20/12/2015 11:27 GMT+7

Khi khán giả muốn Linh và Junsu sẽ đến được với nhau...

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Lắng nghe thị hiếu khán giả, điều chỉnh chuyện "sống - còn", chuyện kịch bản, lớp diễn viên... đang là cách mà các nhà làm phim truyền hình thực hiện những sản phẩm của họ.

Đông đảo bạn trẻ đóng góp ý kiến về kịch bản Tuổi thanh xuân phần 2 trên trang fanpage - Ảnh: ĐPCC
Đông đảo bạn trẻ đóng góp ý kiến về kịch bản Tuổi thanh xuân phần 2 trên trang fanpage - Ảnh: ĐPCC

Đã có trên 1.200 comment góp ý và hơn 12.000 lượt thích sau gần hai tháng nhà sản xuất phim Tuổi thanh xuân kêu gọi khán giả hiến kế cho việc xây dựng kịch bản và ý tưởng phần hai của bộ phim trên trang fanpage. Con số khiến nhà sản xuất Tuổi thanh xuân cũng bất ngờ.

Tầm quan trọng của việc tương tác với khán giả trong các chương trình truyền hình sẽ được mổ xẻ tại một cuộc hội thảo mang tầm quốc tế diễn ra trong Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35 (từ ngày 16 đến 19-12 ở Quảng Bình). Còn ở lĩnh vực phim truyện, một số nhà làm phim Việt đã hướng đến cách làm này trong nhiều năm qua, dù chưa thật sự nhiều phim lên sóng.

“Phần lớn khán giả đều mong muốn Linh và Junsu sẽ đến được với nhau"...

Lắng nghe ý kiến người xem

Có thể xem Nhật ký Vàng Anh - từng phát sóng trên VTV vào năm 2006 - là một trong những bộ phim Việt đầu tiên có sự tương tác cao với khán giả truyền hình. Sau đó có thể kể đến các phim Mùi ngò gai, Dù gió có thổi... Đặc biệt, phim thể loại sitcom như Bộ tứ 10A8, Những phóng viên vui nhộn hay 5S online tương tác rất cao với khán giả.

Những lời nhận xét, phản hồi của khán giả xem phim đăng trên YouTube, Facebook đã giúp các nhà làm phim nắm bắt được thị hiếu để có những điều chỉnh kịp thời trong quy trình sản xuất. Và hầu hết phim này đều thành công nhất định trong việc thu hút khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.

Một ví dụ điển hình khác là phim Dù gió có thổi. Có kịch bản gốc của Hàn Quốc, đường dây câu chuyện đã có sẵn nhưng biên kịch Việt đã rất cố gắng trong việc nêm nếm gia vị cho các nhân vật để ra chất Việt trong từng nhân vật.

Phim Dù gió có thổi.

Ban đầu phim tập trung vào câu chuyện tình yêu của cậu con trai Biệt và Hương Giang do Quý Bình và Vân Trang đảm nhiệm. Tuy nhiên khi phim phát sóng các tập đầu, bà nội (Lê Thiện) và chú Thiện (Anh Tuấn) cùng cặp vợ chồng Tậu (Bình Minh) và Bích Phượng (Lê Khánh) diễn xuất quá tốt, được khán giả yêu mến quá nên nhóm biên kịch phải cùng ngồi lại để viết lại chi tiết kịch bản, thêm đất diễn cho các nhân vật này dù đường dây câu chuyện vẫn giữ nguyên.

Sự tương tác khá chặt chẽ giữa biên kịch và người xem đã giúp Dù gió có thổi luôn nhận được sự quan tâm của khán giả, đi một chặng đường dài đến cả trăm tập phim.

Hiện tại, phần hai phim Cha rơi cũng đang được biên kịch Quý Dũng phát triển đường dây kịch bản. Những ý kiến của người xem trên fanpage “Cha rơi” là cơ sở rất quan trọng để hình thành câu chuyện. Cụ thể như Tâm (Hoàng Oanh) - con gái của ông Toàn (Thái Hòa) - bị ghét vì cư xử không phải phép với cha sẽ khó lòng trụ lại ở phần hai.

Còn ông Định với cách diễn chững chạc, đầy chiều sâu của diễn viên Thành Lộc dù đã bị chết ở phần một nhưng có khả năng sẽ được cài cắm sao cho “sống” lại ở phần hai vì được bà con mê quá xá...

Vũ Ngọc Hoàng Oanh và Thái Hòa trong phim Cha rơi 

Tương tác không khó, khó ở chỗ biên kịch

Từng sang Hàn Quốc - nơi có nền sản xuất phim đề cao sự tương tác với khán giả - để học cách làm phim của nước bạn, đạo diễn Phương Điền chia sẻ:

“Việc tương tác và coi trọng tâm lý khán giả đã phát triển hàng chục năm nay ở Hàn Quốc. Xã hội Việt Nam mình đang phát triển rầm rộ mạng xã hội thì việc tương tác với khán giả đã không còn quá khó khăn.

Ta vẫn có thể làm được, nhưng điều quan trọng là đội ngũ biên kịch của chúng ta phải chắc tay và năng động. Ở Hàn Quốc, người viết kịch bản rất được coi trọng, được quyết định quyền sinh sát các nhân vật. Đạo diễn chỉ đóng vai trò thực hiện phim”.

Rõ ràng tương tác là điều không quá khó. Cái khó của phim Việt nằm ở đội ngũ biên kịch. Với số lượng vài nghìn tập phim ra đời mỗi năm, đội ngũ biên kịch phim Việt đang khủng hoảng về chất lượng và số lượng. Mỗi năm có người viết hai, ba kịch bản phim, mỗi phim dài đến 30 tập.

Vì thế, thời gian đâu để họ có thể lắng nghe và tiếp thu ý kiến của khán giả. Nghe rồi, tiếp thu rồi mà sắp xếp sao cho hay lại là chuyện chẳng dễ dàng. Nhiều đạo diễn than rằng hầu như họ phải nhúng tay khá nhiều vào phần biên kịch để sửa chữa kịch bản cho hợp lý và logic hơn...

Trở lại với Tuổi thanh xuân phần hai, kịch bản phim được chăm chút kỹ một phần bởi bộ phim này là dự án phim hợp tác đình đám của VTV với CJ E&M của Hàn Quốc. Giữa tháng 10 và cuối tháng 11, các nhà làm phim Hàn Quốc đã tới Việt Nam cùng Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC (thuộc VTV) bàn về kịch bản phần hai.

Hiện hai bên đã thống nhất về đề cương kịch bản. Các ý kiến của khán giả đã được gửi đến đội ngũ biên kịch để họ tham khảo trong việc viết kịch bản chi tiết.

Tuổi thanh xuân sẽ làm tiếp phần 2

Nhận xét về những ý kiến trên fanpage Tuổi thanh xuân, ông Đỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - cho rằng: “Phần lớn khán giả đều mong muốn Linh và Junsu sẽ đến được với nhau, hay đều mong Linh quyết đoán hơn trong tình yêu...

Trong số đó, chúng tôi cũng phát hiện một vài ý tưởng chi tiết hơn và khá thú vị. Chúng tôi cảm thấy rất vui vì tình cảm của khán giả dành cho bộ phim. Với những ý tưởng hay, nhóm tổ chức fanpage sẽ có những phần quà tặng khán giả dù ý tưởng đó có được sử dụng hay không”.

Ông Đỗ Thanh Hải cho biết: “Khi đưa ra lời mời gọi, mục đích của chúng tôi là muốn biết mức độ quan tâm của lượng khán giả trên Facebook đối với Tuổi thanh xuân. Dĩ nhiên những ý tưởng, đóng góp về mặt nội dung cho phần hai của bộ phim đều được chúng tôi đón nhận để biết phần lớn khán giả mong muốn bộ phim sẽ diễn biến thế nào. Còn bao nhiêu phần trăm ý tưởng đó được sử dụng thì chúng tôi chưa dám nói trước”.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên