thống Macron xuất hiện trên màn hình trong cuộc họp trực tuyến về Hội nghị Nhân đạo quốc gia ngày 17-12, sau khi ông đã xác nhận mắc COVID-19 - Ảnh: Reuters
"Tôi khỏe. Tôi vẫn bị các triệu chứng giống ngày hôm qua - trong đoạn clip dài hơn 3 phút công bố ngày 18-12, nhà lãnh đạo Pháp tìm cách trấn an dân chúng về tình hình sức khỏe của ông - Tôi có bị mệt, đau đầu, ho khan như hàng trăm ngàn người dân chúng ta đã và đang bị dính con virus này nhưng tôi vẫn tiếp tục giải quyết các công việc".
Với người dân Pháp, đây là lần đầu tiên một tổng thống tự dùng smartphone quay clip công bố tình trạng sức khỏe của mình trên mạng xã hội, nên thông tin được mổ xẻ kỹ lưỡng cả trên mạng xã hội lẫn trên truyền thông.
Chuyên gia truyền thông chính trị Philippe Moreau Chevrolet cho rằng ông Macron tự biết quay selfie và chọn cách đăng trên Twitter là "mới mẻ trong nền chính trị Pháp" để thể hiện sự gần gũi với người dân.
Nhưng những người gắt gao thì cho rằng cách ông tự công bố thông tin thế này là "làm màu", vì chỉ cần có thông cáo chính thức từ bác sĩ riêng của ông là đủ và đầy sức thuyết phục về mặt chuyên môn. Thậm chí có người trách móc ông quay selfie trong trang phục không được phù hợp với một nguyên thủ.
Ông Macron được công bố dương tính với virus corona vào ngày 17-12 và ngay trong chiều tối hôm đó đã rời Điện Elysée đi dinh thự nhà nước La Lanterne ở Versailles để cách ly trong bảy ngày. Các nguồn tin cho rằng có thể ông đã bị nhiễm trong khoảng tối 14 hoặc ngày 15-12, nhưng cũng có nguồn khác nói ông bị nhiễm trong bữa ăn do Hội đồng châu Âu tổ chức ở Brussels (Bỉ) tối 10-12.
Ông Macron trong đoạn clip nói về tình trạng sức khỏe của mình - Ảnh cắt từ clip
Việc ông bị nhiễm virus corona và có các cuộc gặp gỡ nhiều chính khách châu Âu sau đó (khi ông chưa biết) đã khiến ít nhất 5 lãnh đạo các nước châu Âu phải tự cách ly để đề phòng.
Nhưng với người Pháp, việc ông tổ chức "bữa ăn tối làm việc" vào tối 16-12 và những cuộc họp trên 10 người liên tục trước đó mới là đáng nói. Bữa tối đó quy tụ đến 10 người trong phòng ăn và điều này gây nhiều tranh luận trên truyền thông Pháp.
Những người phản đối cho rằng trong khi chính phủ áp đặt lệnh cấm tụ tập trên 6 người thì các chính trị gia cho mình quyền riêng để tụ tập đông là không làm gương, là "tiêu chuẩn kép". Thiếu gì cách an toàn để hội họp, bàn bạc, đâu cứ phải gặp gỡ "ăn hải sản" như thế...
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ cho rằng vị lãnh đạo phải làm việc và họ tuân thủ tiêu chuẩn giãn cách phòng dịch khi gặp gỡ như thế... Cũng không ít lời bênh vực từ các đồng minh của ông Macron lại như "đổ dầu vào lửa" khi có sự sơ hở.
Ngay cả sự trần tình của ông Macron trong clip cũng bị mổ xẻ. Chẳng hạn có người nói nhà lãnh đạo Pháp nhân chuyện cá nhân mình bị nhiễm để một lần nữa cảnh báo dân chúng về sự lây nhiễm độc hại của virus corona. Ông nhắc nhở: "Chúng ta phải cảnh giác. Chúng ta càng phải phòng vệ cho nhau trong dịp lễ sắp tới".
Để chứng minh rằng con virus vô hình này "không chừa một ai", ông Macron giãi bày rằng bản thân phòng bị rất kỹ lưỡng: "Tôi đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tuân thủ các biện pháp giãn cách, thế mà vẫn nhiễm". Ông nói thêm về nguyên nhân bị nhiễm của mình: "Chắc chắn là có lúc nào đó tôi đã bất cẩn, là lúc xui nào đó".
Chính lập luận này cũng đã bị bắt bẻ bởi nữ nhà báo Gabrielle Cluzel, tổng biên tập trang Boulevard Voltaire. Bà cho rằng lập luận của tổng thống "có mâu thuẫn" vì đã nói phòng bị kỹ nhưng ngay sau đó lại bảo "có lúc nào đó bất cẩn"!
Ở đất nước đặt nguyên tắc hành xử "tự do, bình đẳng, bác ái" lên hàng đầu thì người dân luôn có quyền đòi hỏi nhà lãnh đạo phải hành xử mẫu mực mọi lúc, mọi nơi. Khi đất nước trong hoàn cảnh gần như khủng hoảng vì các biện pháp giới nghiêm, giãn cách thì người dân càng muốn các lãnh đạo chính trị phải đồng hành trong cuộc chiến với họ, bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói hô hào.
Mất điểm
Theo thăm dò dư luận của Hãng Ifop dành cho báo JDD công bố ngày 20-12, có đến 60% người được hỏi "không hài lòng" (tăng 3%) về công việc của Tổng thống Macron và 59% (cũng tăng 3%) không hài lòng với việc điều hành chính phủ của Thủ tướng Jean Castex. Điều này tương đồng độ hài lòng của dân chúng với họ bị giảm đi trong chỉ một tháng, còn lần lượt là 38% và 37%.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của dân chúng với ông Macron vào thời điểm này của nhiệm kỳ được xem là cao hơn so với hai người tiền nhiệm gần nhất là Nicolas Sarkozy (31%) và François Hollande (27%).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận