13/04/2014 08:05 GMT+7

Khi lợi ích bị đe dọa...

HOÀNG THẮNG
HOÀNG THẮNG

TT - Mỹ nói nhiều về “xoay trục” sang châu Á. Nhưng cuối tháng 4 này, khi tới đây ông Obama sẽ chứng kiến những dấu hiệu cho thấy các quốc gia trong vùng đang xích lại gần nhau hơn để tự hoạch định chiến lược cho mình.

Trung Quốc lại làm nóng Biển Đông Việt Nam viện trợ khẩn cấp 100.000 USD cho Philippines“Hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp và vô giá trị”

7P0ihbGO.jpgPhóng to
Người Philippines biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati ngày 2-4 - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters vừa cho biết hải quân Philippines sẽ giao lưu với hải quân Việt Nam trên đảo Song Tử Tây vào tháng 6 tới đây, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác giữa hai nước. Bản tin đánh giá đây là biểu tượng mới cho sự gắn bó giữa hai nước thành viên ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng lấn lướt trên biển Đông.

Việt Nam và Philippines là hai quốc gia “đứng mũi chịu sào” nhiều nhất trước những tuyên bố của Trung Quốc về biển đảo tại biển Đông. Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế từ Viện Lowy (Úc) Rory Medcalf cũng đưa ra nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng rõ ràng ở đây, và xu hướng này chắc chắn sẽ gia tăng”.

Nhưng việc thắt chặt quan hệ Việt Nam - Philippines sẽ có hiệu ứng tích cực nào đến toàn bộ tiến trình liên kết giữa 10 nước ASEAN trong cuộc đấu với Bắc Kinh, để “đại quốc” chịu ngồi xuống bàn về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) trong tương lai gần? Điều này dư luận chưa dám đoan chắc!

Các nhà ngoại giao và giới chuyên gia ở đây đồng ý bang giao Việt Nam - Philippines là một phần trong mạng lưới các mối quan hệ đang phát triển ở châu Á, khi các nước trong khu vực một mặt quan ngại về sức mạnh của Bắc Kinh gia tăng, mặt khác hoài nghi về cam kết của Washington ở khu vực.

Tuy nhiên, sau những phản ứng mới đây nhất của Indonesia và Malaysia đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên biển Đông, dư luận nhận ra rằng chỉ khi nào lợi ích an ninh sát sườn bị đe dọa, các thành viên ASEAN mới động đậy. Chủ tịch ASEAN năm nay là Brunei dù rằng có những biểu hiện tích cực, nhưng cũng chưa quy tụ được các nước thành viên thành một khối trên con đường “vạn dặm” hướng tới một COC theo đúng nghĩa.

Các nhà hoạch định chiến lược từ Washington hẳn đang “an tâm trong sốt ruột” khi rà soát lại lần cuối chương trình công du của ông Obama tới bốn nước Philippines, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc cuối tháng này. Đây là chuyến đi được nhiều nước châu Á quan tâm, và chờ xem những hành động cụ thể gì từ Mỹ.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tại Nhật vừa qua về việc Mỹ sẽ triển khai thêm hai tàu chiến tên lửa đến Nhật vẫn bị đánh giá rằng chỉ là trình diễn hơn là thực chất. Dù sao mặc lòng vẫn phải thừa nhận đây là sự trình diễn khá ngoạn mục về sức mạnh quân sự với việc triển khai tàu chiến hay máy bay loại hiện đại nhất.

Nhưng liệu điều này có đủ đảm bảo Mỹ đang hỗ trợ các đồng minh của mình và làm các nước khác tin rằng Mỹ đủ khả năng kiềm chế Trung Quốc về quân sự thì vẫn còn là câu chuyện dài nhiều tập. Một sự chuyển dịch chiến lược của Mỹ về châu Á không chỉ đơn thuần là “xoay” về mặt quân sự, mà còn phải bao gồm cả về kinh tế, giáo dục lẫn văn hóa và biến đổi khí hậu.

Nhật ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc

Ngày 11-4, Ngoại trưởng Fumio Kishida khẳng định Nhật ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Hội đồng trọng tài quốc tế về những yêu sách phi lý của nước này trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Theo Kyodo, bên lề hội nghị giải giáp hạt nhân cấp bộ trưởng ở Hiroshima, ông Kishida và Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario cũng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biển trong bối cảnh cả hai quốc gia đang cùng có tranh chấp chủ quyền biển với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và biển Đông. “Philippines theo đuổi giải pháp hòa bình trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bằng cách đệ trình hồ sơ kiện lên Hội đồng trọng tài của Liên Hiệp Quốc là đã làm theo luật pháp quốc tế” - Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Kishida.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc ở Mỹ Thôi Thiên Khải đang xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sau chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đến Bắc Kinh. Ông Thôi cho rằng Bộ trưởng Hagel đã trao đổi rất thẳng thắn với người đồng cấp Thường Vạn Toàn và cuộc gặp giữa hai bên không phải là một việc xấu, mà có thể đây là một sự kiện rất tốt.

Tại Viện Hòa bình của Mỹ hôm 10-4, đại sứ Trung Quốc cũng cho rằng Bắc Kinh và Washington sẽ tăng cường liên lạc và có thêm những trao đổi quân sự với nhau. Song ông Thôi nhấn mạnh không có sự nhượng bộ về tính toàn vẹn lãnh thổ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Vị đại sứ này cũng kêu gọi Washington tôn trọng những lợi ích của Bắc Kinh trong vấn đề trên.

HOÀNG THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên