08/10/2014 10:00 GMT+7

​Khi Trần Quốc Toản ra quân ở... trường học

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Sáng 7-10 tại Trường tiểu học Lương Ðịnh Của (quận 3, TP.HCM), hai tiết học văn hóa bình thường của một sáng thứ ba được thay bằng một buổi xem kịch lịch sử ngay tại sân trường.

Vở kịch được diễn là Trần Quốc Toản ra quân của sân khấu Idecaf và đối tượng khán giả là hơn 1.000 em học sinh của khối lớp 1 và 2.

Buổi diễn vở Trần Quốc Toản ra quân tại Trường tiểu học Lương Định Của - Ảnh: H.O.
Buổi diễn vở Trần Quốc Toản ra quân tại Trường tiểu học Lương Định Của - Ảnh: H.O.

Tôi vừa hỏi các em học sinh của mình là xem kịch xong thì thích ai, ghét ai. Các em trả lời: Thích Trần Quốc Toản, ghét quân Nguyên. Chỉ nhiêu đó thôi là tôi đã thấy thành công cho một buổi học lịch sử.

Như thế kiến thức lịch sử hay lòng yêu nước sẽ đi vào trí nhớ và tâm hồn của các em một cách tự nhiên và ở lại rất lâu, chứ không như kiểu ép học thuộc lòng

Thầy ĐẠT SỬ (phó hiệu trưởng Trường Lương Định Của)

Sân khấu được dựng ngay vị trí trang trọng nhất của sân trường với đầy đủ phông nền, bục cao, cánh gà và dàn âm thanh lớn.

Toàn bộ diễn viên tham gia vở đều đến từ trước 6g sáng để trang điểm, thay phục trang. Ðạo cụ của vở diễn cũng được chở đến với đầy đủ các loại gươm giáo, bục bệ. Ðạo diễn Vũ Minh và ông bầu Huỳnh Anh Tuấn có mặt từ sớm để chỉ đạo công việc.

Không khí chuẩn bị cho một buổi diễn kịch ở trường học cũng nghiêm túc không kém gì một buổi diễn bán vé ở nhà hát.

Dưới sân trường, khán giả nhí mặc đồng phục, ngồi ngay ngắn thành từng hàng chăm chú theo dõi diễn biến mạch kịch.

Ở lớp diễn quân Nguyên tràn vào làng bắt bớ dân thường, dụ dỗ và ra yêu sách, các em nhỏ nhao nhao hét vang: “Ðồ nói xạo!”, “Ði về nước đi!”... Có em “quá khích” còn tháo dép ra định... chọi lên sân khấu, may mà cô giáo can kịp.

Rồi đại cảnh đánh nhau giữa quân ta và quân địch diễn ra hoành tráng trên sân khấu thì khán giả bên dưới lại vỗ tay và reo hò ầm ĩ, khiến thầy cô giáo ngồi xung quanh cũng bật cười theo.

Ðây không phải là lần đầu tiên nghệ thuật kịch nói được đưa về trường học với mục đích giáo dục. Trước đó sân khấu kịch Hồng Vân cũng đã có những buổi diễn tuyên truyền về các vấn đề như giao thông, môi trường khá thành công.

Riêng sân khấu Idecaf thì chủ trương đi theo mảng kịch lịch sử khá nhiêu khê về kịch bản, dàn dựng, đạo cụ, phục trang...

Khi Idecaf quyết tâm tự lực thực hiện kế hoạch này mà không chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, họ bán vé với giá 40.000 đồng vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần để dù ít dù nhiều có thể xoay xở vốn cho chương trình.

Tuy nhiên khi đưa kịch trực tiếp về trường học, họ chỉ lấy giá 10.000 đồng/vé để trang trải chi phí vận chuyển và một phần thù lao cho các diễn viên.

Sau buổi xem kịch, các em học sinh sinh hoạt nhóm để trình bày cảm nhận của mình về câu chuyện kịch, về các nhân vật. Buổi thảo luận nhóm này diễn ra nhẹ nhàng và cởi mở chứ không phải kiều dò bài khô khan “đáng sợ”.

Ban giám hiệu của trường cũng dự định sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp xem các vở kịch khác của Idecaf như: Huyền thoại Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Lý do của họ là đưa kịch về trường sẽ an toàn hơn là tổ chức cho các em đến nhà hát xem, vì vấn đề an toàn giao thông và an ninh luôn khiến thầy cô và phụ huynh lo lắng.

Sau buổi diễn đầu tiên thành công, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết sắp tới sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều trường khác để đưa vở về diễn. Ðồng thời vở mới Hai Bà Trưng cũng đã bắt đầu lên sàn tập.

Ðạo diễn Vũ Minh đang suy nghĩ thiết kế hai con voi khổng lồ có thể cử động được để thu hút khán giả nhí. Bởi theo như cô bé Gia Hân, học sinh lớp 1/1 Trường Lương Ðịnh Của, lý giải sau khi xem kịch: “Con thích xem kịch vì kịch có hình động đậy và có nhạc rất vui. Trong sách toàn là chữ!”.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên