23/06/2013 06:09 GMT+7

Khi bạn trẻ ngán cơm nhà

CÔNG NHẬT - HẢI THI
CÔNG NHẬT - HẢI THI

TT - Thích đi ăn ngoài vì được thoải mái “chém gió” với bạn bè, tính chất công việc buộc giao tiếp rộng, thời gian biểu không khớp với cơm nhà... Có hàng trăm lý do đang kéo một bộ phận bạn trẻ Việt hiện đại khỏi bữa cơm gia đình.

qB3d2UfM.jpgPhóng to
Một bữa cơm với đầy đủ ba thế hệ đang trở thành hình ảnh hiếm hoi trong xã hội hiện đại - Ảnh: THANH ĐẠM

“Có thời gian về ăn nhưng không hứng thú lắm” là lời đáp gọn lỏn của bạn M.Khanh (sinh viên ĐH Công nghiệp TP.HCM) khi được hỏi về việc ăn cơm cùng gia đình sau giờ tan học.

Đủ mọi lý do

Lý do của M.Khanh là cô bạn và người thân trong nhà không hợp “gu” nói chuyện, thiếu sự đồng cảm nên không khí những buổi cơm chung thường rất khiên cưỡng. “Ba mẹ thường nhíu mày khi nghe chị em mình đề cập K-pop hoặc những dòng điện thoại mới, những game “hot” trên thị trường. Suốt bữa cơm ba mẹ chỉ hỏi học ra sao, ở trường ăn uống thế nào rồi dọa dẫm “ráng học không là cắt viện trợ!”, so sánh “sao học hoài không bằng anh A, chị B?”... nên mình nản lắm” - M.Khanh chia sẻ. Chuyện của M.Khanh không khó bắt gặp ở một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là những bạn trẻ lớn lên ở thành thị.

Ngoài lý do khoảng cách thế hệ thì tài chính rủng rỉnh, thích được thoải mái trò chuyện cùng người đồng tuổi... là điểm chung của các bạn thường ăn ngoài. Vũ Quang Thái (25 tuổi, nhân viên truyền thông, Q.5, TP.HCM) nhớ lại thực đơn chiều tuần qua của mình: “Thứ hai sushi, thứ ba lẩu, thứ tư cơm tấm...”. Công ty Thái làm nằm trên con đường sầm uất các dịch vụ ăn uống, sẵn nhóm đồng nghiệp độc thân nên cứ chiều tan tầm cả bọn lại kéo nhau ra tiệm. “Đi ăn với đồng nghiệp có nhiều chuyện công việc, chuyện công ty để nói, bữa ăn cũng rôm rả hơn. Đi làm rồi, cần tận dụng cơ hội mở rộng mối quan hệ chứ chẳng lẽ cứ quanh quẩn ở nhà với mẹ mãi” - Thái phân bua. Nhưng không thường dùng cơm nhà chưa hẳn đồng nghĩa vô tâm với gia đình, như Văn Trí (kỹ sư, Q.3) bộc bạch: “Về thấy hai cụ lụm cụm ăn với nhau cũng băn khoăn, dằn vặt lắm, nhưng tính chất công việc của tôi thất thường khó sắp xếp ăn chung được. Gặp bữa đi làm về căng thẳng thì càng muốn ăn uống, nghỉ ngơi một mình, vì sợ ngồi vào bàn lại cáu gắt, nói lời không hay với hai cụ thì càng tệ hơn”.

Nhìn chung, theo ThS Chí Tâm (giảng viên khoa đô thị học ĐH KHXH&NV TP.HCM), hiện tượng trên có thể khởi nguồn từ hai lý do chính: đặc điểm xã hội với việc mọi hoạt động của thành viên trong gia đình bị chi phối bởi lối sống thành thị, bên cạnh đó hệ thống nhu cầu của giới trẻ hiện đại khá phức tạp dẫn đến hàng trăm lý do kéo các bạn khỏi bữa cơm nhà: nhu cầu giao lưu kết bạn với người đồng lứa, nhu cầu tự khẳng định mình ở những không gian ăn uống sành điệu, sang trọng, nhu cầu mở rộng mối quan hệ làm ăn...

Bữa cơm chung mai một

Đã hai tháng kể từ ngày bà Lương Thị Hằng (53 tuổi, nội trợ, Q.Tân Bình) quyết định cắt cơm cả ba cậu quý tử trong nhà. “Hồi đó tôi nấu món nào cả ba đứa đều hít hà khen ngon. Từ ngày ba đứa đi làm, rủng rỉnh tiền riêng, có bạn bè, bồ bịch là tuyệt nhiên không thấy đứa nào bước chân về nhà trước 9g tối, đừng nói là ăn chung một bữa” - bà nói. Mọi nỗ lực của bà Hằng từ gọi con về ăn cơm, giận dỗi, la mắng đến... “mời mọc” con dắt bạn gái về dùng bữa với gia đình đều thất bại. Ngày nào cũng đổ cơm thừa, bà xót của, xót công, cắt cơm xem như lời tuyên bố thua cuộc của bà trong việc kéo con về bữa cơm nhà.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ tâm lý học Bùi Hồng Quân (Viện KHXH Việt Nam) đồng ý với quan điểm việc ăn ngoài ở giới trẻ giúp họ mở rộng mối quan hệ, từ đó phát triển cơ hội của bản thân và đây là một xu hướng hiển nhiên dưới tác động của nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, điều ông lưu ý là những trường hợp cố tình hoặc không chút hứng thú với bữa cơm gia đình vì tránh mặt... cha mẹ, các thành viên trong gia đình... “Bởi họ đang lỡ mất cơ hội củng cố tình thân, thu nhận những giá trị bổ ích để trau dồi nhân cách. Các nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học đã chứng minh điều này” - ông Quân nói thêm.

Còn dưới góc độ là một phụ huynh, ông Quân cảm thấy tiếc cho một giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt đang dần bị mai một. Theo ông, gia đình luôn là điểm tựa tinh thần lớn với người Việt, và bữa cơm chung là chất kết dính quan trọng. Với ThS Chí Tâm, bữa cơm gia đình thiêng liêng ở chỗ: là nơi “nếp nhà” được thực thi và là không gian thảo luận mở, nơi bạn trẻ có thể tìm kiếm sự ủng hộ, góp ý từ các thành viên khác về những dự định, quyết định của mình.

“Điểm lặng” cần thiết giữa bộn bề cuộc sống

Đó là chia sẻ của nhạc sĩ trẻ Phạm Toàn Thắng về ý nghĩa của những bữa cơm cùng gia đình nói chung và ca khúc Uống trà (giải Bài hát được yêu thích nhất Bài hát Việt 2010) nói riêng.

“Tôi viết ca khúc trên đơn giản chỉ muốn khắc họa lại một trong những khoảnh khắc đời thường mà tôi rất yêu quý - bữa sáng cùng gia đình. Nó không phải cảnh tượng hoa mỹ, chỉn chu nếu không muốn nói là khá lộn xộn khi mẹ và chị cứ thay phiên nhau la lớn điệp khúc: “muốn ăn gì?”, “ủi đồ chưa?”... khiến tôi đôi khi lính quýnh làm đổ cả mấy ly trà. Dẫu vậy tôi thường thấy ấm lòng. Sợi dây kết nối giữa những người trong gia đình lúc này hiện lên rất rõ.

Dĩ nhiên khoảng cách thế hệ thường dẫn đến những bất đồng trong lối sống, suy nghĩ nhưng nếu chúng ta chịu mở lòng đôi chút sẽ thấy điều kỳ diệu từ những bữa cơm bên gia đình, nơi mọi muộn phiền, mệt mỏi vì những toan tính trong cuộc sống sẽ được sẻ chia vô điều kiện”.

Công Nhật ghi

CÔNG NHẬT - HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên