17/10/2011 13:48 GMT+7

Khó kiếm tiền trên sàn chứng khoán

H.NHỰT
H.NHỰT

TTO - Trong phiên giao dịch đầu tuần (17-10), hai chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm, đồng thời thanh khoản thị trường tiếp tục èo uột.

4DDpmkgP.jpgPhóng to
Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán TP.HCM - Ảnh: TĐ

Ở sàn TP.HCM, chỉ số VN-Index giảm 3,65 điểm về còn mức 410,84 điểm. Toàn sàn chỉ có 45 mã chứng khoán tăng giá, 94 mã đứng giá và 163 mã giảm giá.

Tổng khối lượng giao dịch thị trường TP.HCM đạt mức thấp, với hơn 26,2 triệu đơn vị khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch 442,5 tỉ đồng chuyển nhượng.

Trong phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ra mạnh hơn mua vào. Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, khối ngoại bán ra gần 4 triệu cổ phiếu, thu về hơn 124 tỉ đồng; ngược lại, họ mua vào 2,63 triệu cổ phiếu, trị giá 98,5 tỉ đồng.

Nhiều cổ phiếu có thị giá dưới 10.000 đồng đã có phiên tăng mạnh thêm từ 4-5% giá trị như: NTB, RDP, KHP, VSI, DRH, IDI... Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thuộc các ngành khoáng sản, địa ốc lại có mức giảm giá mạnh nhất thị trường, như: KSA, KTB, PPI, IJC, VPL... Riêng mã IJC của Becamex IJC (Bình Dương) vẫn có khối lượng khớp lệnh lớn thứ hai trên thị trường, với hơn 1 triệu cổ phiếu khớp ở mức giá 10.200 đồng/cổ phiếu.

Ở sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index giảm 0,73 điểm (tương đương giảm 1,06%) về ở mức 68,46 điểm. Thanh khoản trên sàn Hà Nội cũng đứng ở mức thấp, với tổng khối lượng giao dịch đạt 25,8 triệu cổ phiếu khớp lệnh; tương ứng tổng giá trị 251,5 tỉ đồng chuyển nhượng.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán Kim Eng VN, một số thông tin tiêu cực tiếp tục tác động xấu đến thị trường chứng khoán trong tuần như: Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố tính đến tháng 9-2011 đã có gần 49.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Như vậy bình quân một quý có trên 12.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, ngừng nộp thuế. Với tốc độ này, dự báo cả năm 2011 số doanh nghiệp lâm vào tình trạng như trên có thể chiếm tới 10% trong tổng số 600.000 doanh nghiệp cả nước hiện nay.

Theo khảo sát của Mercer (công ty tư vấn nhân sự lớn trên thế giới) và Talentnet tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm cho thấy, nhân viên ngành dịch vụ tài chính có tỉ lệ nghỉ việc nhiều nhất với 13,5%, trong khi tỉ lệ trung bình chỉ 8,8%. Cụ thể, nhân sự làm việc trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, các quỹ đầu tư và cho vay tài chính... bỏ việc nhiều hơn hẳn mọi ngành nghề khác tại Việt Nam trong sáu tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán còn bị ảnh hưởng bởi hàng loạt cổ phiếu “nóng” nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư và luôn đạt thanh khoản cao nhưng lại không đủ điều kiện giao dịch margin (ký quỹ). Điều này sẽ làm giảm bớt đi tính hấp dẫn của thị trường.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng tỉ giá bình quân liên ngân hàng lên thêm 10 đồng và tính từ đầu tháng 10 Ngân hàng nhà nước đã nâng lên tổng cộng 60 đồng cho thấy áp lực tỷ giá đang có dấu hiệu gia tăng. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài lại liên tiếp bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê, tỉ lệ vốn hóa của khối ngoại trên thị trường chứng khoán giảm từ 40% xuống còn 8% trong thời gian qua.

H.NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên