18/09/2013 09:20 GMT+7

Khi trẻ có khó khăn trong học tập

BS HOÀNG VŨ QUỲNH TRANG (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM)
BS HOÀNG VŨ QUỲNH TRANG (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM)

TT - Gần đây, tại khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM có lúc quá tải vì nhiều phụ huynh ở TP.HCM và các tỉnh đưa trẻ có khó khăn trong học tập đến để xin được cấp giấy chứng nhận cho điều này.

n5D8qqy3.jpgPhóng to
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang tham vấn giải pháp trị liệu cho trẻ chậm phát triển ở khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Tuy nhiên, sau khi có giấy chứng nhận, việc quan trọng vẫn là hỗ trợ trẻ được trị liệu đúng.

Vì sao trẻ gặp khó khăn?

"Nhiều trẻ được đề nghị đến bệnh viện khám và cấp giấy chứng nhận do có khó khăn trong học tập như không tập trung, không làm theo lời thầy cô, lăng xăng hay nói năng chưa phù hợp... Một số phụ huynh cho biết nếu không xin được giấy xác nhận trẻ chậm phát triển, nhà trường sẽ không nhận trẻ vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp học, nhà trường"

Lý do trẻ gặp khó khăn trong học tập cần được tìm hiểu kỹ vì có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước tiên là bệnh sử y khoa của trẻ, như một trẻ sinh ngạt, có tiền căn chậm đi và chậm nói sẽ là yếu tố góp phần trong sự phát triển của trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng hay có bệnh mãn tính (như suyễn hay tim bẩm sinh, đái tháo đường) cũng ảnh hưởng trực tiếp kết quả học hành. Một điểm quan trọng khác là cần tìm hiểu trẻ nghe có tốt không, có tiền căn viêm tai giữa mãn không, thính lực hay thị lực của trẻ có phù hợp để nghe bài giảng và học tốt không. Tiếp theo, một số trẻ cần được đánh giá để có chẩn đoán rối loạn tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, tăng động giảm chú ý, bại não hay động kinh kèm theo. Ngoài ra, về tâm lý, có một số trẻ chưa sẵn sàng với các nội quy trường lớp cũng khiến trẻ gặp khó khăn trong học tập.

Hoàn cảnh sống của trẻ cũng góp phần quan trọng cho việc chẩn đoán và can thiệp khi trẻ gặp khó khăn trong học tập, như gia đình nghèo khó, cha mẹ nghề nghiệp không ổn định - ít học... Cha mẹ ly dị và mất mát người thân cũng là yếu tố góp phần tác động đến khả năng học tập của trẻ.

Môi trường học tập ở trường lớp và cộng đồng cũng ảnh hưởng đáng kể. Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận một nam sinh 11 tuổi, bị đề nghị tự nghỉ học do có dao trong cặp. Em này vì quá nhút nhát nên bị ép phải mang dao vào trường để thanh toán một bạn khác trong trường, nhưng em không thể giải thích với ban giám hiệu và thầy cô vì quá sợ hãi. Ở trường hợp này, việc cấp giấy chứng nhận không chỉ giúp em được tiếp tục học, mà còn mang lại cơ hội cho em được thầy cô và mọi người thông hiểu...

Chọn cách hòa nhập tốt nhất cho trẻ

Với đề nghị từ giấy chứng nhận, trẻ sẽ được đến trường, được vào lớp và quan trọng nhất là trẻ cần cha mẹ, thầy cô hỗ trợ chương trình học phù hợp: học chuyên biệt hay hòa nhập hay phổ cập. Trẻ chậm phát triển trí tuệ, tùy theo nguyên nhân và mức độ chậm, khả năng tự lập và thích nghi cũng như khả năng sự hợp tác của gia đình, trẻ sẽ tiếp tục học tiểu học hòa nhập với chương trình cá nhân kết hợp để giúp đuổi kịp các lĩnh vực chưa phù hợp. Hoặc trẻ học chuyên biệt một thời gian để được can thiệp giáo dục cá nhân tích cực kết hợp với các chuơng trình can thiệp hỗ trợ liên quan, như âm ngữ, hoạt động trị liệu và kỹ năng xã hội để giúp trẻ mau hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, với trẻ tự kỷ, trẻ cần được đánh giá mức độ giao tiếp, chỉ số thông minh để biết tiên lượng và chọn hình thức học tập cho trẻ. Nếu trẻ chưa nói hoặc nhai chưa tốt cần can thiệp âm ngữ, chưa cầm nắm tốt cần can thiệp hoạt động trị liệu. Nếu trẻ chưa có kỹ năng xã hội, khó khăn kết bạn hay có hành vi liên quan giới tính (nhất là ở trẻ vị thành niên), cha mẹ cần tham gia sinh hoạt các hoạt động phụ huynh có trẻ tự kỷ để có kỹ năng tiếp cận, giúp trẻ cải thiện các vấn đề kể trên. Nếu trẻ được chẩn đoán tăng động giảm chú ý, thuốc và can thiệp tâm lý - giáo dục đặc biệt cần được thực hiện song song. Nếu nguyên nhân khó khăn trong học tập của trẻ liên quan đến tình trạng gia đình, bị bạn bè bắt nạt hay trẻ chưa đủ tự lập để đến trường, sự can thiệp tiếp theo cần được bàn bạc chặt chẽ với cha mẹ hay người chăm sóc để tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ.

Qua giấy chứng nhận trẻ gặp khó khăn trong học tập, cha mẹ và thầy cô hiểu trẻ gặp những khó khăn gì và sẽ có cách can thiệp phù hợp, rút ngắn khoảng cách giữa tuổi phát triển và tuổi thật của trẻ, giúp trẻ được hòa nhập xã hội tốt nhất, làm giảm nhẹ các vấn đề như trẻ học không tiến bộ, bỏ học, tệ nạn xã hội ở trẻ vị thành niên...

“Hỗ trợ trẻ tự kỷ thích nghi với học đường và cộng đồng”

Đây là chuyên đề do BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, và chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tuyết Vân trình bày tại Bệnh viện Phụ sản Mekong, 243A Hoàng Văn Thụ, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM, từ 8g30-11g30 ngày 28-9. Thân nhân bệnh nhi có nhu cầu tham dự đăng ký họ tên phụ huynh, địa chỉ email, số người tham dự trước ngày 25-9 qua tin nhắn đến số 0918075373 hoặc gửi email đến hieutretuky@gmail.com.

T.DƯƠNG

BS HOÀNG VŨ QUỲNH TRANG (Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên