Trong buổi lễ chào cờ đầu tuần mới đây, Đoàn Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trang trọng tuyên dương em Nguyễn Thị Hậu, lớp 11/11, vì đã có hành động đẹp là trả chiếc máy tính cầm tay em nhặt được cho người đánh mất.
Nghe thông tin này hẳn sẽ có người chặc lưỡi bắt bẻ: “Chỉ là cái máy tính cầm tay thôi mà, có phải là trả chiếc iPhone hay tiền triệu đâu mà rình rang vậy”.
Đúng là trả chiếc máy tính cầm tay là việc nhỏ, nhưng những người làm giáo dục đã biết tận dụng cơ hội từ việc nhỏ đó để tuyên truyền giáo dục học sinh bài học về lòng trung thực.
Từ nhiều năm nay tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, trong buổi lễ chào cờ luôn dành phần trang trọng cho gương người tốt việc tốt từ những việc nhỏ mà ý nghĩa. Hiệu quả tích cực thấy rõ.
“Trong những năm qua đã có rất nhiều học sinh khi nhặt được của rơi như điện thoại, bóp tiền, máy tính cầm tay, cặp sách mà các bạn bỏ quên trong hộc bàn... đã liên hệ với Đoàn trường hoặc giáo viên chủ nhiệm để trả lại cho người đánh mất, trong đó có trường hợp các em trả lại của rơi là chiếc điện thoại đắt tiền iPhone 5 trị giá cả chục triệu đồng” - thầy Nguyễn Viết Nghị, bí thư Đoàn trường, cho biết.
Tuyên dương học sinh không tham của rơi trước cờ không chỉ có tác dụng giáo dục bài học về lòng trung thực mà còn khích lệ động viên các em vươn lên trong học tập, nhất là với học sinh... cá biệt. Nhận định này được thầy Phan Văn Tánh - hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) - rút ra từ câu chuyện của chính thầy khi khen học trò cá biệt dưới cờ.
Thường thì học sinh cá biệt hay bị phê bình trước lớp, thậm chí phê bình dưới cờ để các em xấu hổ mà không dám tái phạm, đồng thời để răn đe những học sinh khác sợ mà không dám vi phạm, chứ hiếm khi có chuyện học sinh cá biệt được khen, đặc biệt là khen dưới cờ trước học sinh toàn trường. Nhưng thầy Tánh lại làm cái việc hiếm gặp đó.
Thầy Tánh cho biết năm học 2011-2012, có em Phạm Thanh N. mà giáo viên chủ nhiệm đã áp dụng nhiều biện pháp giáo dục như cho viết kiểm điểm, phê bình trước lớp, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm, phạt lao động, thậm chí cả đưa ra hội đồng kỷ luật và nhận hình phạt đuổi học một tuần, cảnh cáo phê bình dưới cờ... vậy mà em N. vẫn “hứa thật nhiều rồi thất hứa thật nhiều”.
Nói chung N. là một học sinh cá biệt, chuyên làm những việc thầy cô không ưa.
Nhưng có một lần N. làm một việc tốt là trả lại chiếc điện thoại nhặt được của một học sinh khối sáng để quên trong hộc bàn. Biết chuyện, thầy Tánh đã có thư khen em N. trong buổi chào cờ đầu tuần. Bất ngờ được khen trước trường khiến em N. xúc động rơi nước mắt.
Từ đó về sau N. đã có chuyển biến tích cực, cuối năm học em N. còn được khen một lần nữa. Lần này là khen thưởng em N. đạt danh hiệu học sinh tiên tiến - “một bước ngoặt trong sự nghiệp học hành” như lời thừa nhận của em N. và bạn bè.
Chia sẻ về cách làm của mình, thầy Tánh cho biết: “Đã là con người ai cũng có tâm lý mong muốn người khác nhìn nhận điểm tốt, điểm tích cực của mình và khi được người khác thừa nhận khả năng của mình thì sẽ có tâm lý tự tin, dễ sống hòa đồng thân thiện với tập thể. Còn nếu bị người khác đem điểm yếu của mình ra phê bình nhiều lần sẽ gây tâm lý chán nản, buông xuôi, miết rồi sẽ tin là mình không có khả năng.
Do đó giáo viên phải biết điểm mạnh của học sinh yếu và có sự khen thưởng, động viên, khích lệ giúp các em tự tin hơn về bản thân, cũng như cho học sinh khác cơ hội nhìn thấy điểm tốt của bạn để không xa lánh và có cái nhìn thiện cảm về bạn”.
Theo thầy Tánh, khen học trò là cả một nghệ thuật, nếu biết khen đúng người, đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ rất hiệu quả. Đôi khi một hành động nhỏ xuất phát từ cái tâm người thầy cũng đủ làm thay đổi số phận một con người.
Xem ra khen học trò là một biện pháp giáo dục không mới nhưng hiệu quả thì không bao giờ cũ!
Tuyên dương học trò trả lại tiền cho một cụ ông Đầu tháng 2, Trường THCS Ea Bung (Ea Súp, Đắk Lắk) đã tặng giấy khen, biểu dương một học sinh trước toàn trường vì đã trả lại 2 triệu đồng bị đánh rơi của một cụ ông. Học sinh được tuyên dương là em Trần Thành Đạt (lớp 7A) đã nhặt được một túi đồ gồm nhiều giấy tờ và 2 triệu đồng của cụ Trần Ngọc Định (85 tuổi, trú xã Ia T’Mốt, Ea Súp). Đạt là học sinh thứ hai của trường nhặt được tiền và trả lại cho người dân. Cô Hồ Thị Út - hiệu trưởng nhà trường - cho biết ngày 31-1 vừa qua, trên đường đi học về Đạt nhặt được một túi nilông rơi bên đường. Khi mở ra bên trong có chứng minh nhân dân và một số giấy tờ khác cùng 2 triệu đồng còn mới. Đạt đã đứng lại chỗ nhặt được túi nilông hơn một giờ mong người làm rơi đồ quay lại lấy, nhưng vì trời quá tối nên em mang về nhà và kể cho cha mẹ. “Sau đó Đạt đã gửi lại túi đồ đó cho ban giám hiệu nhà trường nhờ liên hệ người bị mất. Dựa vào số điện thoại trong túi nilông, nhà trường đã liên lạc được với cụ Định. Trước sự chứng kiến của toàn trường, Đạt đã trả lại giấy tờ và tiền cho cụ Định. Đạt sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp, cuộc sống còn khó khăn nên hành động của em càng thêm ý nghĩa” - cô Út nói. Nói về hành động của mình, Đạt nói giản đơn: “Thầy cô và cha mẹ thường căn dặn không được tham của rơi nên khi nhặt được tiền, suy nghĩ đầu tiên của em là phải trả lại người đánh mất”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận