26/09/2010 08:58 GMT+7

Khi chúng ta tự tách mình ra

TS MICHAEL DIGREGORIO (nhà quy hoạch đô thị, Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa Đại học Hawaii)HƯƠNG GIANG ghi
TS MICHAEL DIGREGORIO (nhà quy hoạch đô thị, Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa Đại học Hawaii)HƯƠNG GIANG ghi

TT - Tôi lớn lên ở một nước phát triển. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Mỹ trải qua một quá trình chuyển đổi với rất nhiều thay đổi lớn. Người dân bắt đầu sống trong những cái hộp.

Đó là hộp căn hộ, hộp xe hơi, hộp thang máy, hộp văn phòng... Họ đi từ hộp này sang hộp khác, ngày qua đêm. Le Corbusier (kiến trúc sư nổi tiếng, 1887-1965 - PV) đã nói: “Nhà là một cái máy để sống trong đó”. Điều Corbusier hình dung cho tương lai thật chính xác.

91QoOgXl.jpgPhóng to
Một góc chợ tạm ở ngã tư Nguyễn Hữu Huân - Lò Sũ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội - Ảnh: H.L.
eHw6qNsF.jpgPhóng to
TS Michael DiGregorio - Ảnh: B.Đ.

Điều tôi muốn nói là xã hội VN có lẽ là kiểu xã hội nơi người thật sự cần người. Có lúc họ tức giận, bất bình, không ưa hàng xóm cho lắm... nhưng người VN quen với việc sống gần nhau. Theo tôi đó là điều tốt. Trong nhiều xã hội châu Á tương tự, nơi cuộc sống và mối dây liên kết mọi người với nhau rất mạnh mẽ, mọi người thấy khó có thể sống tách biệt.

Nhưng thế giới mà nhiều người VN đang hình dung cho tương lai là nơi con người sống tách biệt và chỉ liên kết với nhau như những người tiêu dùng.

Chúng ta biết Hà Nội có chủ trương chuyển đổi nhiều chợ truyền thống thành siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Tại sao những người như tôi và nhiều kiến trúc sư khác ở Hà Nội lo ngại về điều đó? Khi ý tưởng chuyển đổi được đưa ra, nhiều người nói là vì chợ mất vệ sinh, bốc mùi. Thế thì câu trả lời phải là làm sạch chợ.

Trên thế giới có nhiều chợ sạch sẽ. Câu trả lời không nhất thiết là phá bỏ chợ và thay vào đó là siêu thị. Bởi vì chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn là nơi diễn ra những mối liên hệ xã hội. Những người đi chợ vì họ tin vào người bán: tôi mua cá của chị này, mua rau của chị kia... Với con người nói chung, những mối liên hệ cá nhân như vậy có ý nghĩa quan trọng. Càng đánh mất nhiều mối liên hệ, con người càng cảm thấy cô đơn và biệt lập.

Cô đơn có lẽ là một trong những nguồn gốc chủ yếu của bệnh thần kinh. Con người là động vật sống theo bầy đàn và cần nhận được sự phản ứng từ những người xung quanh. Nhưng trong xã hội tiêu dùng, mối quan hệ đó mang tính trao đổi hơn. Thay vì đi chợ nơi họ mời chào nhau theo kiểu “hôm nay chị lại đi chợ à, chị mua ít cà chua nhé?” thì chúng ta đi siêu thị nhưng ở đó không có mối liên hệ nào cả.

Bạn có tưởng tượng được là ở Mỹ có những phụ nữ già cả, con cái lớn và ra ở riêng rồi, họ chỉ sống một mình vì chồng đã mất, họ cất công ăn diện, đeo khuyên tai, trang sức chỉ để tới siêu thị! Để làm gì? Vì họ mong được giao lưu với những người khác. Nhưng rõ ràng với siêu thị, mọi thứ không còn như trước nữa.

Gần đây chúng tôi có thực hiện một bộ phim ở công viên Thống Nhất (Hà Nội). Ở đây có rất nhiều nhóm: nhóm nhảy, chơi thể thao, đi bộ, nhóm thái cực quyền... và không nhóm nào trong số đó đóng kín. Ai muốn tham gia cũng được.

Theo truyền thống cũ của châu Âu và Mỹ, công viên được tạo ra vì chính mục đích đó. Khi các thành phố bắt đầu có sự phân hóa tầng lớp xã hội, họ xây công viên để mọi cư dân thành phố ít nhất có thể nhìn thấy nhau. Và thế là chúng ta có công viên Central Park ở New York hay công viên bên bờ sông ở Boston. Với nhiều người, nếu không có công viên thì họ chỉ còn biết ngồi nhà, xem tivi, trở nên mệt mỏi, trầm uất mà chết.

Trong bộ phim ở công viên Thống Nhất, chúng tôi phỏng vấn một người đàn ông cao tuổi: “Ông sẽ làm gì nếu không đến đây?”. Ông ấy trả lời: “Tôi sẽ chết mất!”.

Con người cần môi trường khích lệ. Họ cũng cần có những điều quen thuộc với họ. Với những ai lớn lên ở Hà Nội, rất nhiều ngôi nhà ở đây mang những câu chuyện khác nhau. Biết những câu chuyện đó chính là một phần của tâm lý mỗi người: tôi là ai, tôi ở đâu, quá khứ của tôi là gì, tương lai của tôi ra sao...

Cách đây khoảng một tháng, tôi tình cờ hỏi vợ tôi là khi đi trên đường phố, cô ấy có thấy điều gì của quá khứ không? Lúc tôi hỏi điều đó, chúng tôi đang đi trên phố Tràng Tiền. Cô ấy kể: lúc còn nhỏ mỗi khi mẹ cho tiền, cô ấy lại chạy ngay đến hiệu sách ở phố này để mua một cuốn.

Những kỷ niệm, ký ức có vai trò rất quan trọng vì nó mang lại sự ổn định cho chúng ta. Tất nhiên, điều đó đang thay đổi nhanh chóng vì sự di cư. Nhưng những người nhập cư mới sẽ lại có câu chuyện của riêng họ về thành phố và chúng ta cần giữ lại ít nhất một phần quá khứ để giúp chúng ta ổn định về tâm lý.

Tất nhiên, tôi không thể bắt các bạn đừng xây nhà cao tầng, đừng đi ôtô. Và làm sao để thuyết phục mọi người không lặp lại sai lầm mà các thành phố lớn khác trên thế giới đã phạm phải, đó là việc của Chính phủ. Những người làm việc cho các bộ, ngành đã nghiên cứu, đi rất nhiều nơi trên thế giới và họ hiểu biết về các vấn đề này. Việc tìm ra giải pháp mới là điều khó khăn nhất.

Vậy mối đe dọa ở đây là gì? Tất cả chúng ta mỗi người đều đang góp phần xây dựng thành phố này: người kinh doanh, người làm giáo dục, người xây nhà... Tất cả đều là những tương tác về xã hội, văn hóa, thương mại, giao thông... Mối đe dọa xuất hiện khi chúng ta tự tách mình ra, khi thành phố chỉ còn là nơi để kiếm tiền, còn phần kia của cuộc sống, mỗi người nằm bên trong bức tường nhà. Đó là điều đang xảy ra ở các khu đô thị mới tại Hà Nội.

Chúng ta háo hức được sống trong những khu biệt thự hay căn hộ cao tầng riêng biệt vì điều đó chứng tỏ sự giàu có, nhưng điều đó chưa chắc đã đồng nghĩa với hạnh phúc.

TS MICHAEL DIGREGORIO (nhà quy hoạch đô thị, Trung tâm Nghiên cứu toàn cầu hóa Đại học Hawaii)HƯƠNG GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên