![]() |
Hình minh họa |
... những người mẹ, có thể nói đã xem con cái mình theo kiểu: Nuôi lớn rồi thảy đi với mục đích nhận lại một lợi ích vật chất nào đó, để cải thiện cuộc sống của những người còn lại chứ không hẳn chỉ là để trao cho con một cuộc sống hạnh phúc.
Và đây là câu chuyện của nhà tôi.
Nhà tôi có sáu anh chị em. Ba tôi ngày xưa đi làm, mẹ tôi ở nhà. Ba tôi từng có lúc chất đầy tiền trong tủ, nhà tôi có tới bốn người làm nhưng hình như lúc nào mẹ tôi cũng kêu thiếu thốn.
Khi ba tôi già yếu, không làm ra tiền nữa, ông lập tức bị hắt hủi. Mẹ tôi khinh thường ông, rồi bà không ngừng tiêm những ý tưởng đó vào đầu óc các con.
Mà gia đình tôi thì trước đó không nghèo. Ba tôi từng cưu mang ông bà ngoại, các anh chị em bên vợ. Nuôi các cháu bên ngoại ăn học trong nhà, chu cấp cho cả chồng vợ các anh chị em bên vợ, thậm chí trả nợ nhiều lần cho nhà vợ.
Mẹ tôi từng học hết trung học, từng đi làm. Hai mươi sáu tuổi về làm vợ cùng tình yêu dành cho ba tôi. Từng từ bỏ quá khứ đi làm về là đi hái rau, nuôi heo, cắt cỏ cho bò để trở thành người phụ nữ trên nhung dưới lụa trong sự yêu chiều của chồng.
Thế mà ở tuổi 65, khi ba tôi không còn làm ra tiền được nữa, ông lập tức bị vắt chanh bỏ vỏ.
Người thay ba tôi cáng đáng gia đình là chị gái giữa.
Dĩ nhiên chị không thể kiếm tiền giỏi bằng ba dù đã ra đời buôn bán từ tuổi 12. Tôi biết chị luôn mệt mỏi vì những đòi hỏi tiền bạc để phụ cấp cho thói mua sắm vô tận của mẹ.
Mỗi tuần đi làm rã rời về nhà, câu đầu tiên chị nghe khi gặp mẹ là tiền.
Rồi những câu nói càng quá đáng hơn của mẹ: "Con người ta nứt mắt ra là biết kiếm tiền mang về cho cha mẹ. ba cái tiền lẻ nầy hổng đủ cho tao đi nửa vòng siêu thị. Phải nhiều hơn nữa...".
Khi ba tôi tự vào một nhà dưỡng lão thì chị giữa không về nhà nữa. Chị giận run khi vừa về đưa xấp tiền, mẹ tôi giựt lấy - đập vào háng với một câu nói rất tục, mà thôi, đừng trích ra đây.
Khi đó, tôi lơ mơ nghĩ rằng những đòi hỏi mua sắm, những thói quen bức bách về tiền đã khiến mẹ tôi mang một chứng bệnh tâm thần, bà hành xử không thể kiểm soát và chẳng mảy may ý thức về điều sai lẽ trái.
Năm đó đang có những suất đi lao động ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Giữa xóm tôi có bốn chị em nhà nọ lần lượt lấy chồng Đài. Các ông nầy sau đó còn theo vợ về Việt Nam làm ăn. Họ mua đất xây biệt thự..
Cứ mỗi lần đi ngang cái biệt thự ấy là mẹ tôi lại chửi. Rồi bà nhờ ông hàng xóm có máu mặt lo cho tôi, thằng con trai út, một suất đi Hàn hay Đài làm trên tàu cá. Tôi bị bà ép đi học ngoại ngữ mà ngơ ngơ ngác ngác. Còn mẹ tôi quyết liệt: "Bao nhiêu người sang Hàn, sang Đài làm giàu, tiền gởi về quá chừng. Mầy phải cho bằng với người ta".
Cũng có sự thật như thế, xóm tôi có mấy nhà có con đi hợp tác lao động sang Đài, sang Hàn, con lớn đi trước, con kế đi sau. Chừng một năm là cha mẹ ra đường vênh váo: Tụi nó gởi tiền về nhiều lắm.
Khi thấy những hàng xóm đi khoe như thế, mẹ tôi càng kiên quyết. Bà ra lệnh cho tôi: "Lo cho mày cũng là lo cho tao. Phải biết trả hiếu nghe không".
Cũng may còn một tuần nữa là tôi có lịch đi làm trên tàu cá thì báo chí loan tin vụ thuyền viên Việt bị ngược đãi, thậm chí phải nhảy xuống biển, chọn sự liều chết để giữ lại mạng sống.
Chị tôi mang tờ báo về, mẹ tôi chưa bao giờ đọc báo, bà nạt: Báo chí vu khống, phim chiếu nước người ta văn minh lịch sự như vậy, làm gì có chuyện đánh đập hà khắc.
Chị giữa bảo tôi đi theo chị, no đói có nhau. Chị không cho em mình bán mạng nơi xứ người như thế.
Từ đó, mẹ coi chị em tôi như kẻ thù. Bà luôn kể với hàng xóm, bà con họ hàng rằng chúng tôi là những đứa con bất hiếu.
Cũng đã rất nhiều năm trôi qua. Mẹ tôi đã già yếu đi nhiều nhưng tính hám tiền của bà vẫn không ngừng lại. Hứng lên bà vẫn nói: "Tại con quỷ kia cản đường, thằng út không đi nước ngoài làm giàu được. Nhà mới khốn khó như vầy".
Còn chị giữa của tôi khi nhắc đến mẹ chị luôn thờ ơ. Tôi luôn cố đưa chị về với mẹ nhưng chị cứ phủi: "Mẹ chỉ coi con cái như cái máy rút tiền thôi". Chị chỉ muốn sống bình an.
Đây là câu chuyện được bạn đọc TR.H. (chúng tôi đã viết tắt tên) kể lại và gửi email đến TTO sau khi đọc bài viết Cô dâu Việt bị sát hại, vì coi con gái là "tài sản"? Bạn đọc có thể chia sẻ những câu chuyện của mình với mục Tâm sự của Tuổi Trẻ Online. Bạn cũng có thể gửi những ý kiến, bình luận về những câu chuyện, vấn đề quan tâm qua email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận