11/08/2015 08:13 GMT+7

Khó quy định bồi thường tai biến sau tiêm chủng

LAN ANH
LAN ANH

TT - Hơn 30 năm qua, chưa có tai biến sau tiêm nào được xác định do chất lượng văcxin.

Tiêm chủng là cách hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tiêm chủng là cách hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe - Ảnh: Nguyễn Khánh

Dự thảo lần 1 nghị định về hoạt động tiêm vừa được đưa ra lấy ý kiến đã dành riêng một chương quy định bồi thường trong trường hợp xảy ra tai biến. 

Ngoài bồi thường vật chất (tương đương 30 tháng lương cơ bản nếu thiệt hại trên 81% sức khỏe, hoặc 10 tháng lương cơ bản để lo chi phí mai táng), dự thảo này còn đề xuất bồi thường tổn thất tinh thần đối với người thân thích ở hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.

Đây là những quy định rất mới, chưa từng có tiền lệ ở VN.

Dị ứng với văcxin, không được bồi thường?

Một năm qua, có khoảng 15 tai biến hoặc nhầm lẫn liên quan tiêm văcxin, trong đó 2 vụ nhầm lẫn có số lượng lớn người liên quan là 31 thai phụ bị tiêm nhầm văcxin ở Bắc Ninh và 60 trẻ bị tiêm nước cất thay vì văcxin sởi - rubella ở Đồng Tháp.

Một vụ nhầm lẫn hi hữu nữa mới xảy ra đầu tháng 7 khi cán bộ tiêm chủng tiêm văcxin sởi - rubella vốn dành cho trẻ 18 tháng tuổi cho bé mới 3 tháng tuổi.

Một vụ tai biến sau tiêm văcxin khác xảy ra gần đây là bé T.T.B., sinh ngày 25-4-2015 ở Thanh Hóa, được tiêm ngừa văcxin phòng lao hôm 8-5 và tử vong sau đó.

Các kết luận giám định pháp y của Viện Khoa học hình sự, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho thấy bé B. tử vong do phản ứng quá mẫn sau tiêm văcxin phòng lao.

Theo ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cần tìm giải pháp để xử lý những vụ việc như thế này. Bởi dự thảo nghị định chỉ cho phép bồi thường trường hợp tai biến do chất lượng văcxin, còn nếu do phản ứng cá nhân (dị ứng với văcxin) của người được tiêm chủng thì không được bồi thường.

Trong khi đó tai biến do phản ứng quá mẫn, dị ứng với văcxin là một trong những tai biến sau tiêm thường gặp nhất.

Nên có “bảo hiểm tiêm chủng”

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, về việc thực thi bồi thường tai biến tiêm chủng trong tương lai.

Theo ông Cảm, bảo hiểm y tế vẫn chi trả cho trường hợp cấp cứu, điều trị do tai biến sau tiêm, nhưng bồi thường cho tai biến là phần tài chính bên cạnh chi phí y tế và các công ty bảo hiểm chưa bán loại bảo hiểm tiêm chủng.

Nhưng với hàng chục triệu mũi tiêm chủng/năm và có thể có nguy cơ tai biến bất kỳ lúc nào, rất nên có loại bảo hiểm theo hình thức bảo hiểm nghề nghiệp cho nhân viên y tế.

“Sau tai biến tiêm chủng sẽ có hội đồng chuyên môn xác định nguyên nhân, trường hợp tai biến do sai sót trong thực hành tiêm chủng thì cán bộ tiêm chủng phải bồi thường, còn lỗi do chất lượng văcxin thì Nhà nước bồi thường.

Tuy nhiên theo tôi, nếu có bảo hiểm tiêm chủng, trường hợp xảy ra tai biến thì bảo hiểm sẽ là đơn vị trung gian đánh giá thiệt hại và chi trả bồi thường về tiền, còn cán bộ y tế sẽ phải chịu các mức xử lý kỷ luật tùy theo mức độ sai sót” - ông Cảm đề xuất.

Khác với tiêm thuốc trị bệnh, tiêm chủng là tiêm cho người đang khỏe mạnh và nhằm mục đích phòng bệnh. Trong trường hợp xảy ra tai biến thường gây bức xúc hơn nhiều lần. Hiện nay ngành y tế vừa tổ chức tiêm chủng vừa điều tra tai biến sau tiêm, kiểm định chất lượng văcxin.

Thời gian qua, tai biến sau tiêm thường được các hội đồng chuyên môn kết luận do trùng lặp với bệnh sẵn có của trẻ, do trẻ sinh non hoặc có trường hợp tử vong do sặc sữa, không phải do tiêm.

Nếu có hội đồng tư vấn chuyên môn độc lập, các đánh giá này sẽ khách quan và tin cậy hơn, cũng là tăng thêm chất lượng của tiêm chủng.

Theo dự thảo, các trường hợp tai biến sau tiêm dự kiến được bồi thường gồm trường hợp tai biến nặng (bắt buộc phải cấp cứu và điều trị nội trú tại cơ sở khám chữa bệnh, bị để lại tai biến hoặc khuyết tật, hoặc tử vong sau tiêm chủng).

Tuy nhiên dự thảo này “khoanh” phạm vi bồi thường là sau khi sử dụng văcxin bắt buộc, nguyên nhân sai sót do thực hành tiêm chủng hoặc chất lượng văcxin. Các trường hợp tai biến sau tiêm văcxin dịch vụ hoặc bị “ăn bớt” văcxin không thuộc phạm vi bồi thường.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên