Tiết mục tham dự liên hoan của Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội - Ảnh: Lê Dung |
Liên hoan quy tụ hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên chuyên ngành nhạc dân tộc trên khắp các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, với nhiều hình thức trình diễn đa dạng và phong phú.
Tại đây, các nghệ sĩ đã góp mặt với những tiết mục độc tấu, hòa tấu nhạc cổ truyền nguyên gốc, nhạc cổ truyền có cải biên, nhạc đương đại phát triển từ những giai điệu dân ca, nhạc cổ (chèo, tuồng, cải lương...) và các sáng tác mới cùng với những nhạc cụ dân tộc cải tiến.
Liên hoan năm nay có nhiều nghệ sĩ trẻ hơn, có nhiều tác phẩm mới hơn, thu hút sự chú ý của người trong và ngoài nghề; đó là tín hiệu đáng mừng cho những ai còn yêu mến âm nhạc dân tộc.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu vui ấy, liên hoan còn đó đôi điều cần suy nghĩ.
Cuộc liên hoan này quy tụ hầu hết các đoàn nghệ thuật và các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp trên cả nước, số lượng các tác phẩm mới chiếm đa số trong phần trình diễn tại đây.
Nói đến “tác phẩm mới” viết cho nhạc dân tộc, có thể hiểu rằng đây là những tác phẩm với hình thức mới (hầu hết được viết theo các thể loại đương đại của phương Tây) và dựa trên các giai điệu dân tộc.
Đây là một xu thế phát triển tất yếu của âm nhạc hiện nay vì dễ nghe, dễ hiểu và dễ thu hút khán giả.
Với các hình thức âm nhạc mới này, các đoàn có thể phô diễn hết khả năng của mình với hàng chục loại nhạc cụ trên sân khấu, hàng chục nghệ sĩ biểu diễn cùng một lúc với nhiều động tác lắc lư, biểu diễn hình thể... tạo nên một không khí hào hứng.
Nhưng lại là chuyện cần cân nhắc khi liên hoan còn nặng về các tác phẩm mới hay các tác phẩm cải biên (tức là vay mượn một giai điệu cổ truyền rồi biến tấu nó thành bản nhạc mới).
Nhạc mục của hầu hết các đoàn là tác phẩm mới, chỉ có vài đoàn hiếm hoi mang chương trình cổ truyền đi thi, hoặc chương trình có cổ có mới...
Khi tác phẩm cải biên lấn át các làn điệu cổ truyền “nguyên gốc”, vô hình trung sẽ làm mất đi tính nguyên bản của tác phẩm.
Dần dần người ta sẽ quen nghe rồi cảm thấy đàn nhạc mới thú vị hơn là nhạc cổ; và với suy nghĩ ấy, người ta cũng thích học nhạc mới hơn nhạc cổ.
Cũng vậy, khi phần lớn huy chương quan trọng dành cho những nghệ sĩ nhạc mới thì những người chọn loại nhạc cổ truyền để đi thi sẽ ngày càng hiếm hoi hơn.
Một cái cây sống được phải nhờ bộ rễ vững chắc của nó. Một truyền thống muốn gìn giữ và phát triển cũng phải nhờ cái gốc bền vững đã được tạo thành và gìn giữ từ hàng trăm, hàng ngàn năm.
Liên hoan độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc tạo cơ hội cho người nghệ sĩ nhạc dân tộc cống hiến những khả năng sáng tạo của mình thì mong rằng đây cũng sẽ là cơ hội để tôn vinh những người âm thầm gìn giữ vốn cổ truyền mà cha ông đã để lại.
Để không chỉ người nghệ sĩ cảm thấy mình được động viên mà lớp trẻ nhìn vào sẽ càng vững tin nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật dân tộc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận