Phóng to |
"Cung" chưa đáp ứng được "cầu"?
Từ tháng 1-2008 đến tháng 3-2008, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, gần 100 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn 3-5 sao trên địa bàn Hà Nội đã có hai cuộc gặp với các lãnh đạo, nghệ sĩ của 12 nhà hát trung ương, mở ra một cơ hội lớn trong việc hợp tác với các đơn vị du lịch trong nước để phát triển và nâng cao hơn nữa hoạt động biểu diễn theo hướng bảo tồn và lưu giữ tốt nhất vốn cổ truyền thống mà cha ông để lại.
Du khách là đối tượng khán giả "khó tính", họ không có nhiều thời gian để đi xem hết các loại hình văn hóa nghệ thuật của ta mặc dù cũng có nhu cầu khám phá văn hóa bản địa. Vậy mà lịch biểu diễn, chương trình biểu diễn và cả việc đi lại tới các điểm diễn là những vấn đề mà ngành nghệ thuật biểu diễn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.
Có lẽ vì vậy mà đa số khách quốc tế tới Hà Nội gần như chỉ biết tới múa rối nước truyền thống. Ngay cả việc tới xem ở hai nhà hát múa rối nổi tiếng của thủ đô là Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Trung ương cũng đã gặp cảnh khó khăn về đi lại. Nhà hát Múa rối Thăng Long thì phải khổ sở tìm điểm đỗ và để xe. Nhà hát Múa rối Trung ương lại chật vật bởi cảnh ùn tắc giao thông...
Ông Nguyễn Việt - giám đốc Công ty Withus Traval, một công ty chuyên đón khách du lịch Hàn Quốc, nói: "Tôi đã đi nhiều địa điểm du lịch văn hóa nghệ thuật ở các nước như Hàn Quốc, Thái Lan... Họ tổ chức một cách rất qui mô, khu biểu diễn có tính chất hiện đại hơn với đầy đủ các dịch vụ đi kèm, sân khấu được trang thiết bị hiện đại, không gian biểu diễn cũng rất thú vị.
Trong khi ấy khách du lịch đặt chân tới các điểm diễn của ta họ luôn có cảm giác buồn tẻ, khách chỉ tới xem nghệ sĩ biểu diễn và ra về. Khách du lịch không có nhiều thời gian, khách Hàn Quốc của công ty chúng tôi thường chỉ rỗi và thích xem nghệ thuật vào tầm 11-12 giờ đêm nhưng công ty cũng đành bó tay bởi đó là chuyện không thể có ở Việt Nam.
Tiếp thị cho nghệ thuật?
Với sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, lần đầu tiên các nhà hát được khoe các tiết mục độc đáo nhất của đơn vị mình với lãnh đạo chủ chốt của các công ty lữ hành, các khách sạn: hát cửa đình, Ba giá đồng (NH Chèo VN), nhã nhạc cung đình, Ông già cõng vợ đi hội (NH Tuồng TW), hòa tấu nam xuân, Dạ cổ hoài lang (NH Cải lương T.Ư), hát then (NH Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc)...
Ông Lê Văn Lợi - giám đốc Công ty thương mại du lịch Tân Hồng - nói: "Từ trước tới nay khách của chúng tôi thường xem các show diễn có phần chắp vá với các tiết mục chưa thật tiêu biểu. Tại sao chúng ta không thể làm một chương trình tổng hợp các loại hình nghệ thuật như thế này cho du khách tới xem? Vừa đa dạng, vừa đặc sắc và vô cùng chuyên nghiệp! Thay vì phải chạy tới từng đơn vị, từng điểm diễn trong khoảng thời gian eo hẹp du lịch tại nước ta, nếu khách được xem một chương trình tổng hợp như thế này thì thật là thú vị!".
Ngay sau các cuộc gặp gỡ này, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lập một danh sách các công ty lữ hành, các khách sạn trên địa bàn Hà Nội để gửi tới các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, đồng thời phối hợp với Vụ Lữ hành, Vụ Khách sạn tổ chức biên soạn và giới thiệu các chương trình biểu diễn của các nhà hát bằng nhiều thứ tiếng.
Các công ty lữ hành đã và đang xây dựng trong tour du lịch có chương trình xem nghệ thuật biểu diễn. Với những đơn vị có địa điểm biểu diễn và cơ sở vật chất chưa tốt, bộ đã tăng cường giúp đỡ các nhà hát tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng cho khán giả một điều kiện thưởng thức nghệ thuật tốt nhất.
NSND Lê Ngọc Cường - cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng nghệ thuật biểu diễn có rất nhiều tiềm năng, chúng ta có thể khai thác tốt hơn để phục vụ du khách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận