Truyện ngắn của Mạc Can
Ông Chín Chim biệt danh Chín Trời ơi là một người nói chuyện mà không hở môi, không phải tật gì, mà cũng không phải tự nhiên mà có. Bởi... một hôm ông sơ ý làm đứt tay, đau quá ông mím môi kêu trời. Từ đó hễ đau, chẳng hạn như vấp chân nhằm cục gạch ông kêu thêm một chữ ơi, trời ơi. Lạ chưa vẫn không hé răng, ông già làm gì còn răng.
Ai biết tánh ông hay cà rỡn, nhiều lúc ông xí gạt những người chung quanh bằng trò đó, làm cho người ta lấy làm lạ. Ví dụ như bỗng nhiên có tiếng kêu "trời ơi trời" đâu đó mà nhìn không biết ai nói.
Ông Chín Chim chớ ai vô đây. Cười chưa? Mà ông lại như người thường thì luôn luôn... nín thinh?
Ông già tướng lạ, coi lì đòn nhưng nhút nhát, nhạy cảm, yếu lòng. Ông cao như cây tre miễu, móm xọm, đeo cặp kiếng cận dầy cộm, ông có thể đốt mảnh giấy báo, bằng cách cho ánh sáng trời tụ xuyên qua mắt kiếng, thời đó thì coi như trò lạ, ít ai có.
Từ khi kêu lên được chữ trời, ông lầm thầm trời ơi, rồi thì lầm thầm nháy tiếng chim sáo kêu, tiếng gà gáy, tiếng vịt la, tiếng con nít khóc, cho tới tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng đàn bà hát dỗ con, tiếng đàn tranh đàn cò tá lả, quen miệng thành tài làm khẩu thuật. Ăn đứt mất tay khẩu thuật giả tiếng trên sân khấu đại nhạc hội.
Nhưng không ai mời ông biểu diễn, ông Chín ngại đứng trước đám đông. Suốt cuộc đời "nghệ thuật" của mình, người ta chỉ mướn ông "kéo ton", tiếng lóng trong nghề hát hội chợ, chỉ đứng ngoài cửa để làm chó mèo kêu câu khách. Nếu không có hội chợ ông có nghề khác, làm thợ điện nhà, sửa radio.
Nói mấy, viết mấy về ông Chín cũng chưa hết chuyện! Ngày càng có chuyện mới.
Như chuyện cái radio kỳ cục của ông. Nó chỉ có cái cần ăng-ten bằng tre, một cái rà đài bằng cục dàn gâm, với cái loa tai nhỏ xíu ông nhét bên tai. Ông như người hỏa tinh, đi lang thang với cái ăng-ten cần câu cao cao khỏi đầu. Ấy vậy mà nó bắt được vài đài, tiếng ca nhạc, tin tức thế giới, hay vọng cổ văng vẳng như tiếng dế kêu, nhiều người cắc cớ thích, muốn mua nhưng ông nhất định không bán.
Ông Chín coi như sống độc thân, một mình thui thủi. Khi buồn ông nói chuyện một mình, hỏi rồi tự trả lời, nhưng nếu lắng nghe thì hình như có hai ba người. Một là ông, còn hai là một phụ nữ nào đó có tên có thứ đàng hoàng nhưng nào ai biết mặt.
Hội chợ nào cũng có ông Chín, ông coi nơi nầy là nhà. Ông là chuyên gia "kéo ton", chủ bầu mấy nhà bạt nhỏ xây cho ông cái sân khấu trên nóc phòng bán vé. Ông ở suốt ngày trên đó nhìn dòng người qua lại mà họ cũng nhìn ông như con khỉ già trong sở thú...
Khán giả thích ông Chín nhiều khi quên mua vé, mấy tay tổ chức nhà bạt nhỏ trưng bày kiểu chặt đầu để trên dĩa ca vọng cổ, ma lai rút ruột hay con chó hai đầu tám chân, rầy la ông vì khán giả ghiền ông ít khi vào xem trò của họ. Như vậy ông cũng là nghệ sĩ như ai. Nhưng tàng tàng, ngộ nghĩnh, bình dân.
Ông không biết hút thuốc, không uống rượu song người ta lại mướn ông "kéo ton" quảng cáo bia rượu thuốc lá trên cái sân khấu lộ thiên trong hội chợ với các nhà làm xiếc và hát thuật.
Cụm "nghệ sĩ hội chợ" nầy chỉ hát quảng cáo, cái sàn ván sân khấu lộ thiên là nóc nhà của họ. Tan hội chợ lúc khuya, họ ngủ dưới đó, người giăng võng, người trải chiếu. Họ còn đem theo cả gia đình đùm đề, hội chợ dời đi đâu họ theo đó.
Một quái kiệt khác là ông Tám Chó. Ông nầy chuyên gia khâu hai con chó con lại thành một, ngâm hóa chất, bỏ trong hũ keo triển lãm. Hội chợ lớn nhỏ không thể thiếu ông Tám. Cái ông nầy ai không quen nhìn mặt thì thấy sợ, nếu đó là đêm khuya vì mặt ông bị cháy nắng, lại còn có một con mắt giả cứ trừng trừng đứng tròng.
Mỗi khi chợt thấy Tám Chó dưới ánh đèn, đang móc con mắt giả ra lau chùi, ông Chín Chim cắn nướu kêu trời ơi rõ to.
Nhưng họ là đôi bạn cùng cảnh nhà nghèo có nhau. Ông Chín chỉ có một bộ quần áo, khi nào ai đó cho ông bộ thứ hai thì bộ thứ nhất rách nát. Ông không có cái vali, chỉ có cái túi vải đeo vai. Cái nón cối bằng nhựa của ông không đổi, cái nón nầy có thể bay lên khỏi gáy ông Chín. Con nít bu quanh ông khoái trò nầy.
Ông "kéo ton" cho gian hàng lô-tô, chỗ trò chơi thảy vòng vịt, ném lon trúng thưởng. Thường thì khi xong việc người ta cho ông ổ bánh mì cầm hơi, không trả thù lao, ông cũng nín thinh không nói, quay mặt đi thì lầm thầm khẩu thuật "trời ơi"?!
Buổi trưa hội chợ vắng khách. Hội chợ cũng giống rạp hát, lúc không có khán giả buồn hiu. Đám nghệ sĩ hát quảng cáo chui xuống sân khấu ngồi nằm không nói gì với nhau, những cái loa của các gian hàng ngoài kia cũng bớt la nói.
Ông Chín Chim ngồi một góc xa tằn mằn sửa cái radio không giống ai. Ông thì thầm khẩu thuật tiếng người đàn bà khóc thút thít, tiếng con nít khóc nhỏ nhỏ. Khuôn mặt ông Chín buồn buồn, hình như ông cũng khóc! Có tiếng rì rào của những chiếc lá khô rơi...
- Anh Chín…
- Ờ... em.
- Sao anh không về, bỏ luôn phải hông? Anh mà đi hoài em có người khác ráng chịu nha.
- Vậy... cũng được.
Tiếng người đàn bà khóc nấc lên:
- Thiệt không? Vậy cũng được hả? Tui có chồng khác, chớ đợi anh biết chừng nào, tui còn phải nuôi con nữa...
- Con ai? Tui đi mấy năm rồi mà?
- Con anh!
Tiếng con nít khóc oa oa...
- Nín nha con, ba còn đi hội chợ khẩu thuật chừng nào có tiền ba về...
- Sao anh nói về hoài mà không về. Con nó khóc hoài đòi ba. Bộ anh muốn đi luôn hả?
Hội chợ buổi trưa yên lặng, nắng gắt ngoài kia cũng buồn hiu. Chỉ nghe văng vẳng có tiếng người đàn bà khóc, đứa nhỏ khóc. Ông Chín Chim ngồi thui thủi một mình, ông già mím chặt môi.
- Trời ơi chưa có tiền làm sao về được!
Có tiếng con nít lại khóc. Hình như người đàn bà bên kia cũng mím môi biết khẩu thuật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận