18/11/2016 15:42 GMT+7

Khi chung cư biến thành... hàng quán, công ty

TIẾN LONG - LÂM HOÀI - 
X.LONG - L.THANH
TIẾN LONG - LÂM HOÀI - 
X.LONG - L.THANH

TTO - Hà Nội đã chính thức yêu cầu doanh nghiệp có trụ sở, văn phòng ở chung cư phải chuyển đi nơi khác. Còn tại TP.HCM, nhiều chung cư gần như “biến” thành tòa nhà văn phòng, cùng với nhà hàng, quán cà phê...

Chung cư 42 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM) treo đầy bảng hiệu cửa hàng quần áo, quán cà phê, quán cơm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chung cư 42 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM) treo đầy bảng hiệu cửa hàng quần áo, quán cà phê, quán cơm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tầng dưới các chung cư cho thuê làm quán bar, nhà hàng, quán nhậu... mới là những nơi kinh doanh gây quá tải và đe dọa tới an ninh, cháy nổ cần phải cấm

Chị Bích Uyên (giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị spa trên tầng 20 một tòa chung cư ở Hà Nội)

Nhiều chung cư có đủ các dịch vụ, từ tổ chức hội nghị tới cơ sở spa, xông hơi...

Tràn ngập “chung cư đa năng”

Nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ vào khu chung cư 42 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé (Q.1, TP.HCM) người qua đường cứ nghĩ đây là khu tòa nhà văn phòng.

Ngoài mặt tiền chung cư treo đầy biển hiệu cửa hàng quần áo, quán cà phê, quán cơm... Gọi là chung cư nhưng ở đây chỉ còn khoảng 20 hộ dân sinh sống. Còn lại các căn hộ hầu hết đã được cho thuê lại. Dọc hành lang, nhiều đoạn dây điện sà thấp xuống cả đường đi.

Một năm nay, từ khi phố đi bộ được mở ra, hàng loạt căn hộ chung cư 42 Nguyễn Huệ được cho thuê, nhiều nhất là cửa hàng ăn uống, quần áo. Cuộc sống người dân trong chung cư gặp nhiều xáo trộn.

Bà V.N., chủ căn hộ tầng 4, cho biết bà đã đến ở chung cư tám năm. Chung cư chỉ có một thang máy, khách lui tới đông nên mỗi lần đi lại cư dân phải... dài cổ đứng chờ. Nhiều lần vội bà N. phải đi cầu thang bộ.

“Chung cư gì mà buôn bán như siêu thị, lỡ xảy ra cháy biết ai chịu trách nhiệm”, bà N. lo lắng.

Còn bà N.T.D., chủ căn hộ tầng 8, cho biết hằng ngày khách kéo đến ăn uống, vui chơi ồn ào gây ảnh hưởng đến các hộ dân. Các quán thường mở đến 11g đêm mới nghỉ. Nhất là hai ngày cuối tuần khách tới đông, làm náo động cả khu.

“Từ ngày mấy cửa hàng mở ra rầm rộ, dân tụi tui ở đây cũng lo lắng hơn về tình hình an ninh. Hồi trước chỉ có dân trong chung cư ra vào còn kiểm soát được, giờ nhiều người lui tới không biết ai như thế nào”, bà D. chia sẻ.

Tương tự, toàn bộ căn hộ dãy dưới trệt chung cư 42 Tôn Thất Thiệp, P.Bến Nghé (Q.1) đều làm cửa hàng buôn bán. Hai tầng trên chỉ có khoảng 10 hộ dân sinh sống, còn lại chủ nhà cho thuê mở cửa hàng bán quần áo, hàng lưu niệm.

Bà T.H. ở chung cư này nêu đã có vụ đèn quảng cáo một cửa hàng bị chập cháy làm người dân lo lắng.

Tại Hà Nội cũng có nhiều chung cư tại Yên Hòa - Cầu Giấy, Trung Văn - Từ Liêm... công khai gắn biển hiệu văn phòng, trụ sở kinh doanh ở chung cư.

Tại tòa cao ốc chung cư 29-T2 trên đường Hoàng Đạo Thúy (Q.Cầu Giấy), có hàng chục cơ sở như ngân hàng, các công ty, văn phòng, quán cà phê và cả một nhà hàng rất lớn chuyên tổ chức các sự kiện ăn nhậu đông người...

Quyết thực hiện luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ về văn bản yêu cầu doanh nghiệp di dời trụ sở, văn phòng, chi nhánh khỏi các chung cư, ông Nguyễn Văn Tứ - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội - cho biết Luật nhà ở đã quy định rõ căn hộ chung cư không được dùng làm nơi kinh doanh.

Nghị định 99/2015 đã quy định trong sáu tháng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải di chuyển nếu đang đóng tại chung cư (tức phải hoàn thành di chuyển trước ngày 10-6-2016 - PV).

Theo ông Tứ, trách nhiệm của chủ kinh doanh là phải làm thủ tục điều chỉnh địa điểm kinh doanh ghi trong giấy đăng ký kinh doanh sang địa điểm khác. Hiện nay đã quá thời hạn quy định 6 tháng, Sở KH-ĐT Hà Nội sẽ kiểm tra và chấn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết trên địa bàn TP.HCM có hơn 2.000 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký địa chỉ trụ sở tại căn hộ chung cư.

Bà Nguyệt nêu sẽ phối hợp các cơ quan cập nhật danh sách để làm cơ sở xem xét không cấp đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có đăng ký địa chỉ trụ sở chính, địa chỉ hoạt động tại các chung cư.

Bà Nguyệt cho biết thêm sắp tới, Sở KH-ĐT sẽ phối hợp xử lý các doanh nghiệp đăng ký địa chỉ trụ sở tại chung cư đến nay chưa chuyển.

Nhiều cửa hàng bán quần áo, hàng lưu niệm tại chung cư 42 Tôn Thất Thiệp (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều cửa hàng bán quần áo, hàng lưu niệm tại chung cư 42 Tôn Thất Thiệp (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp chưa phục

Hầu hết chủ công ty, chủ cửa hàng được hỏi đều cho biết thuê căn hộ làm điểm kinh doanh vì giá rẻ, diện tích rộng hơn thuê nhà mặt tiền. Nhân viên công ty TL cho biết đã thuê căn hộ tại chung cư 42 Nguyễn Huệ bốn năm nay.

Căn hộ rộng khoảng 40m2 có giá 15 triệu đồng/tháng trong khi một nhà mặt tiền Q.1 diện tích tương tự giá thuê thấp nhất 40 triệu đồng/tháng.

Giám đốc một công ty về phần mềm có trụ sở tại căn hộ chung cư ở tòa A1 Nguyễn Cơ Thạch - Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng không nên bắt buộc tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải dời khỏi chung cư.

Chỉ nên di dời các cơ sở có ảnh hưởng đến dân cư tòa nhà, như gây quá tải thang máy, mất an toàn cháy nổ... Còn trên thực tế, có nhiều người dùng chính căn hộ của mình để ở và kết hợp kinh doanh. Nếu buộc những người này phải di chuyển sẽ khiến họ gặp khó khăn.

Anh Trần Công Bảy - chủ một shop kinh doanh thời trang có trụ sở trên phố Vũ Trọng Phụng - đề nghị không nên “ôm một cục” cấm tất cả các loại hình kinh doanh.

“Như tôi chủ yếu giao dịch qua mạng, điều hành qua điện thoại là chính. Hay như bạn tôi kinh doanh về phụ tùng ôtô đóng trụ sở luôn ngay tại nhà mình, còn kho chứa hàng lại đóng chỗ khác. Như vậy nếu cấm chúng tôi là bất hợp lý”, anh Bảy nói.

Một lãnh đạo doanh nghiệp ở đường Láng Hạ cũng cho biết doanh nghiệp của anh quy mô nhỏ, chỉ có 1-2 nhân viên, không hề ảnh hưởng đến hàng xóm.

Mỗi tầng chung cư chỉ có vài căn hộ, gần như không nhìn thấy mặt nhau ban ngày, còn buổi tối khi người dân đi làm về thì doanh nghiệp của anh đã nghỉ từ 16g30.

Bây giờ bắt chuyển, anh cho biết sẽ tìm cách để... không phải chuyển, bởi trụ sở công ty là nhà của anh, toàn bộ giấy tờ giao dịch, thậm chí mã số thuế cũng gắn với địa chỉ trụ sở này. Nếu chuyển sẽ phải làm lại rất phức tạp.

Trong khi đó, bày tỏ về quy định cấm này, chị Bích Uyên - giám đốc một công ty kinh doanh thiết bị spa trên tầng 20 một tòa chung cư nằm trong khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính - cho rằng “không công bằng”.

“Công ty tôi chỉ có số ít các nhân viên ngồi tại trụ sở. Hằng ngày, khi nhân viên chúng tôi đến làm thì người dân đi làm hết, nên không thể nói là quá tải”, chị Uyên phân tích.

“Chỉ tầng dưới các chung cư cho thuê làm quán bar, nhà hàng, quán nhậu... - chị Uyên khẳng định - Đó mới là những nơi kinh doanh gây quá tải và đe dọa tới an ninh, cháy nổ... cần phải cấm”.

Trong trường hợp buộc phải dời trụ sở công ty khỏi chung cư này, chị Uyên than thở mình gặp nhiều khó khăn bởi rất khó để kiếm được mặt bằng rộng hơn 100m2 ở các nhà riêng, nhà phố…

Khó xử lý?

Một đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết hiện nay nghị định 121 chưa quy định xử phạt hành chính việc thuê căn hộ chung cư để mở văn phòng, cửa hàng kinh doanh, nên Sở Xây dựng chưa kiểm tra, xử phạt tình trạng này.

Tuy nhiên, nếu có quy định cũng khó xử phạt vì người kinh doanh được cấp giấy phép.

Theo vị này, việc sử dụng căn hộ để mở văn phòng không đúng luật, tuy nhiên thực tế có một số văn phòng mở ra nhưng hoạt động không có tiếng ồn hay ảnh hưởng đến cư dân.

Có thể xét ưu tiên theo ngành nghề kinh doanh, chỉ tuyệt đối cấm đối với ngành nghề sản xuất. Riêng những nơi doanh nghiệp chỉ đặt văn phòng nhỏ để 4-5 nhân viên làm việc cần xem xét ưu tiên cho tồn tại...

TIẾN LONG - LÂM HOÀI - 
X.LONG - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên