24/10/2013 15:54 GMT+7

Khó phá vỡ vòng luẩn quẩn của tham nhũng

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Một khảo sát nghiên cứu xã hội học về phòng chống tham nhũng do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện trên gần 5.500 doanh nghiệp khắp cả nước cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong khảo sát đều thừa nhận “có giao dịch với cơ quan nhà nước và đưa hối lộ”.

Ngày 24-10, tại buổi hội thảo tham vấn ý kiến doanh nghiệp nhằm thu thập ý kiến, kiến nghị làm cơ sở trao đổi cho “Đối thoại lần thứ 12 về phòng chống tham nhũng giữa Chính phủ VN và cộng đồng phát triển quốc tế” dự kiến tổ chức vào tháng 11, do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Đại sứ quán Anh tại Hà Nội thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng việc đấu tranh chống tham nhũng tạo lập một môi trường liêm chính trong kinh doanh “là một cuộc chiến ác liệt, hết sức khó khăn và không biết khi nào mới kết thúc”.

Thường được xem là bên “cung” của tham nhũng, nhưng ngày nay các doanh nghiệp dần được quốc tế thừa nhận vai trò của mình trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng, cũng như dần nâng cao nhận thức rằng nếu thất bại trong việc chống hối lộ sẽ làm chi phí sản xuất tăng cao, từ đó suy giảm năng lực cạnh tranh.

Không ít ý kiến cho rằng rất khó phá vỡ vòng luẩn quẩn của tham nhũng vì người dân/doanh nghiệp sẽ khó từ bỏ việc đưa hối lộ một khi bị công chức gây khó dễ. Khi hoàn tất quy trình “bôi trơn”, khó khăn sẽ được giải quyết và công chức lại có động cơ để… tiếp tục chu trình này.

Trong hội thảo, một khảo sát nghiên cứu xã hội học về phòng chống tham nhũng do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện trên gần 5.500 doanh nghiệp khắp cả nước cho thấy phần lớn doanh nghiệp trong khảo sát đều thừa nhận “có giao dịch với cơ quan nhà nước và đưa hối lộ”. Các doanh nghiệp đưa hối lộ nhiều nhất cho cán bộ trong các ngành hải quan, thuế và công an giao thông.

Tại TP.HCM, 34% doanh nghiệp khi được hỏi đều xếp tham nhũng là vấn nạn gây bức xúc nhất sau “giá cả sinh hoạt” và “mức thu nhập”.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, 5 ngành tham nhũng nhiều nhất được ghi nhận là cảnh sát giao thông, quản lý đất đai, hải quan, thuế và xây dựng. Về mức độ gây khó dễ, ba cơ quan tại TP.HCM là thuế, hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành chiếm lần lượt tỉ lệ 72%, 38% và 28% so với tỉ lệ chung của cả nước chỉ ở mức 59%, 19% và 22%.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên