19/07/2012 08:53 GMT+7

Khi nào công ty được cho người lao động thôi việc?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)

TTO - * Người lao động có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không thời hạn, ngày 1-6 nhận được thông báo công ty sẽ giải quyết chế độ mất việc làm chậm nhất đến ngày 15-6. Công ty ra thông báo như vậy có vi phạm thời gian báo trước không?

Trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) báo trước đúng thời gian thì trong những ngày nghỉ do NSDLĐ không bố trí việc làm, người lao động (NLĐ) được trả lương như thế nào? Nếu NSDLĐ không báo trước (như ví dụ trên) thì từ 16-6 đến 15-7 NLĐ được trả lương như thế nào?

Công ty đang sử dụng thang lương bảng lương nhà nước để đóng BHXH nhưng lương thực nhận lại theo phương án trả lương của công ty, vậy NLĐ được trả lương trong những ngày nghỉ như trên được thanh toán theo mức lương nào?

(Trần Vân Châu)

- Theo quy định tại Điều 17 Bộ luật lao động (BLLĐ):

1. Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà NLĐ đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì NSDLĐ có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho NLĐ thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương.

2. Khi cần cho nhiều người thôi việc theo khoản 1 Điều 17 BLLĐ, NSDLĐ phải công bố danh sách, căn cứ vào nhu cầu của doanh nghiệp và thâm niên làm việc tại doanh nghiệp, tay nghề, hoàn cảnh gia đình và những yếu tố khác của từng người để lần lượt cho thôi việc, sau khi đã trao đổi, nhất trí với ban chấp hành công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp theo thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 38 của BLLĐ. Việc cho thôi việc chỉ được tiến hành sau khi đã báo cho cơ quan lao động địa phương biết.

Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP, ngày 18-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về việc làm quy định những trường hợp được coi là thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 BLLĐ gồm:

1. Thay đổi một phần hoặc toàn bộ máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ tiên tiến có năng suất lao động cao hơn.2. Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm dẫn đến sử dụng lao động ít hơn.3. Thay đổi cơ cấu tổ chức: sáp nhập, giải thể một số bộ phận của đơn vị.

Theo quy định tại Điều 41 Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 18-4-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp:

1. Thời gian NLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật BHXH không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Thời gian NLĐ thực tế làm việc theo các bản hợp đồng lao động với NSDLĐ mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động hiện hành.

Căn cứ theo quy định trên, trường hợp công ty bạn do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ đúng theo quy định Điều 11 Nghị định số 39/2003/NĐ-CP, mà dẫn đến việc NLĐ đã làm việc thường xuyên trong công ty từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì công ty phải có trách nhiệm đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới thì mới phải cho NLĐ thôi việc và phải trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ (NLĐ chỉ được trợ cấp mất việc làm trong thời gian làm việc mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp; còn trong thời gian NLĐ làm việc mà đã đóng bảo hiểm thất nghiệp thì NLĐ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật BHXH).

Trường hợp công ty bạn cho nhiều NLĐ thôi việc với lý do như nêu trên thì bắt buộc công ty phải trao đổi và được sự nhất trí của ban chấp hành công đoàn cơ sở trong công ty. Và công ty chỉ được quyền tiến hành cho NLĐ thôi việc sau khi đã báo cho cơ quan lao động địa phương biết.

Còn trường hợp công ty bạn cho NLĐ thôi việc mà không thuộc trường hợp hoặc không đúng trình tự thủ tục được quy định tại Điều 17 BLLĐ, thì công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trái luật. Căn cứ các Điều 157, 158, 166 BLLĐ, NLĐ có quyền khởi kiện công ty yêu cầu tòa án nơi công ty có trụ sở giải quyết tranh chấp lao động về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Theo quy định tại Điều 41 BLLĐ, nếu đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, công ty buộc phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường cho NLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày NLĐ không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).

Tiền lương, tiền công làm căn cứ tính bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật là tiền lương, tiền công theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi sự việc xảy ra, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có).

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP(Văn phòng luật sư Gia Thành)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên