Ảnh minh họa. Nguồn: carlinvision.com
Mỗi lần nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu. Nước mắt sẽ làm bôi trơn bề mặt nhãn cầu, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt và giữ cho bề mặt giác mạc, kết mạc phẳng, sạch sẽ. Khi thừa, nước mắt sẽ chảy theo một "hệ thống cống" nhỏ ở góc trong của mi mắt gọi là tuyến lệ.
Khô mắt là hậu quả do mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt bao gồm:
- Số lượng nước mắt tiết không đủ: Nước mắt được tiết ra từ các tuyến trong và quanh mi mắt. Tiết nước mắt sẽ giảm theo tuổi, do các bệnh tại mắt và toàn thân hoặc do tác dụng phụ của dùng thuốc. Điều kiện khí hậu như gió, thời tiết hanh khô cũng làm giảm số lượng nước mắt vì bốc hơi nước nhanh. Khi số lượng nước mắt tiết ra không đủ hoặc bốc hơi quá nhanh sẽ gây ra khô mắt.
- Chất lượng nước mắt không tốt: Màng phim nước mắt của chúng ta có 3 lớp: lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Mỗi lớp đảm nhiệm một chức năng trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng bề mặt nhãn cầu. Lớp mỡ phẳng giúp hạn chế sự bốc hơi nước của lớp nước, trong khi lớp nhầy có chức năng dàn phẳng nước mắt trên bề mặt giác mạc. Nếu nước mắt bốc hơi quá nhanh hoặc dàn không phẳng trên giác mạc sẽ gây ra khô mắt.
Hình thái phổ biến của hội chứng khô mắt là số lượng không đủ của lớp nước của phim nước mắt. Trong trường hợp này gọi là viêm giác mạc thể câm (Kerato Conjuntivitis Siccar) và được xếp vào hội chứng khô mắt.
Những người khô mắt có thể có các triệu chứng như: Cảm giác khô rát, cộm như có cát trong mắt, đỏ hoặc nóng ở mắt. Một số người lại có cảm giác chảy nước mắt và giảm thị lực. Khi khô mắt nặng lên sẽ gây tổn thương bề mặt nhãn cầu và giảm thị lực.
Mục đích điều trị khô mắt là phục hồi và duy trì số lượng nước mắt bình thường trong mắt. Từ đó làm giảm các tổn thương kết mạc, giác mạc, hạn chế các cảm giác khó chịu của bệnh nhân cũng như duy trì đôi mắt khỏe mạnh.
Nguyên nhân của khô mắt là gì?
Khô mắt có thể do các nguyên nhân sau:
- Tuổi: Khô mắt là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, phần lớn người>65 tuổi sẽ có vài triệu chứng của khô mắt.
- Giới tính: Nữ giới dễ bị khô mắt hơn do thay đổi hormone sau khi mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, và thời kỳ mãn kinh.
- Do thuốc: Sử dụng các thuốc kháng histamine, thuốc chống viêm, thuốc chống tăng huyết áp và thuốc giảm đau có thể làm giảm số lượng nước mắt tiết ra. Đặc biệt là vấn đề dùng thuốc nhỏ mắt không có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.
- Do các bệnh lý toàn thân hoặc tại mắt: Người bị viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường và tổn thương tuyến giáp có thể có hội chứng khô mắt. Viêm nhiễm của mi mắt, bề mặt nhãn cầu hoặc bất thường của mi mắt (lật mi, hở mi) cũng là nguyên nhân gây ra khô mắt.
- Điều kiện môi trường sống và lao động: Tiếp xúc với khói thuốc lá, nhiều gió hoặc thời tiết hanh khô sẽ làm bốc hơi của nước mắt nhanh. Khi làm việc với máy tính trong thời gian dài hoặc làm việc quá tập trung không chớp mắt thường xuyên được cũng góp phần gây khô mắt.
- Các yếu tố thuận lợi khác: Sử dụng kính tiếp xúc kéo dài là yếu tố thuận lợi gây khô mắt. Các phẫu thuật trên bề mặt kết mạc, giác mạc như phẫu thuật lasik, phẫu thuật phaco,... có thể là nguyên nhân làm khô mắt tiến triển.
Chẩn đoán khô mắt như thế nào?
Chẩn đoán khô mắt phải dựa vào khám mắt một cách toàn diện, cùng với các test xác định số lượng và chất lượng của màng phim nước mắt bao gồm:
- Khai thác bệnh sử của bệnh nhân về các triệu chứng khó chịu, các bệnh hệ thống, quá trình sử dụng thuốc trước đây đặc biệt là các thuốc nhỏ mắt, và các yếu tố môi trường sống và làm việc cũng góp phần gây ra khô mắt.
- Khám bên ngoài nhãn cầu: Các bất thường khi mi mắt hoạt động (có lật mi ra ngoài, có hở mi khi nhắm mắt,...) và tần số chớp mắt.
- Đánh giá tổn thương của mi mắt và kết giác mạc: Phải sử dụng sinh hiển vi với đèn khe và độ phóng đại lớn 10 hoặc 16 lần.
- Đánh giá sự bất thường về số lượng và chất lượng nước mắt: Cần được làm các test kiểm tra bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt để xác định có khô mắt hay không và đưa ra lời khuyên cũng như phương pháp điều trị.
Điều trị khô mắt như thế nào?
Khô mắt là một hội chứng mạn tính. Đã là mạn tính thì gần như khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vậy nhiệm vụ của bác sĩ nhãn khoa là giữ gìn cho đôi mắt bạn khỏe mạnh, dễ chịu hơn và duy trì thị lực tốt nhất. Các phương pháp để điều trị khô mắt gồm: Bổ sung nước mắt nhân tạo, duy trì phim nước mắt trên bề mắt nhãn cầu, làm tăng tiết nước mắt, điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu.
- Bổ sung nước mắt nhân tạo: Các trường hợp khô mắt nhẹ có thể điều trị bằng cách tra nước mắt nhân tạo và có thể sử dụng thường xuyên được. Tốt nhất nên sử dụng các loại nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản vì chất bảo quản sẽ gây độc cho mắt khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên những trường hợp khô mắt vừa và nặng việc sử dụng nước mắt nhân tạo thay thế là không đủ, và cần có các phương pháp khác bổ sung.
- Duy trì phim nước mắt: Một phương pháp để làm giảm các triệu chứng khó chịu của khô mắt là giữ nước mắt tự nhiên ở lâu trong mắt. Vấn đề này có thể thực hiện bằng cách ngăn không cho nước mắt chảy qua đường lệ bằng cách nút các điểm lệ bằng nút silicon hoặc phẫu thuật đóng điểm lệ vĩnh viễn.
- Làm tăng tiết nước mắt: Có thể sử dụng các thuốc tra mắt để tăng tiết nước mắt do bác sĩ nhãn khoa kê đơn. Tốt nhất là sử dụng Omega-3 tự nhiên.
- Điều trị viêm của mi mắt và bề mặt nhãn cầu: Cần sử dụng các thuốc nước hoặc mỡ để tra mắt theo đơn của bác sĩ nhãn khoa. Các phương pháp như chườm ấm, massage mi mắt, rửa sạch mi mắt sẽ giúp làm giảm viêm nhiễm quanh mắt.
Các bước sau có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt:
- Hãy nhớ nháy mắt thường xuyên khi đọc sách hoặc sử dụng máy tính trong thời gian dài.
- Làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc.
- Sử dụng kính bảo hộ khi đi ra ngoài để làm giảm tác hại của nắng và gió.
- Sử dụng các vitamin tự nhiên có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt. Hãy hỏi bác sĩ nhãn khoa của bạn các thức ăn có thể làm giảm khô mắt.
- Hãy uống nhiều nước mỗi ngày (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận