Phóng to |
Narayanan Krishnan - người bạn của những cư dân nghèo khổ Ấn Độ - Ảnh: The Hindu |
Đầu bếp của cư dân đường phố
Narayanan Krishnan là một trong mười người đã được kênh truyền hình CNN bầu chọn là Người hùng của năm 2010 vì 1,7 tỉ bữa ăn và những chăm sóc tận tụy của anh dành cho người già lang thang và người khuyết tật ở Ấn Độ, quốc gia có đến 42% dân số sống dưới mức nghèo khổ (theo thống kê của Ngân hàng Thế giới).
Mọi việc bắt đầu cách đây đúng mười năm, Narayanan lúc đó chỉ mới 19 tuổi, háo hức bước lên chuyến xe về quê nhà ở Mandurai. Chàng trai trẻ mang theo một cái tin thật trọng đại: anh vừa nhận được một suất học bổng về nghề bếp trong khách sạn năm sao ở Thụy Sĩ, điều mà bất kỳ đầu bếp tập sự nào như anh cũng mơ ước.
Bất chợt, khi xe ngừng lại chờ đèn đỏ, anh trông thấy một người đàn ông ốm yếu bên vệ đường đang run rẩy ăn chính... phân của mình vì quá đói. “Ngay lập tức, tôi nhảy xuống xe và vét hết tiền trong túi mua cho ông ấy một bữa no nê. Trong đời tôi chưa bao giờ thấy người nào ăn nhanh đến thế, vừa ăn, mắt ông ấy vừa giàn giụa nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc!”, Narayanan kể lại.
Suốt quãng đường tiếp sau, mọi suy tính tương lai, mọi cách nhìn của Narayanan về cuộc sống hoàn toàn xáo trộn. “Tôi nhớ tới những bữa tiệc linh đình, sang trọng ở nhà hàng mà tôi vẫn nấu, hàng trăm người đến nhưng họ không đụng mấy đến thức ăn. Hầu hết số thức ăn này bị vứt đi. Trong khi đó có những người phải ăn chính phân của mình để sống qua ngày, tại sao lại như thế?”.
Trong tích tắc, Narayanan quyết định từ chối học bổng kia, nghỉ việc, anh muốn bắt đầu một công việc mới: “chăm sóc và mang lại công bằng cho những người Ấn Độ nghèo khó!”. Cha mẹ, bạn bè, thầy cô, tất thảy đều nghĩ Narayanan bị điên! Bằng mọi giá, họ ép anh phải đến bệnh viện tâm thần điều trị. Narayanan xin cha mẹ một tháng để chứng minh những điều mình làm là đúng và hoàn toàn tỉnh táo. Anh nấu ăn ngày ba bữa cho 40 người nghèo trong khu phố, sau đó đến xoa bóp, tắm rửa, trò chuyện với họ...
Cứ như thế, ròng rã sau một tháng, anh mời bố mẹ đến quan sát công việc của mình. Một lão ông ngồi bên vệ đường đã nhìn cha mẹ của Narayanan đầy sùng kính: “Nhờ ơn con trai của ông bà, giờ thì chúng tôi đã có cơm ăn mỗi ngày!”. Xúc động với những lời lẽ đó, mẹ anh đã chấp nhận công việc kỳ lạ này của đứa con trai: “Con cứ cứu sống và nuôi dưỡng những người này, còn mẹ sẽ nuôi con đến chừng nào mẹ còn sống!”.
“Không bao giờ mất đi”
Narayanan chính thức bắt đầu trở thành đầu bếp cho cư dân đường phố Ấn Độ từ đó. Anh lập ra Tổ chức Akshaya, tiếng Sanskrit nghĩ là “không bao giờ mất đi” với nguyện vọng sẽ chăm sóc mãi mãi cho những người nghèo này. Mỗi ngày thức dậy từ 4g, anh cùng với các cộng sự của mình lái chiếc xe tải nhỏ đi tổng cộng 125 dặm từ vùng này đến vùng khác, bất kể cái nóng 35-40OC thiêu đốt hay mưa bão gầm rú, phục vụ ba bữa cơm đầy đủ dưỡng chất cho hơn 450 người già vô gia cư, người khuyết tật trên đường phố. Không những vậy, Narayanan còn kiêm luôn cả công việc của một thợ cắt tóc.
Lúc đầu anh định thành lập nhóm chuyên cắt tóc cho những người nghèo này. Tuy nhiên, do sự phân biệt đẳng cấp nặng nề ở Ấn Độ, không ai muốn chạm vào người những kẻ ở tận đáy xã hội như vậy. Narayanan quyết định tự học, anh cắp sách đến trường học cắt tóc trong sáu tháng và tính đến nay Narayanan đã cắt tóc được cho hơn 4.000 người trên đường phố, ở bất kỳ nơi nào anh đi qua. Đến năm 2007, nhận thấy rất nhiều phụ nữ khuyết tật vô gia cư bị xâm phạm tình dục và phải sinh con ngay trên lề đường, Narayanan quyết định phải cung cấp cho họ nơi ở chứ không chỉ là bữa ăn.
Bán đi mảnh đất ông bà để lại, cộng thêm sự giúp đỡ của một số công ty bạn bè, Narayanan đã mua 3,2ha đất ở Mandurai và bắt đầu xây dựng chung cư cho người vô gia cư. Tính đến thời điểm này, công trình đã hoàn tất được 80%. Từ bỏ một công việc hứa hẹn có thể mang đến cho mình hàng ngàn USD mỗi tháng, Narayanan đã đánh đổi bằng một công việc không hề có lương bổng, bảo hiểm, cũng không có thăng quan tiến chức. Tuy nhiên, “sẽ không có bất kỳ khoản lương và tài sản nào có thể làm tôi hạnh phúc hơn việc mang đến nụ cười cho những người nghèo nhất ở đất nước tôi! Vào khoảnh khắc quyết định ấy, tôi biết mình sẽ không bao giờ hối tiếc!” - Narayanan cho biết.
Tiếng kèn saxophone xuống phố
Gác lại những show ca nhạc thù lao không nhỏ, Jeremy quyết định thành lập Parade of One, một tổ chức mang âm nhạc đi đến những miền đất khác nhau trên thế giới và tìm kiếm các tài năng âm nhạc mới. Điểm đến đầu tiên của Jeremy là Rwanda, một đất nước nghèo nàn ở châu Phi đang trong quá trình khôi phục sau nội chiến, nạn diệt chủng. Giữa đường phố của thủ đô nghèo nàn ở đây, anh cất lên tiếng saxophone của mình. Trong suốt ba năm qua, Jeremy Danneman đã cùng cây kèn saxophone của mình đi từ Mỹ đến châu Phi rồi châu Á để mang âm nhạc đến với mọi người, từ nơi sang trọng nhất đến vùng quê nghèo khó nhất. Lần biểu diễn trên đường phố đầu tiên của Jeremy chính là trong ngày sinh nhật của mình, ngày 21-3-2009. Hôm đó, đã chán những buổi tiệc sang trọng ồn ào với những người quá quen thuộc, tay chơi nhạc có hạng ở New York này đã quyết định mang tiếng kèn saxophone của mình xuống phố. Vài công nhân xây dựng gần đó ngừng tay nghe bài hát anh đang thổi, nhiều người thích thú cầm điện thoại quay lại.“Lúc đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận được giá trị thực tế của âm nhạc khi thấy phản ứng vui vẻ rất đặc biệt mà mọi người dành cho bản nhạc của mình. Tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao mình không thể mang nó đi khắp thế giới?”. |
----------------------------------------
Tổng biên tập tạp chí Elle bất ngờ bị liệt toàn bộ cơ thể. Còn nữ sinh 19 tuổi Amy Purdy bị cưa hai chân và các bộ phận khác cũng bị tổn thương nặng.
Họ đã làm gì sau chuyện này?
Kỳ tới: Không bao giờ tuyệt vọng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận