Giống như các sao chổi bay trong vũ trụ, Mặt trăng của chúng ta cũng có một chiếc đuôi vật chất chiếu xạ. Mỗi tháng, Trái đất sẽ băng ngang qua cái đuôi này một lần.
Thông tin mới này được mô tả trên tạp chí khoa học JGR Planets hồi đầu tháng 3.
Đuôi Mặt trăng là một chùm gồm hàng triệu nguyên tử natri phóng ra từ mặt đất vào vũ trụ, do các vụ va chạm với thiên thạch gây ra. Sau đó bức xạ Mặt trời đẩy các vật chất này thành một vệt dài hàng trăm ngàn dặm, tạo thành chiếc đuôi.
Vào thời điểm trăng non mỗi tháng, khi Mặt trăng nằm giữa Trái đất và Mặt trời, lực hấp dẫn của Trái đất hút chiếc đuôi này thành một dải quấn quanh bầu khí quyển giống như đeo một chiếc khăn choàng cổ.
Theo các nhà khoa học, chiếc đuôi Mặt trăng này vô hại với Trái đất và nó vô hình khi ta nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên vào kỳ trăng non, các kính thiên văn mạnh có thể nhìn thấy dải sáng mờ màu cam trên bầu trời.
Nhóm tác giả nghiên cứu mô tả chiếc đuôi này ở ngược phía mặt trời, có chiều dài gấp 5 lần đường kính Mặt trăng và mờ gấp 50 lần ngưỡng nhìn thấy của mắt người.
"Nếu có một tiểu hành tinh đủ lớn đâm vào Mặt trăng với lực đủ mạnh, chiếc đuôi natri này rất có thể sẽ được nhìn thấy bằng mắt thường từ Trái đất", nhà khoa học hành tinh James O'Donoghue tại Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản nói với báo The New York Times.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận