Tôi cố gắng tìm đọc những tài liệu liên quan nhằm tết này về quê sẽ khéo léo trang bị cho cô cháu gái một số kiến thức để cháu làm chủ được bản thân trước mọi tình huống của cuộc sống.
Phóng to |
Nhưng thật bất ngờ khi tôi thấy trên góc học tập của cháu dán một tờ giấy A4 với khẩu hiệu rõ to: “Mọi việc đều có thể được giải quyết nếu bạn tìm người giúp đỡ!”, và dưới dòng chữ đó là số điện thoại của nhà tư vấn 1900..., 1800...
Tôi tò mò vì sao lại dán như vậy, cô cháu gái với giọng tự hào thao thao bất tuyệt về cô giáo chủ nhiệm của mình.
Cháu kể rằng những giờ sinh hoạt lớp hay trong giờ văn, cô luôn khéo léo nhắc nhở rằng cuộc sống này thật đáng quý, mỗi một con người đều là một sản phẩm đặc biệt của tạo hóa vì thế ai cũng sẽ có niềm tự hào của riêng mình.
Sẽ có những nỗi đau, những điều không vui xảy ra đối với các em nhưng rồi sẽ chóng qua khi các em dũng cảm đối diện với nó. Và cô kể rằng còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh hơn như trẻ em khuyết tật, các bạn mồ côi không nơi nương tựa...
Nhưng họ vẫn đang vui vẻ sống và không ngừng vươn lên để khẳng định bản thân, sống cuộc sống đáng tự hào. Cô đưa ra những tấm gương như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và cả người không tay không chân Nick Vujicic để cả lớp thấy rằng cuộc sống hiện tại của mình đang rất may mắn, rằng tất cả những gì không vui đến với ta chẳng là gì cả.
Rằng hãy sống thật lạc quan, gần gũi và chia sẻ với mọi người vì mọi người xung quanh ta dù không nói ra bằng lời nhưng rất yêu thương ta, bởi vậy ta đừng làm điều gì đó khiến họ phải đau lòng.
Cô hỏi cả lớp: “Khi buồn em gọi cho ai?”. Cả lớp mỗi trò trả lời cô một kiểu: “Em gọi cho mẹ”, “Em gọi cho ba”, “Em gọi cho anh trai”, “Em gọi cho chị gái”, “Em gọi cho bạn thân”, “Em gọi cho dì”, “Em gọi cho cô giáo cũ”,...
Có những bạn im lặng không phản ứng gì cả. Cô nhẹ nhàng đến bên hỏi khi em buồn sẽ định gọi cho ai, bạn trả lời không gọi cho ai cả, đóng cửa phòng một mình hay đi chơi. Bạn thì trả lời trút nỗi niềm vào những trang nhật ký hay chỉ khóc, không gọi cho ai cả...
Cô chăm chú nghe và hướng về cả lớp chậm rãi: “Các em à, cuộc sống thật muôn màu muôn vẻ, có niềm vui và nỗi buồn, có thành công và cả thất bại. Đối diện với thành công, với niềm vui thì dễ, nhưng thật khó khăn khi ta đối diện với những điều xảy ra không như mong muốn của mình. Vì vậy bất kỳ lúc nào các em buồn, khi gặp những chuyện không tự mình giải quyết được, hãy nhớ bên các em còn có rất nhiều người để tìm đến. Đó là những người thân của các em, là cha mẹ, anh chị em, thầy cô và bè bạn. Hãy nhấc điện thoại lên và gọi, các em sẽ vượt qua khó khăn một cách dễ dàng. Nếu có những điều cần giấu kín không thể nhờ người quen được thì hãy gọi theo số này, các chuyên gia tâm lý sẽ có cách giúp em và họ sẽ giữ bí mật tuyệt đối cho em nếu muốn. Hãy nhớ rằng mọi việc có thể giải quyết nếu ta tìm người giúp đỡ”.
Cô nói và viết lên bảng câu nói ấy cùng với số điện thoại của mình và của tổng đài chuyên gia tư vấn tâm lý cho thanh thiếu niên. Cô còn dặn cả lớp viết nó thành khẩu hiệu dán trên góc học tập để mỗi khi gặp chuyện buồn không tự mình giải quyết được thì nhớ mà gọi ngay.
Nên trong điện thoại của những cô cậu học trò lớp cháu gái tôi đều lưu những số điện thoại của nhà tư vấn tâm lý. Và trên góc học tập của các em cũng có trang giấy A4 với câu khẩu hiệu như cháu tôi dán...
Tôi nhận ra những điều mình đang định nói với cô cháu gái còn chưa cặn kẽ, chu đáo bằng những gì cô chủ nhiệm của cháu đã trang bị cho học sinh của mình.
Tôi sẽ đem chuyện giáo dục của cô nói với bạn bè của mình như một bài học kinh nghiệm về cách dạy kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên, vì nếu muốn phòng ngừa tình trạng tự tử thì không chỉ riêng nhà trường mà các bậc phụ huynh cũng cần biết “khi buồn con gọi cho ai?”, lắng nghe và chia sẻ để trở thành nơi tin cậy cho các con tìm đến khi gặp sự cố. Tránh việc các em tự đối diện một mình mà cảm thấy bế tắc rồi nghĩ quẩn.
Chỉ cần các em chịu gọi, chịu chia sẻ thì mọi việc sẽ được giải tỏa, vì thường các vấn đề của các em không phải là chuyện bế tắc, mà thường là những chuyện có thể gỡ rối được tức thì nhưng các em lại không có người lắng nghe và gỡ rối kịp thời.
Từ ngày 9 đến 14-1, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được nhiều bài viết, chia sẻ của các bạn đọc: Vũ Duy Yên (Thái Bình), Đào Văn Thọ (Nghệ An), Nguyễn Thị Thu Hiền (Đà Nẵng), Lê Kim Dung (Đà Nẵng), Nguyễn Chí Dũng (Ninh Thuận), Trương Văn Phương (Bình Phước), Trần Văn Sinh (Đồng Nai), Nguyễn Đước (TP.HCM), Đoàn Tiến Thụy Hiền (TP.HCM), Đặng Trung Thành (TP.HCM), Trần Văn Tám (TP.HCM), Nguyễn Hoàng Duy (TP.HCM), Thái Hoàng (TP.HCM), Hằng Nguyễn (TP.HCM), Lâm Triều Ánh Tuyết (TP.HCM), La Hoàng Em (TP.HCM), Lê Phương Trí (TP.HCM), Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Đàm Thị Xuân Uyên (Tiền Giang), Lê Quang Vũ (Tiền Giang), Liễu Lý Thông (Tiền Giang), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng) cùng các bạn đọc Hoa Sứ. Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho hai chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc gửi thư trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm, chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng. TUỔI TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận