04/12/2012 07:22 GMT+7

Khô hạn giữa mùa mưa lũ

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TT - Đã qua hai tháng mùa mưa lũ, nhưng ở miền Trung nắng nóng vẫn kéo dài, sông suối đã khô kiệt. Vụ lúa đông xuân đang đến gần nhưng mực nước ở nhiều hồ chứa vẫn còn quá thấp.

IdDznrvs.jpgPhóng to
Ở hồ chứa nước Liệt Sơn (Quảng Ngãi), lượng nước tích được chưa đến tràn - Ảnh: V.Q.Cầu

Về các dòng sông ở Quảng Ngãi, sông Trà Khúc, sông Vệ, Trà Bồng và Trà Câu giờ đây đều cạn trơ đáy. Tại sông Trà Khúc, người dân còn khai thác cát, sạn dưới lòng sông.

Sông, suối khô kiệt

Đà Nẵng: chuột về nhiều

Ông Phạm Hồng Vân - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Đà Nẵng - cho biết do năm nay thời tiết khô hạn nên chuột sinh trưởng nhiều. Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã phối hợp với 18 xã, phường ra quân diệt chuột. Trong một tuần từ ngày 24 đến 30-11 đã diệt được hơn 10.000 con chuột.

Ông Trần Trung (70 tuổi, thôn 6, xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức) nhìn sông Vệ cạn trơ đáy rồi nói: “Tui sống đã 70 tuổi, chưa có năm nào thấy thời tiết lạ như năm nay. Ai đời mùa đông ở trong nhà phải bật quạt, đi ra đường mà mồ hôi nhễ nhại, nóng oi bức hơn cả mùa hè”. Đưa tay chỉ về phía cánh đồng, ông nói: “Nắng nóng, một số cánh đồng ở Đức Nhuận giờ thiếu nước. Nay mai vào vụ đông xuân lại phải bơm nước mà làm đất”. Sông Trà Câu (H.Đức Phổ) mọi năm thời điểm này nước dâng lên cao nhưng giờ dòng sông chẳng khác gì con suối nhỏ.

Tại cánh đồng thôn Thủy Triều, những thửa ruộng bắt đầu khô nứt. Anh Lê Minh Trà đi thăm ruộng, lắc đầu ngao ngán: “Thời tiết thay đổi dữ quá. Không có lũ thì không có phù sa để cây lúa tốt, chuột sinh sôi nhiều. Kiểu này khi sạ xuống, chuột lượm hết lúa giống. Cánh đồng giờ bắt đầu khô nứt, lại phải chờ nước kênh Thạch Nham hoặc nước hồ Liệt Sơn về mới làm đất được”.

Tại Quảng Nam, tình hình cũng tương tự. Sông Thu Bồn, con sông chính mang phù sa cho cây cối vùng hạ du, năm nay khô kiệt giữa mùa mưa. Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Nam, từ tháng 9 đến nay trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện lũ, lượng mưa rất thấp.

Thống kê của 13 trạm khí tượng thủy văn của tỉnh, tổng lượng mưa từ tháng 9 đến tháng 11 chỉ xấp xỉ 60-70% lượng mưa trung bình nhiều năm. “Đây là năm có thời tiết cực đoan và đặc biệt bất thường, sau 30 năm mới lặp lại kể từ năm 1982. Do ảnh hưởng lượng mưa bị thiếu hụt, các chân ruộng lúa nước trời chỉ mới gieo sạ khoảng 1.000ha trong tổng kế hoạch 5.500ha. Số diện tích đã gieo sạ đang bị khô hạn nghiêm trọng, có khả năng bị thiệt hại nặng nề” - ông Nguyễn Minh Tuấn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam, cho biết.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, thông tin lượng mưa ở đây chỉ đạt từ 20-40% lượng mưa trung bình nhiều năm. Ông nói thêm: “Từ nay khó có thể mưa lớn, nắng nóng còn kéo dài, sự bất thường của thời tiết đang ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân”.

E2Q62ur7.jpgPhóng to
Diệt chuột ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) - Ảnh: CTV

Hồ, đập thiếu nước

Tại Quảng Ngãi, hồ chứa nước Liệt Sơn, hồ chứa nước lớn nhất huyện Đức Phổ, có dung tích 28 triệu m³ nước nhưng hiện tại chỉ tích được khoảng 13 triệu m³, mực nước chưa đến tràn. Còn ở hồ chứa nước Diên Trường (xã Phổ Khánh) nhờ tích nước sớm hơn 20 ngày nên giờ đã tích được 31 triệu m³ nước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Nhuần, quản lý hồ chứa nước Diên Trường, lượng nước tích tuần trước mỗi ngày dâng lên khoảng 10cm, giờ chỉ còn 2cm vì đầu nguồn cũng bắt đầu khô kiệt. Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi Nguyễn Nhung cho biết từ đầu tháng 11, công ty đã chỉ đạo cho các trạm thủy nông tiến hành tích nước sớm. Tuy vậy, trong số 16 hồ chứa nước do công ty quản lý, hiện chỉ có ba hồ chứa đã tích đủ nước. Số còn lại đều nằm ở mức từ 31-87% so với dung tích nước, nên tình hình rất lo ngại.

Tại Quảng Nam có 73 hồ chứa nước tưới cho khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện mới chỉ có 20 hồ đã được trữ đầy nước. Riêng hồ Phú Ninh hiện có mực nước 28,5m, thấp hơn mực nước dâng bình thường là 3,5m, thiếu hụt khoảng 100 triệu m³. Tại hầu hết các hồ thủy điện, mực nước đều rất thấp, chỉ cao hơn mực nước chết vài mét. Như vậy các hồ thủy điện sẽ hoàn toàn mất khả năng xả nước điều tiết, bổ sung dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ngay từ đầu năm 2013. Ông Tuấn nhận định đến cuối tháng 12-2012 sẽ có nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện không tích trữ đầy hồ, dẫn đến nguồn nước bị thiếu hụt nghiêm trọng, không đáp ứng đảm bảo yêu cầu sản xuất phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp năm 2013.

Quảng Trị: các hồ lớn chưa tích đủ nước

Công ty Khai thác, quản lý công trình thủy lợi Quảng Trị cho hay đến ngày 3-12, còn đến 9 trong tổng số 12 hồ chứa thủy lợi lớn của tỉnh vẫn chưa tích đủ nước. Trong số đó, hồ chứa nước Đá Mài (Cam Lộ) mới chỉ tích được 58% tổng dung tích. Tám hồ còn lại chủ yếu mới đạt từ 70-80% tổng dung tích thiết kế. Ông Nguyễn Duy Thông, giám đốc công ty này, nói đây là lần đầu tiên trong nhiều năm nay xảy ra tình trạng khan hiếm nước ngay giữa mùa mưa lũ. Từ đầu mùa mưa đến nay trên địa bàn tỉnh không có đợt mưa nào đủ lớn và cũng không có nổi một trận lụt nào để cung cấp đủ nước cho các hồ chứa.

Thừa Thiên - Huế: lúa có nguy cơ thiếu nước

Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Thừa Thiên - Huế khẳng định hiện tất cả hồ thủy lợi, thủy điện trong tỉnh đều đang thiếu nước nghiêm trọng. Mực nước ở hai hồ chứa lớn nhất tỉnh là thủy điện Bình Điền và Hương Điền chỉ trên mực nước chết. Ông Phan Thanh Hùng, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão Thừa Thiên - Huế, nói lượng mưa năm nay thấp nhất trong mười năm qua. Nếu từ nay đến cuối tháng 12 mà không có trận lũ nào thì 20.000ha lúa phải đối mặt với nguy cơ mất mùa.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên