16/02/2018 18:47 GMT+7

Huyền thoại 'Chích khuyển phệ Nghiêu'

HOÀNG THIẾU PHỦ - Theo TTC
HOÀNG THIẾU PHỦ - Theo TTC

TTO - Ông Ẩn là một ông già xưa, có vẻ rất hiểu biết và sùng bái văn hóa Á Đông. Ông có cô con gái tên Huyền Anh, là nhà báo. Gặp những chuyện xưa tích cũ hay từ ngữ Hán - Việt khó hiểu, Huyền Anh thường nhờ bố giải thích.

Huyền thoại Chích khuyển phệ Nghiêu - Ảnh 1.

Một hôm ông Ẩn đang ngồi uống trà ngoài hiên thì Huyền Anh đến hỏi:

- Bố ơi! Bố có biết cái điển tích "Chích khuyển phệ ngao" là sao, giải thích giùm con với!

- Không phải "Chích khuyển phệ ngao" mà phải nói là "Chích khuyển phệ Nghiêu" con gái à!

- Thì ngao với nghiêu là mấy thứ? Như vở tuồng cổ Nghiêu sò ốc hến, có nơi gọi là ngao sò hay nghêu sò... cũng được vậy bố?

- Bậy! Chữ Nghiêu ở đây là vua Nghiêu chứ không phải ngao sò. "Chích khuyển phệ Nghiêu" nghĩa là con chó của thằng đạo chích sủa vua Nghiêu. 

Đây là câu thành ngữ rất quen thuộc của người Trung Hoa, dẫn lời một mưu sĩ thời Xuân Thu Chiến Quốc tên là Điêu Bột nói với An bình quân Điền Đan nước Tề: "Con chó của đạo chích sủa vua Nghiêu không phải vì nó yêu đạo chích, ghét vua Nghiêu, chẳng qua vì vua Nghiêu không phải chủ của nó nên nó sủa đó thôi!".

- Nếu thế thì còn vô số người không phải là chủ của nó, nó sủa tối ngày, muốn lấy ai làm ví dụ cũng được, sao phải là vua Nghiêu?

- Trong lịch sử và văn hóa Trung Hoa, hình ảnh vua Nghiêu được xây dựng như là một điển hình tối ưu của đạo làm vua. Dưới thời ngài trị vì, đất nước thái bình, dân chúng an cư lạc nghiệp. Ban ngày, người đi đường không thèm lượm của rơi. Đêm ngủ, nhà nhà không cần đóng cửa mà không sợ bị mất trộm. 

Vào cuối đời, ngài không truyền ngôi cho con cháu mình mà nhường ngôi cho ông Thuấn, là người đức hạnh nổi tiếng đương thời. 

Một người đáng bậc thánh hiền như vua Nghiêu mà còn bị con chó - mà lại là chó của tên giang hồ trộm cướp sủa thì thật là không ra thể thống gì cả. Cho nên câu "Chích khuyển phệ Nghiêu" còn hàm ý: chó khôn chớ cắn càn.

Cô con gái nhíu mày suy nghĩ một chút rồi nói:

- Cứ theo câu chuyện bố kể thì hình như con chó ấy hơi bị oan. Nó không cắn càn sủa bậy đâu!

- Con nghĩ sao mà lại bênh nó?

- Có câu: Chó đâu chó sủa bông lông/Chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày. Vua Nghiêu dầu là người hiền đức nhưng mỗi khi ra ngoài đều tiền hô hậu ủng. Trong đoàn tùy tùng của ông ta, bao gồm những hộ vệ, bộ đầu, bộ đuôi, binh tôm tướng cá, cung nga thể nữ... chẳng lẽ bọn họ cũng đều là người hiền, không có ai đáng bị chó sủa? 

Nói đời vua Nghiêu là thái bình thịnh trị, dân không nhặt của rơi, ngủ không đóng cửa - thế thì cái tên đạo chích trong chuyện này ở đâu ra? Tên đạo chích này lại còn phải nuôi chó giữ nhà có nghĩa là ngoài y ra còn nhiều thứ trộm cắp khác rình rập. Còn nói nhà nhà đêm ngủ không cần đóng cửa có khi là vì người dân nghèo quá, không có gì để phải sợ mất. 

Tình trạng này cũng giống như cảnh nghèo của cụ Nguyễn Công Trứ trong bài "Hàn Nho phong vị phú": "Đêm năm canh, an giấc ngáy pho pho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ". Vậy theo con, cái câu "Chích khuyển phệ Nghiêu" tự nó đã làm hỏng cái điển hình vua Nghiêu của chế độ phong kiến và tố cáo mặt trái của các triều đại Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang gì đó.

Rõ ràng con chó của tên đạo chích đã bị mắng oan và không chừng nó còn bị bọn vệ sĩ của vua Nghiêu giết oan vì cái tội sủa vua cũng nên.

Ông bố ngẩn người ra một lúc rồi đành phải thừa nhận, trước giờ có khi ông chỉ quen nghĩ một chiều chứ ít khi lật đi lật lại để thấy cả bề trái của vấn đề. 

Cô con gái tiếp:

- Ngay cả bây giờ cũng vậy bố ạ. Nếu không lật đi lật lại những những bản báo cáo lý lịch, thành tích, học hàm học vị, những bản kê khai tài sản gian dối; những bản án phúc thẩm, những kết luận hồ đồ của thanh tra... thì làm sao thấy được bộ mặt gian tà của bọn tham quan ô lại. Làm sao hiểu được đằng sau những đại lộ vi vút, những nhà máy đồ sộ, phố phường hoa lệ, biệt phủ nguy nga... có khi chứa đầy nước mắt oán giận và khinh bỉ của quần chúng nhân dân?

Ông Ẩn nhẹ nhàng:

- Con làm báo mà hiểu được đạo lý đó thì tốt rồi! Nhưng mà phải cẩn thận, coi chừng bị chó cắn. Đừng quên rằng con chỉ là hạng ngao sò ốc hến chứ không phải vua Nghiêu đâu nhé!

Huyền Anh cười đọc cho bố nghe một câu ngạn ngữ của người Pháp có vẻ thích hợp với nghề làm báo của mình hơn: "Chó sủa mặc chó, người đi đường vẫn cứ đi".

HOÀNG THIẾU PHỦ - Theo TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên