22/07/2012 10:19 GMT+7

Khát vọng sống

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TT - Tỉnh dậy sau một tai nạn kinh hoàng và thấy cơ thể mình chỉ còn là một khối vô dụng. Phần còn lại của cuộc đời không gì khác hơn là những chuỗi ngày dằn vặt bản thân vì đã trở thành gánh nặng cho gia đình.

E4gw4qWi.jpgPhóng to

Dù nằm một chỗ, anh Lệ vẫn có thể điều hành việc kinh doanh của gia đình - Ảnh: Vũ Thủy

Trần Văn Lệ (38 tuổi, Phố Thiều, xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã không để cái kết cục vốn là lẽ thường tình ấy vận vào đời mình. 15 năm đã trôi qua, tai nạn sập giàn giáo ngày anh còn trẻ đã khiến anh không bao giờ có thể đứng, có thể đi lại được nữa, nhưng khát vọng được sống, khát vọng mang lại cho người thân cuộc sống hạnh phúc hơn đã vực anh đứng lên...

Những ngày đen tối

Cách đây 15 năm, chàng thanh niên Trần Văn Lệ đang ở cái tuổi đôi mươi với khát khao làm giàu, khát khao giúp gia đình thoát nghèo. Ký ức thời thơ ấu của anh là những ngày nghèo khó, cha mẹ làm lụng cực khổ để nuôi ba đứa con nheo nhóc. Lớp 9, cậu bé Lệ đã phải nghỉ học để theo cha phụ hồ kiếm tiền. Ngày Lệ vào Nam làm nghề thợ xây, anh mang theo quyết tâm phải làm ra tiền để gia đình có ngày được sống đầy đủ.

Làm chưa bao lâu thì tai họa ập xuống. Giàn giáo chơi vơi ở độ cao 10m mà Lệ đang đứng đổ sập. Lệ được cứu sống nhưng bác sĩ bảo Lệ bị gãy cột sống, đứt tủy cổ và liệt toàn thân. Lúc ấy Lệ chẳng thấy mình may mắn vì còn sống, chỉ thấy mình ở trong tình cảnh sống không bằng chết: đi làm lo cho gia đình, chưa lo được ngày nào đã thành gánh nặng cho tất cả mọi người.

Để chạy chữa cho Lệ, cha anh đã phải vay mượn khắp nơi và nén lòng bán đi phân nửa mảnh đất đang sinh sống của gia đình. Gia đình lâm cảnh nợ nần. Lệ được chuyển từ bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng vẫn không khá hơn được. Cha Lệ buồn bã, lo lắng cho anh đến nỗi phát bệnh tai biến suốt mấy năm nay. Gia đình thêm oằn gánh.

Lệ về nhà, gầy như que củi, cơ thể mềm oặt như sợi bún. “Lúc ấy buồn lắm, chán lắm, đau đớn lắm” - Lệ kể về những ngày mới được đưa về nhà sau tai nạn. Anh nằm bất động trên giường, từng việc nhỏ nhất từ rửa mặt, uống nước, mặc quần áo cũng phải có mẹ và em trai giúp. Lệ khổ sở sống qua từng ngày. Bảo là Lệ bi quan vẫn còn nhẹ. Lệ chẳng còn thiết sống nữa. Anh tự giày vò mình: “Để cho nó chết đi”.

Tất nhiên người thân chẳng thể nào làm vậy nhưng Lệ tự mình tìm đến cái chết. Anh nhờ trẻ con trong xóm mua thuốc chuột, rồi dồn hết sức lực lao từ giường xuống đất mấy lần mà không chết được. Đến sự giải thoát cho chính mình anh cũng không đủ sức lực để làm nữa.

Sức mạnh yêu thương

Những ngày đó anh em hàng xóm xúm vào động viên, thăm hỏi. Mẹ ngày nào cũng thầm thì với con trai phải cố gắng sống. Lệ dần bình tâm. Nhìn mẹ lặng lẽ chăm sóc anh, nhìn đứa em trai suốt ngày quanh quẩn bên giường bệnh, anh thấy mình ích kỷ. Trước anh muốn đi làm để đỡ cái tảo tần của mẹ, thì nay mẹ anh lại đang phải cực khổ hơn vì anh. Anh ứa nước mắt khi nghĩ đến bữa cơm của người thân. Cơm chẳng đủ mà ăn, phải thêm khoai, thêm sắn. Cái khát khao lúc trước lại trỗi dậy. Anh muốn kiếm tiền để chia sẻ khó khăn mà cả nhà đang vất vả vượt qua.

Lúc ấy cơ thể Lệ yếu chẳng còn chút sức lực, chỉ còn một cánh tay với bàn tay mềm oặt là còn có thể quơ quào một chút nhưng chẳng đủ để làm gì. Nhưng Lệ vẫn còn cái đầu và đôi mắt sáng. Anh nghĩ cách.

Chút tiền nhỏ anh em hàng xóm gom góp cho Lệ, Lệ bảo gia đình đi mua một cái bàn bida để có người ra người vào cho đỡ buồn. Trẻ con đến nhà, chơi xong đến tận giường Lệ đưa tiền. Hồi ấy, cái bàn bida của Lệ là cái đầu tiên trong xóm nên có người đến chơi luôn. Mỗi ngày Lệ cũng kiếm được lúc 2.000, 5.000, 10.000 đồng... Những năm 1998-1999, số tiền ấy cũng đã là kha khá. Đỡ đần cho gia đình được chút ít, Lệ vui vẻ lên từng ngày và hăng say làm.

Thời gian đó bố mẹ đi làm từ sáng đến tối, em gái làm trong Sài Gòn còn em trai đi học. “Tôi nằm ở nhà từ sáng đến tối. Ngày nào cũng đợi đến chiều tối em trai đi học về mới cho ăn cơm. Bữa nào may mắn có hàng xóm ở nhà thì mới được ăn trưa” - Lệ kể lại. Nằm trên giường không xoay trở được, cơ thể anh lở loét, đau đớn. Nhưng cũng vào khoảng thời gian này, Lệ chẳng còn nghĩ gì đến bệnh tật nữa, chỉ còn một khát vọng.

Lệ nghĩ ra đủ thứ và làm tất cả những gì nảy ra trong đầu. Anh bảo: “Trải qua biến cố lớn nhất của cuộc đời, lúc ấy tôi chẳng còn thấy rủi ro nào đáng sợ hơn nữa, chẳng thấy khó khăn nào khó khăn hơn nữa. Tôi can đảm hơn từ khi phải nằm một chỗ”. Anh và em trai mua xe đạp cũ về sửa lại, gom máy tính cũ, tivi, đồ điện tử cũ từ thành phố Thanh Hóa về bán lại. Họ bán đĩa nhạc, mở tiệm cầm đồ. Công việc ngày càng giúp gia đình khấm khá vì hồi đó anh em Lệ làm những thứ chưa ai làm ở xóm. Chỉ có em trai phụ giúp nhưng em trai vẫn còn đi học nên mọi thứ quản lý, mua bán với khách hàng Lệ đều tự làm hết. Anh nằm một chỗ nhưng vẫn có cách quan sát khách đến nhà. Những tấm gương lớn được Lệ treo khắp nơi để nhìn thấy được người ra vào.

Mấy năm sau Lệ giúp gia đình trả được nợ, rồi sửa lại nhà cửa. Đến lúc này những người xung quanh mới thôi hết lo ngại cho anh. “Tưởng nó không làm được cái chi. Vậy mà nó nghĩ ra và làm được nhiều thứ hơn cả người bình thường” - bà Lê Thị Xuân, mẹ anh Lệ, kể lại. Từ ngày chồng bị tai biến, nhiều lúc không tỉnh táo, bà nhìn chồng, nhìn con, nhìn cả nhà sống khổ mà đau đớn. Giờ thì đôi mắt bà đã lấp lánh niềm vui.

Điểm tựa gia đình

Đến thăm Lệ lúc gia đình anh vừa mở một cửa hàng mua bán đồ nội thất. Lệ nằm trên giường với đôi chân và đôi tay teo tóp. Anh bảo từ lúc gia đình có điều kiện hơn, anh cũng lo cho sức khỏe tốt hơn. Cái đệm nước tuần hoàn cứ vài tháng lại thay giúp cơ thể anh không còn bị lở loét nữa, mẹ chăm sóc cũng đỡ cực hơn.

Nhìn Lệ khó ai tin được anh lại là trụ cột của cả gia đình. Mẹ anh kể lúc cậu em trai kém Lệ 9 tuổi là Trần Văn Chung còn học ở nhà, Lệ là người kèm cặp em nhiều nhất. Hai anh em càng thêm thương nhau trong cảnh nghèo khó của gia đình, trong cái cảnh sống bất hạnh của Lệ. Có lúc phải ăn chung một bát cơm hoặc chia nhau củ khoai, củ sắn. Lúc đó cả hai chỉ ước có tiền mua một ký kem ăn cho thỏa thích.

Lệ mở cửa hàng, buôn bán, có em ở nhà phụ giúp đỡ được nhiều lắm nhưng anh không bao giờ cho Chung nghỉ học. Anh lập thời khóa biểu cho em trai, giờ nào học, giờ nào có thể chạy về nấu cơm. Mùa đông anh bắt Chung kê bàn học ngay cạnh giường anh, để một thau nước dưới chân, lúc nào buồn ngủ là phải ngâm chân vào. Chung thương anh, anh bảo gì cũng không cãi. Chung tốt nghiệp cấp III rồi đậu vào Đại học Bách khoa Hà Nội có phần công sức rất lớn của anh trai. Đến giờ anh em vẫn làm ăn chung. Lệ gom vốn để Chung mở công ty kinh doanh hàng điện tử bên Lào. Chung quản lý bên đó, bên này Lệ lo vốn và đầu mối hàng hóa. Có tiền Lệ lại giúp cô em gái mở tiệm “Nét” ở quê để làm vốn sinh nhai.

“Từ khi bắt tay vào làm đến giờ, tôi không cho mình ngưng nghỉ ngày nào. Những ngày đầu thời gian lê thê lắm. Giờ làm được nhiều thứ lại thấy một ngày trôi qua nhanh quá”. Với anh cuộc sống đang ngày càng trở nên ý nghĩa hơn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Gã điên” NarayananKỳ 2: Không bao giờ tuyệt vọngKỳ 3: Chỉ sau một lời nóiKỳ 4: Đi trên nỗi đauKỳ 5: Khi đam mê lên tiếng

______________

Đón đọc số tới:

Phía sau bản án tử hình

Là dấu chấm hết cho hi vọng của thân nhân tử tù. Là rất nhiều tâm tư, day dứt của các thành viên trong hội đồng xét xử. Là rất nhiều mất mát không thể đong đếm của nhiều gia đình...

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên