Cảnh sát Pháp biểu tình tối 21-10 trước trụ sở cảnh sát ở thủ đô Paris với tấm bảng ghi “Cảnh sát nổi giận” - Ảnh: Reuters |
“Chúng tôi không muốn trở thành mục tiêu của bạo lực nữa. Không thể nào chấp nhận được nữa |
Bà Charlotte (sĩ quan cảnh sát vùng Île de France) |
Vậy mà họ đã làm, làm nhiều ngày và ở nhiều thành phố khác nhau. Dẫu quy mô không lớn nhưng nó cho thấy họ đã đến ngưỡng của sự chịu đựng.
Thậm chí theo nguồn tin từ cảnh sát quốc gia Pháp, vào tối 20-10 đã có khoảng 3.000 cảnh sát biểu tình ở 25 thành phố khắp nước Pháp, đông nhất ở thủ đô Paris với khoảng 500 vị xuống đường sau giờ làm việc trong trang phục dân thường.
Họ thể hiện mình là cảnh sát bằng băng đeo có chữ “Police” (Cảnh sát) trên tay hoặc có người nói rõ hơn với tấm bảng giấy cầm theo ghi dòng chữ “Cảnh sát nổi giận”.
Điều gì đã khiến họ nổi giận tập thể như thế? Giọt nước làm tràn ly chính là việc bốn cảnh sát ngồi trên xe tuần ở hai địa điểm khác nhau bị những thanh niên phản kháng bao vây ném chai xăng cháy vào trong xe làm hai cảnh sát bị thương nặng. Từ đó cảnh sát bắt đầu tụ tập để phản ứng với cấp trên, đòi hỏi phải được bảo vệ tốt hơn.
“Thứ thay đổi nhiều nhất chính là bạo lực phải đối mặt hằng ngày” - bà Charlotte, sĩ quan cảnh sát vùng Île de France từ hơn 20 năm qua, mỉa mai về những gì mình đã chứng kiến trong nghề sau những phát biểu về sự “đổi thay” của cấp trên.
Chỉ huy khoảng 30 cảnh sát dưới quyền, bà Charlotte cũng bực tức với thượng cấp của mình: “Bạo lực như thế nhưng thượng cấp của chúng tôi chẳng thèm đếm xỉa gì”. Dù vậy bà cũng không dám nêu tên thật mà chỉ xưng với nhà báo bằng cái tên giả Charlotte!
Ông Jean-Luc Taltavull, phó tổng thư ký của công đoàn sĩ quan cảnh sát, giải thích về nỗi bực tức của giới cảnh sát Pháp: “Ít nhất hai năm gần đây, giới cảnh sát chúng tôi ngày càng thêm tức giận bởi phải nhìn thấy kiểu quan liêu của cấp trên”.
Cả người đại diện của bên công đoàn lẫn người chỉ huy tại thực địa đều tức giận với kiểu tô hồng số liệu của thượng cấp.
Theo nữ sĩ quan Charlotte, thượng cấp của bà chỉ khuyến khích cấp dưới đi bắt những vụ đậu xe ở chỗ không được phép hơn là thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh.
“Thậm chí gần đây chúng tôi còn được yêu cầu đừng tham gia những vụ bắt bớ có khả năng gây tốn thời gian” - sĩ quan Charlotte tố cáo.
Sĩ quan Jean-Luc Taltavull tố cáo rõ hơn về chuyện cấp trên tìm cách tô hồng các số liệu: “Chuyện an ninh trật tự giờ đã bị chính trị hóa.
Thoạt tiên người ta cố làm ra vẻ như không có tình trạng mất an ninh, để đến nay chính các cảnh sát còn cảm thấy bản thân không được an toàn khi thi hành nhiệm vụ”.
Vì sao tình hình lại tệ hại như hiện nay? Bà Charlotte giải thích: “Chúng tôi đã ngoan ngoãn quá, chúng tôi chỉ tuân lệnh thượng cấp. Riết rồi chúng tôi cũng nghĩ tình hình sẽ tốt lên nhưng thực tế nó tệ đi rất nhanh. Từ một năm rưỡi nay, từ khi xảy ra khủng bố, chúng tôi đến là khổ sở”.
Bà Charlotte chỉ mong muốn cấp trên phải nhìn nhận thực tế và lắng nghe những người đang làm việc tại thực địa. Số liệu thực ra là không thể che giấu được: trong 9 tháng đầu năm nay đã có 6.753 cảnh sát Pháp bị thương khi thi hành nhiệm vụ.
Điều đó càng khiến các công chức cảnh sát thêm tức giận vì thiếu nhân lực, thiếu đầu tư phương tiện nghiệp vụ.
Trong những cuộc xuống đường suốt 5-6 đêm liên tiếp vừa qua, giới cảnh sát Pháp chỉ rõ những thiếu sót: xe tuần tiễu cũ nát, áo chống đạn quá hạn sử dụng gây nguy hiểm cho tính mạng nhân viên công lực...
Các quan chức Chính phủ Pháp, trước những cơn thịnh nộ gần đây của giới cảnh sát khắp nước, đã lo lắng thực sự.
Hôm 19-10, Thủ tướng Manuel Valls thông báo trên tài khoản Twitter của mình rằng chính phủ sẽ truy tố “không nương tay” những thủ phạm tấn công cảnh sát và giáo viên ở Pháp vốn đang rộ lên thời gian qua. Tổng thống François Hollande hứa sẽ gặp các đại diện công đoàn ngành cảnh sát Pháp trong tuần này.
Chưa biết giải pháp sẽ thế nào nhưng bắt đầu từ 24-10 lực lượng cảnh sát Pháp lại nhận lệnh huy động 120 sĩ quan ra trực chiến cho một nhiệm vụ dự báo khó khăn và nguy hiểm: bảo vệ an ninh cho chiến dịch dọn dẹp khu người tị nạn bất hợp pháp ở Calais giáp giới với Anh.
Các đại diện công đoàn cảnh sát ở Pháp đều thừa nhận tình trạng mệt mỏi lộ rõ của các sĩ quan bởi quá nhiều sự kiện dồn vào một lúc: tăng cường an ninh hậu khủng bố, bảo vệ sự kiện quốc tế về chống biến đổi khí hậu ở Paris vào cuối năm 2015, rồi giải bóng đá Euro hồi mùa hè vừa rồi...
Chưa có dấu hiệu cho thấy cơn giận của giới cảnh sát Pháp sớm nguội đi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận