Khoảng 13,2 ngàn thanh ray dài 25m đang nằm đắp chiếu vì dự án dở dang - Ảnh: BN
Dự án nghìn tỉ không hiệu quả
Sau khi dự án dừng đầu tư năm 2011 do chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ thời điểm đó, hơn 13,2 ngàn thanh ray, 16 ngàn thanh tà vẹt, hàng tấn phụ kiện bulông, ốc vít, trị giá khoảng 350 tỉ đồng, nằm đắp chiếu tại nhiều nhà ga trên tuyến suốt 9 năm qua.
Với ngân sách đã đổ vào dự án khoảng 4.300 tỉ đồng, đến nay mỗi ngày trên tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân chỉ có vài chuyến tàu hoạt động. Việc kinh doanh, khai thác tuyến đường sắt này những năm qua liên tục thua lỗ.
Trước đó, năm 2005, Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án đường sắt làm chủ đầu tư dự án nâng cấp và đầu tư mới tuyến đường sắt dài 130km này, trong đó có 90km nâng cấp cải tạo và 40km đầu tư mới hoàn toàn theo chuẩn quốc tế, khổ 1.435mm, tốc độ chạy tàu 120km/h, tổng vốn đầu tư khoảng 7.600 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Đướng sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân là điển hình cho dự án đầu tư công không hiệu quả - Ảnh: BN
Dừng dự án mới thanh lý được thiết bị, phụ kiện thừa
Để xử lý hàng nghìn tấn vật liệu dư thừa, lãng phí sau khi dự án bị ngừng, nhằm thu hồi vốn cho Nhà nước, Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng phương án xử lý vật tư thiết bị đã mua sắm nhưng chưa sử dụng vào công trình đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Trước đó, Bộ GTVT đã đề xuất Thủ tướng phương án sử dụng số ray, ghi, tà vẹt, các loại phụ kiện liên kết đã mua sắm của dự án này vào các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Ban Quản lý dự án đường sắt thì đề xuất bán chỉ định số lượng vật liệu này theo đơn giá bàn giao.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân là dự án sử dụng ngân sách nhà nước, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì hàng nghìn tấn vật tư, thiết bị thừa này là tài sản công.
Và tài sản công chỉ được thanh lý sau khi dự án kết thúc. Dù đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã dừng thực hiện năm 2011 nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa quyết định kết thúc dự án.
Cảnh đìu hưu tại một nhà ga tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân - Ảnh: BN
Việc bán chỉ định tài sản công, chỉ áp dụng với các tài sản có giá trị dưới 250 triệu đồng/đơn vị tài sản, theo Bộ Tài chính là có thể giúp tránh được tình trạng lãng phí vật tư, thiết bị.
Tuy nhiên, đề xuất này thiếu căn cứ pháp lý và có thể xảy ra thất thoát nếu không thu hồi được theo giá trị ngân sách đã bỏ ra để mua. Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng khẳng định hiện không có căn cứ pháp lý để thực hiện việc bán chỉ định số vật tư, thiết bị khi dự án chưa kết thúc.
Bộ Tài chính do đó kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT đánh giá hiệu quả đầu tư dự án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định phương án tiếp tục triển khai hay dừng dự án. Trường hợp dừng đầu tư, Bộ GTVT phải làm thủ tục kết thúc dự án làm căn cứ để thực hiện thanh lý tài sản.
Ông Phạm Minh Khôi, trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: Tổng công ty được giao tiếp nhận hàng nghìn tấn vật liệu, thiết bị chưa sử dụng tại dự án, khi tiếp nhận tổng công ty sẽ kiểm đếm lại số lượng ray, tà vẹt, phụ kiện, thuê đơn vị tư vấn kiểm định đánh giá lại chất lượng và định giá trước khi lên phương án sử dụng.
Ray thừa có thể sử dụng cho cải tạo đường sắt Hà Nội - TP.HCM nhưng tà vẹt thì không sử dụng được vì đó là tà vẹt lồng, khổ đường sắt 1.435mm trong khi khổ đường sắt Hà Nội - TP.HCM là 1.000mm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận