Những nài voi dùng vật sắc nhọn để điều khiển voi khiến những con voi tóe máu ở đỉnh đầu - Ảnh: TRUNG TÂN |
Điểm nhấn của lễ hội là các phần thi voi đá bóng, thi chạy, voi vượt sông...Dưới cái nắng thiêu đốt trên 37 - 380C, hàng ngàn du khách gần xa vẫn trân mình ngồi chờ những chú voi chậm chạp bước vào vị trí ở mỗi phần thi.
Ba ngày lễ hội mang lại không khí vui nhộn cho Buôn Đôn (Đắk Lắk), nhưng cũng làm dấy lên nhiều lo ngại, băn khoăn..
1. Trong phần thi chạy, một số con voi quá già tỏ rõ sự mệt mỏi trên đường đua dù nài voi liên tục cầm vật nhọn bằng sắt đâm vào đỉnh đầu voi đến tóe máu.
Thậm chí, một con voi ngã quỵ khi mới chạy được khoảng 10m, buộc phải bỏ cuộc.
Một nhóm những nữ du khách lớn tuổi người Nhật Bản tỏ ra giận dữ khi thấy những con voi bị đánh liên tục bằng vật nhọn vào đỉnh đầu. Những du khách này nói họ cảm thấy những chú voi bị đối xử quá tàn nhẫn.
“Tôi không hiểu việc huấn luyện và điều khiển voi phải như thế nào nhưng máu trên đỉnh đầu những con voi túa ra thật quá đau xót, rất đáng sợ” - một du khách nói.
Do không được thường xuyên bơi lội, một số voi bỏ cuộc trong phần thi voi vượt sông - Ảnh: Trung Tân |
2. Trong chiều 13-3, phần thi voi vượt sông diễn ra muộn hơn dự kiến vì nước ở thượng nguồn chưa chảy kịp về bến Tha Luống (Bến Vua) - nơi tổ chức thi. Một lãnh đạo của Nhà máy thủy điện Sêrêpốk 4 - đơn vị xả nước - cho biết nhà máy đã xả tổng lượng nước khoảng hai triệu mét khối để phục vụ phần thi này.
Có 12 con voi tham gia phần thi nhưng có đến ba con bỏ cuộc khi nước vừa đến mang tai. Các nài voi lý giải: do lâu ngày voi không được thường xuyên bơi lội nên khi vừa xuống sông đã nhát nước và quay lại.
Anh Y Kế - nài (điều khiển) của voi Khăm Goi (voi số 10) - đạt giải nhất cuộc thi chạy - cho biết từ khi được bắt ở rừng về, voi bị buộc chân nhiều tháng trong rừng để thuần dưỡng.
Các nghệ nhân phải dùng nhiều dụng cụ - trong đó có vật nhọn có ngạnh sắc - để đâm vào vào đỉnh đầu, hai bên tai để điều khiển voi đi, quỳ, hoặc dùng ngạnh sắc kéo vào mang tai voi để điều khiển voi bước qua phải, qua trái.
“Khi chở khách mình chỉ đâm nhẹ để điều khiển voi, nhưng khi thi đấu thì phải đâm mạnh để voi sợ mà chạy nhanh” - anh Y Kế cho biết.
3. Cuối cùng, điều được báo động từ lâu là những chú voi đã quá già, không biết có thể tham gia được mấy mùa lễ hội nữa, trong khi không có thế hệ “kế thừa”.
Ông Y Shi Thắt K’sor - phó chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn - chia sẻ “đó là một nỗi lo”. Theo ông, voi nhà ở Buôn Đôn đã lớn tuổi và bị vắt kiệt sức vì du lịch nên khả năng sinh sản không còn. Hơn nữa, du khách đến Buôn Đôn chính là để thấy voi, cưỡi voi. Hết voi ai còn muốn đến Buôn Đôn?!
“Hiện nay Nhà nước cấm săn bắt voi rừng vì công tác bảo tồn. Tuy nhiên tôi cho rằng cần có cơ chế riêng cho những nghệ nhân bắt 1 đến 2 cặp voi rừng trẻ về thuần dưỡng thành voi nhà để phát triển đàn. Điều cần kíp nhất vẫn là Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk phải nhanh tay hơn nữa” - ông Y Shi Thắt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận