18/10/2018 09:55 GMT+7

Khoa học nói gì về người cá?

ĐỒNG LỘC (Nguồn: Live Science, NOOA, Discovery)
ĐỒNG LỘC (Nguồn: Live Science, NOOA, Discovery)

TTO - Con người vốn dĩ ưa thích những điều kỳ bí, nên chuyện người cá có thật không vẫn sẽ luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như giới khoa học.

Video về người cá của Animal Planet khiến dư luận xôn xao

Đến nay, giới khoa học vẫn chưa có kết luận về người cá, nhưng có giả thuyết cho rằng người cá vốn là tổ tiên của loài người.

Tổ tiên loài người từng sống dưới nước?

Trong giới khoa học chính thống, giả thuyết được chấp nhận rộng rãi về nguồn gốc của loài người, là con người tiến hóa từ loài khỉ thời tiền sử.

Nhưng, còn có một thuyết tiến hóa khác là "Khỉ nước" (Aquatic Ape Theory) do nhà nghiên cứu sinh học biển người Anh Sir Alister Hardy (189-1985) đưa ra. Ông đã nghiên cứu giả thuyết này từ năm 1930, nhưng chỉ công bố chính thức vào năm 1960.

Khoa học nói gì về người cá? - Ảnh 2.

Người cá là có thật và họ là tổ tiên loài người ?- Ảnh: PotC Wiki

Hardy cho rằng vào 7 triệu năm trước, có một số loài khỉ thuộc nhóm tổ tiên loài người, vốn sống ở những vùng đất khan hiếm nguồn thực phẩm, nên đã tìm đến vùng bờ biển để tìm bắt các loài cá và sò ốc. Dần dần, chúng đã tìm được cách thích nghi với môi trường nước.

Bởi thế, cơ thể con người ngày nay mới có những đặc điểm như có lớp mỡ dưới da, cơ thể rất ít lông, khí quản ở cổ họng chứ không gắn kết trực tiếp với mũi, để thích ứng tốt hơn với các hoạt động dưới nước.

Các nhà khoa học trong hai tập phim Người cá của Animal Planet cũng dựa trên thuyết "Khỉ nước" của Alister Hardy, nhưng họ đưa ra giả thuyết táo bạo hơn, rằng loài khỉ này đã tiến hóa đến mức có thể sinh sống luôn dưới lòng biển và trở thành người cá.

Tương tự, vào năm 1942, nhà cổ sinh vật học người Đức Max Westenhofer (1871-1957) và một số nhà nghiên cứu khác, cũng có nhận định tương tự như Hardy.

Họ cho rằng các đặc điểm cơ thể người như lớp mỡ dưới da, lớp màng giữa các ngón tay, ít lông trên mình và hướng lông mọc, cấu tạo hành khứu giác (olfactory buld), cũng như một số đặc trưng khác, là dấu vết còn sót lại của tổ tiên xa xưa vốn là loài động vật dưới nước.

Khoa học nói gì về người cá? - Ảnh 3.

Có giả thuyết cho rằng loài khỉ tiền sử sống ven bờ biển đã xuống nước và trở thành người cá - Ảnh: Discovery

Khoa học nói gì về người cá? - Ảnh 4.

Hình ảnh minh họa loài khỉ tiền sử sống ven bải biển tiến hóa thành người cá sống dưới lòng đại dương - Ảnh: Animal Planet

Dù các giả thuyết của Alister Hardy và Max Westenhofer không được đa số giới khoa học chính thống chấp nhận và gây nhiều tranh cãi, nhưng lại được đông đảo công chúng tán thành. Tuy thế, cũng đã có một số nhà sinh vật học dòng chính tiến hành các nghiên cứu nghiêm túc về giả thuyết này.

Người cá là 'sản phẩm tưởng tượng'

Theo nhận định của giới khoa học, "người cá" do những thủy thủ nhìn thấy chỉ là các con cá cúi (dugong) hoặc lợn biển (manatee), là loài động vật hữu nhủ sống dưới nước. Chúng thuộc họ Bò biển (Dugongidae) có kiểu đuôi hình cái mái chèo và nằm ngang, khác với kiểu đuôi dựng đứng thông thường của các loài cá khác.

Trên biển khơi hay sông rộng, sự nhiễu loạn không khí sẽ làm người ta "trông gà hóa cuốc", nhất là đối với những thủy thủ phải lênh đênh trên biển hàng nhiều tháng trời. Khi các sinh vật nói trên xuất hiện trên mặt nước, người ta thường chỉ nhìn thấy một phần cơ thể của chúng.

Thêm vào đó, những bí bách về nhu cầu sinh lý của nam giới rất dễ làm người thủy thủ mơ tưởng đến hình ảnh phụ nữ. Nhìn từ xa, hai cái vây trước giống như hai cánh tay rất dễ làm người ta lầm tưởng đó là một người phụ nữ khỏa thân đang bơi lội trên mặt nước.

Khoa học nói gì về người cá? - Ảnh 5.

Loài lợn biển Dugong khiến nhiều người nhầm là người cá? - Ảnh: Nature

Phe không tin có người cá lập luận rằng cho đến nay chưa ai tìm ra một bộ xương hoàn chỉnh của sinh vật gọi là người cá này. Xác ướp người cá FeeJee Mermaid rất nổi tiếng do ông chủ gánh xiếc Barnum trưng bày vào năm 1840 ở Mỹ chỉ là đồ giả, làm bằng thân trên của con khỉ khâu nối với một cái đuôi cá.

Hơn nữa, việc phân tích ADN của một số mẫu vật được cho là của người cá không cho thấy sự bất thường nào cả, bởi chúng chỉ là của những loài cá thông thường.

Giới khoa học dòng chính cũng chỉ trích hai tập phim về người cá của kênh Animal Planet. Họ cho rằng những chứng cứ do các nhà làm phim đưa ra đã được chỉnh sửa theo hướng có lợi cho lập luận người cá là có thật.

Thêm nữa, các nhà khoa học xuất hiện trong phim đã mạo danh là người của Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).

Nhiều câu hỏi chưa lời đáp

Nhưng dù vậy, những người tin vào sự hiện hữu của người cá vẫn đưa ra những lập luận để phản bác, chẳng hạn việc các ngư dân đánh cá biển khơi thỉnh thoảng lại bắt được những con cá lớn, trên mình còn dính những đoạn lao kỳ lạ làm bằng xương, và rõ ràng đó không phải là loại lao thường dùng của ngư dân hay các thổ dân ở những hòn đảo cách rất xa đó chế tạo nên.

Khoa học nói gì về người cá? - Ảnh 6.

Những mũi lao kỳ lạ ghim thên thân những con cá mà ngư dân đánh bắt được - Ảnh: Discovery

Cạnh đó, khoa học không thể đưa ra lời lý giải cho những bức ảnh, đoạn video về cảnh người cá vướng vào lưới đánh bắt (nhưng thoát ra được), cũng như cảnh quay người cá xuất hiện trước chiếc tàu ngầm thám hiểm ở độ sâu 600m, hoặc cảnh con cá bị trúng một ngọn lao kỳ lạ ở độ sâu đến 500m, nơi không thợ lặn săn cá nào có thể hoạt động được.

Ngoài ra những tranh vẽ mô tả người cá cách đây 30.000 năm trên vách đá một hang động ở Ai Cập là thật. Vào thời xa xưa đó, trí não người tiền sử chưa phát triển như con người ngày nay, họ không đủ khả năng nghĩ ra những điều trừu tượng hay sự việc không có thật, nên chỉ mô tả những gì họ đã tận mắt chứng kiến.

Giới ủng hộ người cá cũng lập luận rằng dù con người hiểu rất rõ về những vật thể xa xôi như Sao Hỏa hay Mặt Trăng nhưng lại không hiểu biết mấy về vật thể sát bên mình là đại dương.

Cho đến nay, khoa học chỉ mới khảo sát đo đạc được 20% diện tích đáy biển toàn thế giới, 80% diện tích còn lại chưa được khám phá và chưa ai biết còn có những sinh vật gì dưới đó. Nước Mỹ với ngành hải dương học tiên tiến cũng chỉ mới khảo sát được có 35% diện tích đáy biển thuộc phần lãnh hải của mình.

Bởi thế, đại dương bao la và sâu thẳm vẫn còn nhiều bí ẩn mà con người chưa biết đến. Thậm chí đến thế kỷ 21 này, có những loài động, thực vật kỳ lạ dưới đáy sâu mà sự tồn tại của chúng chỉ mới được giới khoa học tìm ra trong những năm gần đây.

Nên có thể người cá - cũng như những loài thủy quái trong truyền thuyết khác, là có thực và chúng chỉ là những loài động vật mà con người chưa khám phá ra mà thôi.

Chúng ta hi vọng rằng với sự tiến triển của khoa học và công nghệ, con người rồi sẽ có thể khảo sát khắp đáy đại dương, xây dựng những nơi cư trú lâu dài dưới biển sâu. Chừng đó, người ta mới có thể đưa ra kết luận về sự tồn tại của giống sinh vật vô cùng bí ẩn này.

ĐỒNG LỘC (Nguồn: Live Science, NOOA, Discovery)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên