05/01/2013 06:11 GMT+7

Khi địa phương cùng đua nhau làm kinh tế...

H.GIANG
H.GIANG

TT - “63 tỉnh thành đang trở thành 63 đơn vị kinh tế, nơi nào cũng đua nhau làm khu công nghiệp, khu kinh tế, xây cảng... trong khi nguồn lực đang ngày càng kém”

g9g3INbR.jpgPhóng to
Công nhân làm việc tại một nhà xưởng của doanh nghiệp FDI, Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM Ảnh: ĐÌNH DÂN

Bàn về câu chuyện phân cấp, phân quyền, ông Vinh cho rằng mặt tích cực là cho phép địa phương được tự chủ, tự quyết trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhưng mặt khác cũng đã gây ra nhiều tác động tiêu cực. Hiện nay, 100% các dự án đầu tư đều do địa phương cấp phép, trong khi năng lực và kinh nghiệm quản lý của một số bộ máy chính quyền địa phương không phải lúc nào cũng đáp ứng được.

Việc giao toàn bộ trách nhiệm phát triển kinh tế cho các địa phương, theo ông Vinh, ít được áp dụng trên thế giới mà chủ yếu chính quyền địa phương có vai trò và trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, tạo môi trường để các thành phần làm kinh tế. Trong khi đó, ở VN lại có tình trạng “tỉnh bên cạnh làm được thì tỉnh mình cũng phải làm được, ông làm khu công nghiệp, tôi cũng phải có”.

Ông Vinh chia sẻ khó khăn của lãnh đạo địa phương vì nếu địa phương này “nhịn mồm nhịn miệng” đi đánh bắt cá để cho địa phương khác làm chế biến rồi hưởng lợi xuất khẩu thì mình không được gì. Khi tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu chậm, GDP bình quân đầu người thấp... thì nhân dân đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên phê bình. Hậu quả là, theo ông, “cả 63 ông cùng làm thì không tập trung nguồn lực được” và lẽ ra một vùng ven biển chỉ cần một cảng nhưng sáu tỉnh lại có sáu cái. “Lãnh đạo nhiều địa phương biết nhưng không làm thì phải chịu trách nhiệm trước dân, trước cấp trên” - ông Vinh nói.

Để khắc phục tình trạng này, ông Vinh cho biết bộ đang đề nghị với Chính phủ là với những dự án lớn, các địa phương nơi dự án đăng ký vẫn được cấp phép nhưng cần thẩm định của cơ quan chuyên ngành và cơ quan tổng hợp để thấy đánh giá, tác động dự án; đồng thời sẽ cần thay đổi cơ bản cách thức xúc tiến đầu tư để tập trung hơn, “không đua nhau như bây giờ”.

Chưa có giải pháp xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn

Cũng tại buổi họp, cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết đã trình đề án chống chuyển giá lên Chính phủ và giai đoạn 2 của đề án đang do Bộ Tài chính chủ trì, trong đó đưa ra một số biện pháp như hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng đội ngũ chuyên gia phát hiện và xử lý, xây dựng cơ sở dữ liệu so sánh giá với các nước xung quanh, ban hành quy định thỏa thuận giá trước...

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận Bộ KH-ĐT vẫn còn lúng túng khi xử lý nhiều vấn đề liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do khung pháp lý trong lĩnh vực này chưa hoàn thiện. Chẳng hạn trước đây khi có tranh chấp về tài sản, công nợ... đa số vụ việc được giải quyết ở VN, nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp FDI đưa vụ việc ra một nước khác. Liên quan đến chuyện một số nhà đầu tư nước ngoài bỏ trốn, trong đó có những trường hợp có vay vốn trong nước, ông Vinh cho rằng có thể xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi tài sản thế chấp và thông qua các thỏa thuận hợp tác quốc tế. Nhưng khó khăn hiện nay là nhiều khi cơ quan quản lý không phát hiện ngay thời điểm doanh nghiệp bỏ đi nên rất khó truy tìm. Bộ KH-ĐT đang tham khảo kinh nghiệm quốc tế để giải quyết vấn đề này dựa trên hợp tác với nước sở tại để truy tìm ra doanh nghiệp bỏ trốn.

H.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên