hiện tập trung trên truyền hình như vậy sẽ thu được nhiều thuế hơn và có tác dụng đánh động đến những nghệ sĩ khác để họ tự giác đi khai thuế”, ông Xoa nói.

Cùng ý kiến này, ông Nguyễn Thái Sơn - nguyên trưởng Phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TP.HCM, cho rằng cách tốt nhất là nên tập trung quản lý ở Cục thuế TP như cách làm trước đây. Song song với truy thu cũng nên áp dụng hình thức phạt và công bố tên tuổi công khai.

“8-9 năm nay thỉnh thoảng cơ quan thuế vẫn công bố truy thu thuế với nghệ sĩ nhưng không thấy phạt trong khi doanh nghiệp, người dân chậm nộp thuế vẫn bị phạt. Mọi công dân phải bình đẳng như nhau trước pháp luật”, ông Sơn nói. 

Nghệ sĩ hàng "sao" mỗi tháng chỉ nộp thuế vài triệu đồng

Theo công bố của Cục Thuế TP.HCM nhiều nghệ sĩ rất có tiếng nhưng nhiều năm qua không kê khai quyết toán thuế. Hoặc có nghệ sĩ dù thuộc hàng sao, thu nhập cao ngất ngưởng mỗi tháng chỉ nộp mức thuế vài triệu đồng.

Mới nhất Cục Thuế TP.HCM vừa lật lại hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân của 26 nghệ sĩ và truy thu 6,3 tỉ đồng, tính đến ngày 31-10. Trong đó, một nghệ sĩ bị truy thu số thuế lên đến 700 triệu đồng chỉ trong năm 2014.

Ngoài ra còn hai nghệ sĩ khác bị truy thu hơn 500 triệu đồng, trong đó một người bị truy thu từ năm 2010 - 2014 và một người bị truy thu từ năm 2012 - 2014. Những trường hợp khác phổ biến phải nộp thêm 100 - 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thu Hương - cục phó Cục Thuế TP.HCM, con số 700 triệu đồng chưa phải lớn nhất do còn một trường hợp nghệ sĩ có khả năng bị truy thu số thuế lên đến 1 tỉ đồng nhưng đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ.

A.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên