18/07/2012 10:39 GMT+7

Không bao giờ tuyệt vọng

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Một buổi sáng thức dậy, phát hiện mọi bộ phận trong cơ thể mình đều tê liệt, họ chỉ có thể nằm đó, không làm gì khác ngoài việc để mặc cho các ống dẫn nước, dẫn thức ăn nuôi sống mình.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sau khúc quanh đầy nghiệt ngã này, cánh cửa cuộc đời họ khép lại.

Kỳ 1: “Gã điên” Narayanan

JoV3GzyX.jpgPhóng to
Jean-Dominique Bauby hoàn thành cuốn sách dù chỉ một bên mắt còn cử động - Ảnh: paullavoie.ca

Cánh bướm thoát xác từ chiếc áo bơi

Jean-Dominique Bauby nguyên là tổng biên tập tờ tạp chí Elle danh tiếng của Pháp. Một ngày nọ, khi đang lái xe chở con trai đi chơi, Jean cảm thấy khó thở và sau đó ông đã nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu. Các bác sĩ chẩn đoán Jean bị tai biến mạch máu não ở mức độ nặng nhất, khi chỉ vừa 43 tuổi. Trừ mắt trái có thể chớp mở và não bộ vẫn hoạt động tốt, toàn bộ cơ thể của Jean tê liệt.

Các bác sĩ trị liệu đến gặp ông và đề nghị một phương pháp “nói” bằng bảng chữ cái, tức là họ đưa ra một bảng chữ cái, đọc đến chữ nào Jean muốn dùng thì sẽ chớp mắt một lần, nếu không đúng ông sẽ chớp mắt hai lần, để kết thúc buổi nói chuyện là chớp mắt nhiều lần. Từ đầu tiên Jean đã nói bằng cách thức này là décès (chết). Còn gì tuyệt vọng hơn nữa khi từ chỗ một tổng biên tập trẻ đầy đam mê, tràn trề sức sống và cũng rất đào hoa với hàng trăm người mẫu, diễn viên vây quanh, giờ đây ông chỉ nằm đó, bất động, ngay cả việc thốt lên một tiếng cũng vất vả đến thế.

Nhưng rồi, theo như chính Jean, câu nói của nữ bác sĩ trị liệu lúc đó đã làm ông thay đổi tất cả suy nghĩ của mình: “Xung quanh ông còn rất nhiều người thương yêu ông, ngay cả tôi không hề biết ông cũng có thể ngồi đây đọc bảng chữ cái này với ông suốt cả ngày hôm nay, tại sao ông lại có thể nhắc đến cái chết dễ dàng như thế, điều đó thật đáng ghê tởm!”.

Để tiếp tục được sống, Jean quyết định liên lạc với nhà xuất bản ông đã ký hợp đồng viết sách trước đó và bắt tay vào viết một cuốn sách. Ông đã viết bằng cách nào? Bằng những cái chớp mắt.

Mỗi sáng thức dậy, ông suy nghĩ những diễn biến cho cuốn sách của mình. Đúng 8g, người thư ký vào và bắt đầu đọc bảng chữ cái, vừa đọc vừa nhìn theo những cái chớp mắt của ông để ghi lại đúng câu chữ, đoạn văn ông nghĩ ra. Mỗi ngày 5 giờ, miệt mài mất hai phút cho mỗi từ, sửa đi sửa lại bản thảo, với hơn 200.000 lần chớp mắt không mệt mỏi, Jean đã hoàn thành cuốn sách của mình.

Cuốn sách vẽ lại chân dung của chính ông trong những ngày nằm tê liệt ở đây, trong những ký ức của ngày hôm qua sống phóng khoáng, rộng mở và cả những trang đầy tiếc nuối khi không thể nhìn con mình lớn lên, không thể ôm chúng vào lòng như những người cha khác... Jean ví mình như một người bị mắc kẹt trong chiếc áo bơi nặng trịch, không thể động cựa được dưới đáy nước sâu, nhưng rồi chính văn chương, chính những ngày ông được “sống” với mí mắt chớp lên xuống đã thật sự cứu rỗi linh hồn ông, khiến nó thoát xác và trở thành cánh bướm tự do rong chơi khắp nơi ở chốn nhân gian.

Sau khi sách xuất bản được 10 ngày, Jean qua đời. Cuốn sách đã tạo nên một cơn chấn động cả nước Pháp về nghị lực phi thường của người viết và trở thành sách bán chạy nhất châu Âu năm 1997, được dịch và phát hành trên 30 nước toàn thế giới. Nhà phê bình Pascale Arguedas đã nói về Chiếc áo lặn và con bướm (tên cuốn sách) như sau:“Khi người ta chỉ còn có từ ngữ, không từ nào là thừa cả...”.

Năm 2007, chuyển thể từ Chiếc áo lặn và con bướm, bộ phim cùng tên do đạo diễn Julian Schnabel thực hiện với một thủ pháp kể chuyện rất độc đáo: cũng thông qua góc nhìn của chính Jean với hàng trăm lần chớp mắt.

Bộ phim đã liên tiếp nhận các giải thưởng quốc tế như phim nước ngoài hay nhất Quả cầu vàng 2008, giải đạo diễn xuất sắc nhất Cannes 2007, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất (Mathieu Amalric) tại Cesar 2008...

EAq8Nm8e.jpgPhóng to
Amy Purdy tập luyện với đôi chân giả - Ảnh: neinvalid.ru

Cuộc đời tôi không chỉ có đôi chân

19 tuổi, cô nữ sinh vừa tốt nghiệp trung học phổ thông Amy Purdy mang trong mình rất nhiều mơ ước, khát khao trở thành một vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp. Rồi một cơn sốt xảy ra và điều khủng khiếp nhất đã ập đến. Amy nhiễm phải một loại vi khuẩn viêm màng não nặng, và loại vi khuẩn này đã nhanh chóng tàn phá gần như toàn bộ cơ thể của cô.

“Chỉ còn 2% cơ hội sống”, bác sĩ của Amy cho biết. Chân cô bị cưa lên đến đầu gối, thận suy cấp, tai trái bị điếc, các bộ phận còn lại trong cơ thể đều bị thương tổn nặng. Khả năng phải cưa hoặc cắt bỏ tiếp các bộ phận để duy trì sự sống cho Amy là rất cao.

“Khi tỉnh dậy sau cơn hôn mê, nằm trong phòng cách ly và nhận thấy hai chân mình đã biến mất, tôi gần như phát điên. Không có chân làm sao tôi có thể tiếp tục trượt tuyết được đây, tôi còn cả một cuộc đời rất dài phía trước, tại sao lại như vậy?”, Amy nhắc lại, với vẻ kinh hoàng vẫn còn hiện rõ khi cô làm diễn giả trong chương trình talkshow trên kênh truyền hình danh tiếng TED.

Đau khổ, tự dằn vặt mình, trốn trong phòng suốt khoảng thời gian sáu tháng đầu tiên, Amy tưởng chừng đã mất hết nghị lực sống. Cho đến một ngày, bác sĩ điều trị mang đến cho cô một đôi chân giả được lắp ốc vít vận hành rất linh hoạt ở khu vực khớp gối và cổ chân. Câu hỏi đầu tiên Amy đã hỏi lúc đó là: “Tôi có thể trượt tuyết với đôi chân này được không?”. “Được, nếu cô thật sự muốn!”.

20 tuổi, Amy quyết định bước ra khỏi giường bệnh và bắt đầu từng bước chạy nhỏ với đôi chân mới rất kỳ lạ này. “Mỗi lần di chuyển, chỗ nối giữa phần thịt phía trên gối và ốc vít ở khớp gối chạm vào nhau đau khủng khiếp, nhưng tôi không muốn bỏ cuộc. Đôi chân giả của tôi được gắn cố định vào ván trượt tuyết, mỗi lần nhìn thấy nó, phần còn lại của cơ thể tôi lại thúc giục được ráp lại, được lướt đi trên tuyết mãnh liệt!”.

Cứ như thế, Amy miệt mài với đôi chân giả và tấm ván trượt không ngừng nghỉ. Kết quả, hiện nay Amy đang là chủ nhân của ba chiếc huy chương vàng World Cup trong môn trượt tuyết dành cho người khuyết tật.

Song song với những hoạt động thể thao và nghệ thuật, cô cũng là người đồng sáng lập Tổ chức Adaptive Action Sport, chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người khuyết tật có mơ ước trở thành vận động viên chuyên nghiệp.

“Đời tôi đâu chỉ sống cho một đôi chân. Khuyết tật lớn nhất của chúng ta là ở cái đầu, vì đó là nơi ta thường tự giới hạn khả năng của ta nhiều nhất!” - Amy cho biết trong một bài phỏng vấn với báo Time.

----------------------------------------------------------

Một công việc bình thường, một số phận an bài, một khát vọng bị chôn vùi... Cho đến một ngày, chỉ với một lời nói giản dị, họ đã thật sự thay đổi.

Kỳ tới: Chỉ sau một lời nói

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên