27/05/2024 15:11 GMT+7

Khỉ kéo hàng đàn lúc nhúc vào trường mẫu giáo, cô và trò đều sợ

Một trường mẫu giáo trên đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đang diễn ra cảnh dở khóc dở cười: Số lượng trẻ đến lớp teo tóp dần nhưng khỉ từ rừng tràn vào trường quậy phá lại ngày một đông.

Khỉ tràn vào trường mẫu giáo ở Cù Lao Chàm quậy phá sân vui chơi của trẻ - Ảnh: B.D.

Khỉ tràn vào trường mẫu giáo ở Cù Lao Chàm quậy phá sân vui chơi của trẻ - Ảnh: B.D.

Trường mẫu giáo xã Tân Hiệp nằm trên đảo Cù Lao Chàm, cách thành phố Hội An (Quảng Nam) 20 phút đi ca nô. Trường có diện tích gần 1.000m² với 12 phòng học, nhưng chỉ có 57 trẻ.

Khỉ kéo đàn, đi cầu trượt, tắm hồ cá, giật đồ ăn trong trường mẫu giáo

Đâu cũng thấy khỉ lúc nhúc

Cô giáo Lê Thị Bích Liên - hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Hiệp - nói như mếu: "Mỗi ngày đến trường các cô vừa phải canh trẻ, vừa lo canh chừng… đàn khỉ bởi sơ sểnh mất cảnh giác một chút là đồ đạc bị phá tanh bành".

Theo cô Liên, do trường nằm ngay dưới chân núi, trong khu vực di chuyển kiếm ăn của đàn khỉ hoang dã trên đảo nên khỉ tràn xuống thường xuyên. Tới nay đây là nỗi ám ảnh, không cách gì giải quyết được đối với các cô giáo và bảo vệ nhà trường.

"Hầu như ngày nào cũng có, nhưng nhiều nhất là khung giờ trẻ ăn cơm trưa, rồi tầm 15h chiều khi trẻ uống sữa, tầm 17h tan trường. Hễ nghe thấy mùi sữa, mùi đồ ăn là quanh trường lập tức nghe tiếng lào rào. Chỉ cần nhìn qua khỏi cửa sổ là thấy khỉ tràn xuống từng đàn" - cô Liên nói.

Cù Lao Chàm hiện có 2.000 dân sinh sống tập trung ở một hòn đảo. Trường mẫu giáo Tân Hiệp đóng ở cụm dân cư này và là ngôi trường mẫu giáo duy nhất trên đảo.

Khỉ leo lên cầu trượt trong khu vui chơi của trẻ để quậy phá - Ảnh: B.D.

Khỉ leo lên cầu trượt trong khu vui chơi của trẻ để quậy phá - Ảnh: B.D.

Từ lâu Cù Lao Chàm được ưu tiên đặc biệt dành cho bảo tồn đa dạng sinh học. Các hoạt động đời sống cùng kinh doanh du lịch đã tạo ra nguồn thức ăn lôi kéo khỉ từ núi xuống từng đàn.

Khỉ ở Cù Lao Chàm được bảo vệ tuyệt đối nên số lượng không ngừng gia tăng, tới nay gần như bất cứ nơi nào cũng có thể bắt gặp.

Chỉ biết xua đuổi

Nhiều người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm cũng ngán ngẩm và bế tắc với việc khỉ về quậy phá. Vườn trái cây, rau xanh, thậm chí đồ thờ cúng của người dân vừa đặt ra ở am thờ đã bị khỉ nhảy tót vào giật đi.

Cô Lê Thị Bích Liên nói rằng do phải chăm trẻ hằng ngày nên đồ ăn, sữa hộp, đường… ở trường mẫu giáo luôn có sẵn. Khỉ lại rất nhạy mùi nên gần như đây là điểm tập trung đông số lượng khỉ về phá phách nhất trong các khu vực có người sinh sống ở Cù Lao Chàm.

"Các cô ở đây vừa phải chăm trẻ, vừa lo đuổi khỉ. Cứ hễ thấy rào rào, loạt soạt và réo rắt ngoài bìa rừng là lo khép cửa lại.

Khỉ hoang xuất hiện ở khắp nơi trên Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.

Khỉ hoang xuất hiện ở khắp nơi trên Cù Lao Chàm - Ảnh: B.D.

Người thì ôm trẻ, người kia thì tìm vật dụng phát ra âm thanh lớn để xua đuổi. Cả bảo vệ cũng tìm cách đuổi khỉ ra nhưng việc này chẳng đi tới đâu.

Mấy năm nay có thể nói là cô trò ở trường sống chung với khỉ, đồ đạc bị phá thường xuyên mà chẳng thể làm gì được. Khỉ là động vật hoang dã trong diện bảo tồn trên đảo nên không ai dám làm gì" - cô Liên nói.

Theo bà Trần Thị Phương Thảo - cán bộ bảo tồn Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, việc khỉ xuất hiện từng đàn và quẫy nhiễu khu dân cư, trường học đang là vấn đề rất khó giải quyết.

"Hầu như ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận thông tin than phiền về việc khỉ quậy phá. Bà con nói rằng khỉ tăng đàn, số lượng ngày một nhiều, nhưng để đánh giá chính xác thì chưa có nghiên cứu cụ thể" - bà Thảo nói.

Tuyệt đối không cho khỉ ăn

Theo bà Trần Thị Phương Thảo, hiện nay Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Dù rất bức xúc với việc khỉ gây hại nhưng người dân ở Cù Lao Chàm không bức hại, làm tổn thương khỉ, mà chỉ dùng cách thức thô sơ để xua đuổi.

"Khỉ xuống dân quậy phá là vì nguồn thức ăn có sẵn. Chúng tôi khuyến cáo du khách lẫn người dân tuyệt đối không cho khỉ ăn, không tiếp xúc với khỉ, không để hớ hênh đồ đạc, trái cây, rác thải có thức ăn ra môi trường... Nghĩa là phải cắt đứt nguồn thức ăn, lúc đó khỉ mới quay về bản năng tìm kiếm thức ăn trong môi trường hoang dã" - bà Thảo nói.

Khỉ đuôi dài lại quậy phá, Khỉ đuôi dài lại quậy phá, 'ăn cắp' trứng gà nhà dân ở Củ Chi

Con khỉ xuất hiện quậy phá một số nhà dân ở huyện Củ Chi (TP.HCM) vừa bị kiểm lâm bắn gây mê đưa về cứu hộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên