30/08/2020 08:58 GMT+7

Khi lâm tặc thành người giữ rừng

CAO ĐIỀU
CAO ĐIỀU

TTO - Có những cách thay đổi hiện trạng rất đơn giản, nếu người ta thực sự muốn làm. Đó là câu chuyện đã xảy ra ở Campuchia.

Khi lâm tặc thành người giữ rừng - Ảnh 1.

Tổ chức Ibis Rice thu mua lúa ở làng Tmatboey (Campuchia) để đổi lại việc người dân bảo vệ chim ở khu bảo tồn động vật hoang dã Kulen Promtep - Ảnh: IBIS

Cứ vào cuối tháng 10 hằng năm, những chiếc xe tải lại bắt đầu lầm lũi tiến vào làng Tmatboey thuộc vùng đồng bằng heo hút phía bắc Campuchia. Ở đây có hàng trăm nông dân trồng lúa, như lão nông 70 tuổi Nhem Siphan, sẽ phải cân bán những thứ có được từ vụ mùa vừa thu hoạch.

Cũng như ở nhiều nơi khác, người nông dân luôn chịu thiệt. Thương lái hiểu rõ vị thế "trên cơ" của mình nên mặc sức thao túng giá cả, chê bai tối đa chất lượng nông sản hoặc tìm cách thương lượng lại giá cả khi hợp đồng đã đến hạn.

Tôi khởi đầu với chỉ đôi tay và cái cuốc, bây giờ tôi có một con bò và một chiếc máy xới. Ibis Rice đã thay đổi cuộc đời tôi hoàn toàn.

Bà Phet Aet, mất chồng 10 năm trước, từng nghĩ phần đời còn lại phải đi làm thuê

Nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời"

Lão nông Siphan kể với Hãng tin Reuters rằng đa phần nông dân đều cần tiền, tiền mặt để trang trải cuộc sống hằng ngày, để trả nợ phân giống của vụ mùa vừa thu hoạch nên họ phải bán cho thương lái với giá chẳng lời lãi bao nhiêu. Những người không chấp nhận mức giá thì cũng gọi là "đánh đu" với thị trường. 

Không bán cho thương lái vào thu mua thì họ phải tự chở sản phẩm đi bán. "Bán cho ai? Chợ bao xa? Chúng tôi có thể chở bao nhiêu tấn gạo bằng xe bò? - lão nông Siphan kể về tình cảnh nhiều năm của họ - Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc bán ngay".

Trong suốt nhiều năm, những người dân làng Tmatboey phải tìm cách tăng thêm thu nhập bằng cách khai thác thêm từ khu bảo tồn động vật hoang dã Kulen Promtep: chặt cây cối làm xe bò để bán, phá rừng mở rộng đất trồng lúa hoặc săn bắt thú rừng dù đây được đánh giá là các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Thế rồi cơ hội đổi thay đến từ tổ chức Ibis Rice do Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ) thành lập vào năm 2009. Lão nông Siphan là một trong số khoảng 1.500 nông dân bắt tay hợp tác với Ibis Rice làm việc theo "định hướng đạo đức": Ibis Rice đứng trung gian đảm bảo giá cả thu mua nông sản ổn định cho những người nông dân chấp nhận lối sống "thân thiện với động vật hoang dã", tham gia tuần tra bảo vệ rừng chống bọn săn trộm và lâm tặc, và trồng cấy không hóa chất.

"Cuộc sống của tôi chưa bao giờ đỡ khổ như vầy - lão nông Siphan kể khi tiếp chuyện nhà báo ngay dưới ngôi nhà sàn ngăn nắp, gọn gàng của mình - Giờ tôi chỉ phải lo thời tiết cho vụ mùa tốt đẹp".

Dự án với Ibis Rice được thực hiện tại ba khu bảo tồn ở phía bắc tỉnh Preah Vihear của Campuchia và hiện đang mở rộng sang các điểm nóng về khai thác gỗ bất hợp pháp khác. Ông Nicholas Spencer, giám đốc điều hành Ibis Rice, khẳng định họ chọn điểm khó để tiến hành dự án, bởi "có thể rất phức tạp nhưng xét cho cùng thì đó là cách trả lời duy nhất" để ngăn nạn phá rừng đang hoành hành.

Rừng đã trở lại

Dự án Ibis Rice đã đem lại hiệu quả rõ ràng: rừng trở lại trên những cánh đồng lúa từng bị người dân khai khẩn và cả những loài thú tưởng đã biến mất cũng đang quay trở lại dưới sự bảo vệ của chính những người nông dân.

1/4

là phần diện tích cây rừng bị mất đi ở Campuchia trong khoảng năm 2001-2018, theo dữ liệu vệ tinh của Global Forest Watch.

Ông Spencer giải thích về cách làm của họ: "Chúng tôi tìm thị trường ngách của mình là những người tiêu dùng quốc tế có ý thức về sức khỏe, đi du lịch nhiều". Họ đã vạch ra kế hoạch tăng gấp đôi mức 1.200 tấn lúa đã mua trong năm ngoái và sẽ mở rộng thị phần thêm sang các nông sản khác như hạt điều và sắn.

Sau những chật vật ban đầu để tìm chỗ đứng trên thị trường, Ibis Rice giờ đã tự tin dự kiến ​​sẽ có lãi trong năm 2020. "Vấn đề bây giờ không phải là thị trường mà là sản xuất - đào tạo đủ nông dân để sản xuất chất lượng, được chứng nhận và tuân theo các quy tắc" - ông Spencer kết luận.

Thực tế cũng không hề đơn giản khi thay đổi thói quen từ nhiều năm của nông dân. Ông Sopheak Phearun, một nhà nông học của tổ chức từ thiện môi trường Sansom Mlup Prey, cho biết có hơn 20 nông dân đã bị buộc rời khỏi chương trình vào năm 2019 vì vi phạm thỏa thuận với Ibis Rice nhưng hầu hết cũng đã quay trở lại chương trình vào năm 2020, cam kết tuân thủ quy định không phá rừng, trồng lúa kiểu hữu cơ.

Bộ Môi trường Campuchia, vốn bị chỉ trích vì không ngăn chặn được tình trạng tàn phá rừng, nay cũng đã kêu gọi mở rộng mô hình này sang các khu bảo tồn khác.

Bảo vệ rừng… bỏ rừng vì bị nợ lương Bảo vệ rừng… bỏ rừng vì bị nợ lương

TTO - Gần đây, hàng chục cán bộ bảo vệ rừng tại các lâm trường thuộc tỉnh Quảng Bình đã theo nhau bỏ việc. Họ phản ảnh do lương thấp, chi trả lại chậm nên không bảo đảm được cuộc sống.

CAO ĐIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên